Chóng mặt vì làn sóng vơ vét cuồng nhiệt, giới bán lẻ Anh cầu xin người dân giảm tốc độ mua hàng
Các nhà bán lẻ thực phẩm kêu gọi người tiêu dùng ngừng "mua sắm cuồng loạn" trong giai đoạn dịch COVID-19 lây lan, nhấn mạnh rằng mua số lượng hàng lớn hơn nhu cầu sẽ khiến người khác không có cơ hội để mua.
Hiệp hội Bán lẻ Anh - tổ chức đại diện cho các chuỗi siêu thị như Tesco, Sainbury's, Asda, Morrison - thông báo các nhà bán lẻ sẽ cùng gửi một thư ngỏ để kêu gọi người tiêu dùng thay đổi hành vi mua hàng hiện nay.
Nội dung thư sẽ xuất hiện trên mục quảng cáo của các báo vào ngày 15/3 và 16/3.
"Chúng tôi hiểu mối lo của người tiêu dùng, nhưng nếu các bạn mua quá nhiều sản phẩm so với nhu cầu, những người khác sẽ không còn gì để mua. Chúng ta sẽ có đủ hàng hóa cho mọi người nếu chúng ta hợp tác với nhau", bà Helen Dickinson, giám đốc Hiệp hội Bán lẻ Anh, bình luận.
Hàng nghìn bức ảnh về cảnh tượng các kệ hàng trống trơn trong siêu thị ở Anh đã tràn ngập mạng xã hội. Người dân vơ vét các gói mì ống, giấy vệ sinh và thực phẩm đóng hộp.
Giao dịch trong các siêu thị trở nên căng thẳng, với những hàng dài người mua chờ thanh toán. Một số "sếp" siêu thị ví cảnh tượng ấy với cơn cuồng mua sắm dịp Giáng sinh.
Mức độ "cuồng"tăng lên hôm 12/3, sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson khuyến nghị người dân nên tự cách li ít nhất 7 ngày nếu phát hiện những triệu chứng nhiễm COVID-19.
Số liệu của giới chức y tế cho thấy 21 người đã tử vong ở Anh do nhiễm SARS-CoV-2.
Bà Dickinson xác nhận các nhà bán lẻ đang phối hợp với chính phủ Anh và các nhà cung cấp để đưa thực phẩm ra siêu thị nhanh hơn, đồng thời tăng số lượng chuyến giao hàng tới các siêu thị để bảo đảm rằng sản phẩm luôn đầy ắp trên kệ.
"Các nhà bán lẻ có dịch vụ bán hàng trực tuyến và giao hàng tận nơi cũng đang hoạt động hết công suất", bà nhấn mạnh.
Ở Mỹ, các chuyên gia trong ngành bán lẻ nhận định chủ các cửa hàng tạp hóa, siêu thị có thể kiềm chế "cơn mua sắm điên cuồng" trong giai đoạn dịch COVID-19 lây lan bằng cách chuẩn bị trước và cố gắng tích trữ hàng càng nhiều càng tốt.
Các siêu thị tạp hóa – như Costco – đang chứng kiến doanh số tăng vọt đối với những mặt hàng phục vụ cuộc sống hàng ngày như nước rửa tay, khẩu trang, nước đóng chai trong vài tuần qua. Doanh số những mặt hàng vốn rất ổn định như snack trái cây, đậu sấy khô, bánh qui xoắn cũng tăng mạnh.
Doug Baker, phó chủ tịch phụ trách quan hệ đối ngoại trong ngành của Hiệp hội nhà bán lẻ thực phẩm Mỹ (FMI) nhận định người tiêu dùng ưu tiên những sản phẩm có công dụng ngăn chặn và ứng phó dịch bệnh.
Giờ đây, ở một số bang trên nước Mỹ, người tiêu dùng chuyển sang những sản phẩm có thời gian tồn tại lâu – như thực phẩm đóng hộp, trái cây và rau đông lạnh.
Vị phó chủ tịch nhận định các nhà bán lẻ đang cố gắng hết sức để dự đoán và đáp ứng sự thay đổi thị hiếu chóng mặt ấy.
"Chúng tôi phải cố gắng hiểu suy nghĩ của người tiêu dùng trước khi họ nghĩ. Trong một sự kiện như dịch bệnh, nhà bán lẻ phải thích ứng nhanh với mọi nhu cầu của người mua. Trong thời khắc khủng hoảng, người bán có thể đoán những loại nhu cầu có thể tăng vọt, song họ không thể biết mức độ tăng và những nơi mà nhu cầu sẽ tăng", ông phát biểu.