Chủ tịch Công ty CP Bagico: ‘Đừng nghĩ bài xích Trung Quốc, mà phải làm sao để chiếm được thị trường lớn này'
Chưa 1 đầy tháng tính từ thời điểm ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do nhiễm virus Corona (nCoV), dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 26 quốc gia, vùng lãnh thổ bên ngoài lục địa Trung Quốc.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho hay, với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Viêm phổi cấp trong những ngày gần đây và những động thái của Chính phủ Trung Quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hóa để tránh tình trạng tập trung đông người tạo điều kiện cho dịch bệnh có cơ sở lây lan trên diện rộng, dự báo dịch Viêm phổi cấp sẽ có những tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản hai nước.
Theo đó, đối với mặt hàng trái cây chủ lực, nhất là thanh long, dưa hấu chiếm tỷ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm Tết Nguyên Đán và lễ sau Tết.
Hầu hết các sản phẩm trái cây nêu trên là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến. Tuy các địa phương đã hướng dẫn, chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhưng tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ sẽ diễn ra do việc hạn chế giao dịch tại các cặp chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, lịch nghỉ Tết Nguyên Đán của Trung Quốc kéo dài và các biện pháp đảm bảo công tác phòng chống dịch Viêm phổi cấp được triển khai từ cả hai phía.
Phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến “Virus Corona tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?” do Báo điện tử Dân Việt tổ chức sáng 6/2, bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch Công ty CP Bagico cho hay, không phải đến lúc có dịch bệnh chúng ta mới gặp khó khăn về xuất khẩu, nếu không có dịch bệnh này thì thời gian tới chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn này.
Bà Thực phân tích, một trong những vấn đề của chúng ta đó là quy định về truy xuất nguồn gốc xuất khẩu nông sản bao gồm mã vùng, mã xưởng hay tem truy xuất nguồn gốc. Nếu như đợt này không xảy ra dịch bệnh thì chúng ta vẫn vướng khi thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản, vì đến nay chúng ta vẫn dẫm chân tại chỗ trong việc thực hiện các quy định này.
Vấn đề nằm ở chính sách, đến nay quy định cụ thể nào về mã vùng, mã xưởng hay tem truy xuất nguồn gốc cần gì thì chưa có.
Chủ tịch Bagico nhận định, cả thế giới mong muốn được bán hàng cho Trung Quốc, đặc biệt là nông sản. "Vì vậy, chúng ta đừng nghĩ rằng bài xích Trung Quốc, mà phải làm sao có thể chiếm được thị trường lớn này và có đủ năng lực cạnh tranh với các quốc gia khác", bà Thực nói.
Cũng theo bà Thực, hiện nay, thương mại điện tử đã phát triển nhưng mặt hàng của chúng ta vẫn còn kém về chất lượng, mẫu mã, điều này sẽ khiến Việt Nam còn gặp khó khăn hơn trong xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc.
"Nếu làm tốt, chúng ta sẽ không còn tình trạng giải cứu ở biên giới nữa. Chúng ta càng hỗ trợ, càng làm ngơ quản lý thì hệ lụy sẽ lớn. Sang Trung Quốc thì hàng Việt Nam quá ít và không có chỗ đứng trên thị trường thì hoàn toàn phụ thuộc vào người đến nhà chúng ta mua mang đi", Chủ tịch Bagico bộc bạch.
Bên cạnh đó, có một vấn đề đã nảy sinh và tắc nghẽn ở nông sản biên giới từ 2019 đó là quy định nhập khẩu có mã vùng trồng, mã xưởng, dán tem truy xuất nguồn gốc.
Chủ tịch Bagico cho rằng, nếu như đợt này không xảy ra dịch thì cũng có thể 1-2 tháng tới chúng ta vẫn vướng ách tắc nông sản cửa khẩu. Về vấn đề truy xuất nguồn gốc, chúng ta đang giẫm chân tại chỗ so với năm trước.