|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sau khi mở chuỗi cửa hàng không thu ngân, Amazon bán công nghệ cho các nhà bán lẻ

06:50 | 11/03/2020
Chia sẻ
Amazon muốn bán công nghệ quản trị và thanh toán đối trong các cửa hàng không thu ngân của họ cho các chuỗi bán lẻ khác.

Reuters đưa tin Amazon đang triển khai một hoạt động kinh doanh mới dựa trên công nghệ đang áp dụng cho các cửa hàng không thu ngân. Công ty đang muốn "bán" công nghệ cho các nhà bán lẻ khác.

Amazon tiết lộ họ đã nhận một số đơn đặt hàng từ các khách hàng giấu tên. Tập đoàn lập một trang web để giải đáp mọi thắc mắc về công nghệ mang tên Just Walk Out của Amazon.

Chuỗi cửa hàng không thu ngân Amazon Go đã hoạt động chính thức và thị trường bán lẻ không thu ngân tại Mỹ có thể đạt giá trị lên đến 50 tỉ USD, theo báo cáo của công ty Loup Ventures.

Đằng sau việc Amazon mở chuỗi cửa hàng không thu ngân: Công ty muốn bán công nghệ cho các nhà bán lẻ khác - Ảnh 1.

Bên trong một cửa hàng không thu ngân Amazon Go. Ảnh: CNBC

Dilip Kumar, phó chủ tịch phụ trách mảng bán lẻ và công nghệ vật lí của Amazon không có dự đoán nào về thị trường nhưng cho biết thị hiếu của khách hàng sẽ quyết định dung lượng thị trường.

"Công nghệ của chúng tôi có khả năng ứng dụng rộng rãi với các cửa hàng, siêu thị có qui mô khác nhau. Đồng thời, công nghệ cũng giúp giải quyết nhiều vấn đề gây khó chịu cho khách hàng, đặc biệt là những người không có nhiều thời gian", Dilip Kumar chia sẻ.

Với những chuỗi bán lẻ sử dụng Just Walk Out, người mua hàng sẽ thanh toán bằng thẻ tín dụng. Khi dùng thẻ, bảng điện tử sẽ hiển thị tên công nghệ Just Walk Out của Amazon. Tuy nhiên toàn bộ hoạt động sẽ chịu sự quản lí từ đơn vị bán lẻ chủ quản.

Kumar cũng tiết lộ thêm rằng, để hoàn thiện công nghệ, cần phải lắp đặt thêm các camera trên trần và cảm biến trọng lượng ở các kệ và sẽ có một đường dây hỗ trợ 24/7.

Trên thực tế, Amazon không phải là doanh nghiệp đầu tiên cung cấp giải pháp cho các nhà bán lẻ. Cả Grabango và AiFi đều là những đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán tự động cho các nhà bán lẻ. Và cả hai hầu như không qua lại với Amazon, đối thủ cạnh tranh lớn với họ.

Báo cáo nhận định các khách hàng mục tiêu chính mà Amazon nhắm tới là các chuỗi cửa hàng tại sân bay, chứ không phải các chuỗi bán lẻ thông thường như Walmart và Target. Ngoài ra, Kumar cũng từ chối tiết lộ với truyền thông về giá cả dịch vụ, và nói rằng hầu hết các thỏa thuận đều là những thỏa thuận riêng giữa Amazon và khách hàng mua công nghệ.

Một vấn đề đáng lưu ý khác là sau khi chuyển giao công nghệ, ai là người sẽ nắm giữ dữ liệu mua sắm của khách hàng? Dữ liệu sẽ là một nguồn tài nguyên lớn để các nhà bán lẻ điều chỉnh lại chính sách marketing.

Đằng sau việc Amazon mở chuỗi cửa hàng không thu ngân: Công ty muốn bán công nghệ cho các nhà bán lẻ khác - Ảnh 2.

Amazon muốn bán công nghệ Just Walk Out của mình cho các nhà bán lẻ khác. Ảnh: Reuters

Khách hàng muốn nhận hóa đơn điện tử có thể nhập email của mình vào hệ thống. Amazon sẽ gửi thông tin chi tiết về email đó mỗi lần khách hàng sử dụng dịch vụ Just Walk Out, bất kể ở địa điểm nào. 

Cũng theo Kumar, việc Amazon lưu trữ dữ liệu email kèm với thông tin thẻ tín dụng chỉ có mục đích tính phí cho khách hàng một cách thuận tiện nhất. Ngoài ra, ông không cho biết có tích hợp những khách hàng này vào chương trình khách hàng thân thiết của Amazon hay không.

"Chúng tôi cấm sử dụng các dữ liệu từ công nghệ Just Walk Out cho các hoạt động khác ngoài việc hỗ trợ các nhà bán lẻ sử dụng Just Walk Out", Kumar nhấn mạnh.

Tiểu Phượng