Chủ nhãn hàng Dove, Clear, P/S,... chia sẻ bí quyết tối ưu chi phí giao vận tại Việt Nam
Là một tập đoàn nổi tiếng trong ngành tiêu dùng với lịch sử hơn 130 năm hình thành và phát triển, Unilever không còn là cái tên xa lạ với người dân Việt Nam thông qua những sản phẩm như dầu gội, sữa tắm, kem đánh răng...
Mặc dù, các thương hiệu của Unilever như Dove, Clear, P/S... xuất hiện trên các kệ hàng của nhà bán lẻ ở khắp Việt Nam, từ siêu thị lớn đến tạp hóa nhỏ nhưng không phải ai cũng biết Unilever Việt Nam hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, không bán lẻ trực tiếp tới khách hàng.
Chia sẻ tại sự kiện FPT Techday 2022, ông Nguyễn Bảo Tri, Giám đốc công nghệ Unilever Việt Nam cho biết Unilever Việt Nam đã thực hiện các bước chuyển đổi trong thời kỳ đại dịch, nhằm phục vụ người tiêu dùng cũng như hỗ trợ các đối tác phân phối vượt qua khó khăn.
Cái khó ló cái khôn
"Trong bối cảnh quy định phong tỏa do dịch bệnh diễn ra khắp nơi, người dân không thể đi ra các cửa hiệu mua hàng, chúng tôi đã suy nghĩ phải làm sao để phục vụ người tiêu dùng trong giai đoạn khó khăn này", ông Nguyễn Bảo Tri nói.
Theo đại diện Unilever Việt Nam, ý tưởng đã nảy ra ở thời điểm đó là biến ứng dụng bán hàng nội bộ của nhân viên trở thành một ứng dụng bán hàng trực tuyến dành cho người tiêu dùng, nhân viên của các đối tác.
Sau ba tuần triển khai nâng cấp hệ thống, kết nối các nhà giao hàng chuyên nghiệp,... nền tảng Ushop.vn ra đời để phục vụ người tiêu dùng. Vị lãnh đạo Unilever Việt Nam cho biết Ushop hiện có 100.000 thành viên đăng ký với 10 đối tác và được định vị là nền tảng B2B2C.
"Người dân ở nhà chỉ cần vào nền tảng của chúng tôi đặt hàng và trong 48 giờ, họ sẽ nhận được hàng tại nhà. Mở ra một nền tảng bán hàng không phải là việc chính của công ty nhưng chúng tôi đặt việc phục vụ người tiêu dùng lên trên hết, nhờ đó tránh gây gián đoạn hoạt động kinh doanh của công ty", ông Nguyễn Bảo Tri nói.
Bên cạnh xây dựng ứng dụng bán hàng online, Unilever Việt Nam mở thêm các cửa hàng Ushop vật lý ở các khu chung cư,... để phục vụ người tiêu dùng có nhu cầu ngay lập tức. Cửa hàng Ushop offline cũng được xem là điểm chạm để tăng độ nhận diện của nền tảng Ushop với khách hàng, từ đó gia tăng số lượng người đăng ký ứng dụng. Ngoài ra, đây cũng là điểm nhận hàng, cung cấp cho người dùng nhiều lựa chọn hơn, thay vì chờ bên giao nhận.
Kết hợp online và offline trong phân phối sản phẩm
Ngoài việc phục vụ người tiêu dùng trong đại dịch, công nghệ còn giúp Unilever Việt Nam hỗ trợ các đối tác phân phối đưa hàng tới người dùng cuối dễ dàng hơn, đồng thời tối ưu chi phí.
Với ý tưởng đó, ông Nguyễn Bảo Tri cho biết Unilever Việt Nam đã phát triển một ứng dụng hoạt động với mô hình B2B retail self-service (bán lẻ tự phục vụ) dành cho các nhà bán hàng có thể cập nhật thông tin về hàng hóa.
"Nền tảng này cho phép nhà bán hàng có thể nhìn thấy thông tin của tất cả mặt hàng, thông tin về giờ vàng, khuyến mãi... từ đó giúp họ đưa ra quyết định nên mua gì, mua vào thời điểm nào. Điều quan trọng là người bán hàng sử dụng ứng dụng có thể đặt hàng bất cứ lúc nào, không kể ngày nghỉ hay ngoài giờ làm việc", ông Nguyễn Bảo Tri chia sẻ câu chuyện kết hợp phân phối online và offline giúp người bán hàng thuận tiện trong việc đặt hàng và giảm bớt công việc cho những nhân viên bán hàng của Unilever.
Sử dụng thuật toán để tối ưu tuyến đường giao hàng
Ngoài ra, bài toán giao vận cũng là một điều cần phải giải quyết. Ông Nguyễn Bảo Tri cho biết Unilever Việt Nam đã tận dụng cơ sở dữ liệu từ các nhà phân phối, nhà bán lẻ và khách hàng để xây dựng một hệ thống quản lý giao vận.
Hệ thống này sẽ sử dụng thuật toán để phân tích các dữ liệu, giúp tối ưu hóa tuyến đường đi giao hàng, tối ưu hóa các chuyến hàng, yêu cầu phải full load (xe chứa đầy hàng).
"Trước đây, nhà phân phối giao hàng cho nhà bán hàng theo tuyến cố định, cứ giao hàng tới A, B, C, D... hàng không đầy thì xe vẫn cứ đi. Sau khi triển khai hệ thống, nhà phân phối đã có thể tối ưu chuyến giao hàng, giảm số xe, giảm số tài xế và giúp họ giảm chi phí vận hành. Việc tối ưu hóa chuyến xe không chỉ giúp giảm chi phí vận hành hậu cần mà còn tiết kiệm chi phí xăng dầu", ông Nguyễn Bảo Tri cho biết khi áp dụng hệ thống này, nhà phân phối có thể giảm hơn 15% chi phí vận hành hậu cần.
Vị lãnh đạo Unilever Việt Nam cho biết các báo cáo cuối ngày đưa về những con số tích cực về thời gian giao hàng. Điều này làm hài lòng nhà phân phối lẫn nhà bán hàng và từ đó, Unilever Việt Nam cũng được hưởng lợi.