|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chủ sở hữu chuỗi Gogi, Manwah, Vuvuzela,... lên kế hoạch lãi sau thuế giảm gần 75% trong năm 2023

13:00 | 12/06/2023
Chia sẻ
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Golden Gate (chủ chuỗi Gogi, Manwah, Vuvuzela,...), công ty lên kế hoạch doanh thu thuần và lãi sau thuế lần lượt 6.886 tỷ đồng và 167 tỷ đồng, giảm lần lượt 1,1% và 74,6% so với thực hiện năm 2022.

Vừa qua, CTCP Tập đoàn Golden Gate đã công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2023 dự kiến diễn ra vào ngày 30/6. Theo đó, công ty lên kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 6.886 tỷ đồng và 167 tỷ đồng, lần lượt giảm 1,1% và giảm 74,6% so với thực hiện năm 2022.

Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Golden Gate chỉ ra rằng trong năm 2023, công ty sẽ vẫn tiếp tục tập trung vào việc phát triển và mở rộng mạng lưới nhà hàng trên toàn quốc, khai thác thế mạnh của các thương hiệu mũi nhọn, phát triển các nhãn hàng mới, phát triển các mảng kinh doanh mới như lĩnh vực đồ ăn giao hàng, xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp và áp dụng công nghệ nhằm tối ưu vận hành.

Trước đó, trong năm 2022, Golden Gate đạt doanh thu 6.965 tỷ đồng, tăng trưởng hơn gấp đôi so với năm 2021. Lãi sau thuế của công ty cũng lội ngược dòng từ khoản lỗ 430 tỷ đồng vào năm 2021 lên lãi 659 tỷ đồng vào năm 2022.

Nếu so sánh với thời kỳ trước đại dịch COVID-19 là năm 2019, Golden Gate đã lấy lại nhịp tăng trưởng hai con số, với tỷ suất tăng trưởng doanh thu kép hàng năm giai đoạn 2019 – 2023 là 13%. Kết quả này của Golden Gate cũng đã vượt kế hoạch kinh doanh năm 2022 được ĐHĐCĐ đề ra. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 101,3% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế đạt 175,3% kế hoạch.

Kết quả kinh doanh Golden Gate giai đoạn 2018 - 2023 (Nguồn: BCTC Golden Gate - Doanh Chính tổng hợp).

Golden Gate nhận định kết quả kinh doanh này thể hiện định hướng đúng đắn của Golden Gate, không chỉ trong năm 2022, mà cả trong quãng thời gian đại dịch COVID-19. Tận dụng khoảng thời gian nhịp kinh doanh chậm lại trong thời kì dịch, Golden Gate đã chú trọng đầu tư vào nâng cao năng lực quản lý, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, cải thiện các sản phẩm dịch vụ để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.

Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng công nghệ chuyển đổi số (các ứng dụng bán hàng, quản lý thông tin khách hàng, quản lý tài sản, lập kế hoạch và quản lý vận hành tại nhà hàng …) làm nền tảng cho việc nâng cao hiệu quả vận hành, chăm sóc khách hàng, tối ưu chi phí,.... Tất cả những nỗ lực đầu tư này của Golden Gate đã tạo nên bàn đạp để nhịp kinh doanh được phục hồi vào năm 2022.

Mới đây, CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) cũng đã công bố đã thay đổi tên công ty cũng như con dấu. Theo đó, CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng đã chính thức đổi tên thành CTCP Tập đoàn Golden Gate kể từ ngày 2/6.

Các thông tin khác như người đại diện theo pháp luật, ngành nghề kinh doanh… vẫn được giữ nguyên. Con dấu của công ty trong nghị quyết công bố ngày 31/5/2023 cũng đã thay đổi, từ Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng thành Tập đoàn Golden Gate (Golden Gate Group JSC). Bên cạnh đó, công ty cũng đã tiến hành thay đổi bộ logo nhận diện của thương hiệu. 

CTCP Tập đoàn Golden Gate (trước là CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng) được thành lập năm 2005, có địa chỉ trụ sở chính tại số 60 Giang Văn Minh, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội. Công ty đăng ký kinh doanh chính thức vào năm 2008.

Theo giới thiệu, hiện công ty đang sở hữu 22 thương hiệu cùng gần 400 cửa hàng tại 45 tỉnh, thành. Một số thương hiệu nổi tiếng thuộc hệ sinh thái của Golden Gate có thể kể tới như chuỗi nhà hàng lẩu Manwah, Kichi-Kichi, Hutong; chuỗi nướng Sumo, GoGi House; nhà hàng Nhật Isushi, Daruma,...

Anh Nguyễn