|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chống đứt gãy chuỗi sản xuất tại khu công nghiệp (Bài cuối): Bảo vệ đại công xưởng lớn nhất nước

23:40 | 15/07/2021
Chia sẻ
Tình hình phòng, chống dịch COVID-19 tại Bình Dương đang rất gấp gáp, bởi theo tính toán của ngành chức năng, khoảng trong thời gian “vàng” còn 10 -15 ngày để dập dịch. Tính tới tối 14/7, trên địa bàn tỉnh Bình Dương 4 đã ghi nhận vượt 1.880 ca. Hiện dịch đã xâm nhập vào 48 công ty, xí nghiệp và khu nhà trọ, đẩy hàng ngàn công nhân đến nguy cơ mất việc.

 Bảo vệ “thành trì” Khu công nghiệp

Trước tình hình đó, tỉnh Bình Dương đã bàn giải pháp với 29 chủ đầu tư khu công nghiệp cùng doanh nghiệp để đẩy mạnh lấy mẫu test nhanh, xét nghiệm, “bóc” hết  F0 ra khỏi nhà máy, nhằm dần dần ổn định sản xuất trong điều kiện mới.

Tỉnh yêu cầu doanh nghiệp xây dựng kịch bản tác động của dịch. Nơi nào an toàn thì hoạt động, còn khu vực nguy cơ cao sẽ tạm thời dừng sản xuất.

“Thành trì” khu công nghiệp lớn nhất nước được quy hoạch 33 khu với tổng diện tích quy hoạch 14.790 ha khiến Bình Dương được mệnh danh là đại công xưởng sản xuất của cả nước. Trong số đó, 27/29 khu công nghiệp đang hoạt động có tổng diện tích 10.962 ha với tỷ lệ cho thuê lấp đầy trên 88%.

Lũy kế đến nay, Bình Dương thu hút gần 3.000 dự án đầu tư còn hiệu lực, bao gồm 2.319 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 25 tỷ USD và 658 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 77.000 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho gần 500.000 lao động.

Theo Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương Bùi Minh Trí, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn được duy trì. Chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 thực hiện đều vượt so với kế hoạch năm.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) đạt 16,8 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ và đạt 51% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu 11,18 tỷ USD, tăng hơn 15%; kim ngạch nhập khẩu 10,6 tỷ USD, tăng 10,4% và đạt hơn 58% kế hoạch năm; thuế và các khoản nộp ngân sách trên 228 triệu USD, tăng 6,6% và đạt 47% kế hoạch năm.

Hiện nay, giao thương với nhiều nước vẫn khó khăn, nhưng doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã tận dụng việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm trực tuyến để nhận được đơn hàng lớn, bảo đảm cho sản xuất và xuất khẩu. Một số doanh nghiệp nhận được đơn đặt hàng đến quý III/2021; thậm chí có đơn đặt hàng cho cả năm nay và kéo dài sang 2022.

Chống đứt gãy chuỗi sản xuất cho “thành trì” này là nhiệm vụ trọng tâm được cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương cùng các chủ đầu tư khu công nghiệp, doanh nghiệp hợp sức, đồng lòng vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Chống đứt gãy chuỗi sản xuất tại khu công nghiệp (Bài cuối): Bảo vệ đại công xưởng lớn nhất nước - Ảnh 1.

Công ty Hansol vina phối hợp cùng Trung tâm y tế thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương lấy mẫu gộp sàng lọc cho toàn bộ 4.000 người lao động tại nhà máy. (Ảnh: TTXVN).

Doanh nghiệp “gồng mình” xoay sở

Kể từ ngày 27/5 đến nay, trong các khu công nghiệp đã có 43/2.045 doanh nghiệp (tỷ lệ  2,1%) tại 25/27 KCN (trừ KCN Tân Bình và Bàu Bàng mở rộng) xảy ra dịch COVID-19 với 369 trường hợp F0.

Đến nay, đã truy vết được 4.403 trường hợp F1 và 9.116 trường F2 với nguồn lây nhiễm chính từ các ổ dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Dịch xâm nhập vào doanh nghiệp trong khu công nghiệp ảnh hưởng đến hơn 95.000 lao động.

Ông Bùi Mạnh Lân, Chủ đầu tư Khu Công nghiệp Đồng An 1 cho biết, trong đợt dịch mới này, khu có đến 6 doanh nghiệp bị ảnh hưởng với 35.00 lao động; trong đó có 13.000 công nhân rơi vào tình trạng bị phong tỏa.

Hiện doanh nghiệp đang “gồng mình” cùng địa phương vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, ngành y tế cần triển khai quyết liệt hơn nữa biện pháp lấy mẫu test nhanh và làm xét nghiệm sàng lọc đưa F0 ra khỏi nhà máy, giải phóng công nhân bị phong tỏa; đồng thời giúp các nhà máy khác thoát khỏi nguy cơ đóng cửa sản xuất - ông Lân đề xuất.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Scancom Việt Nam Lư Quang Thứ chia sẻ, việc phòng chống dịch tại đơn vị được nâng lên cấp độ cao nhất, thậm chí có phương án tổ chức luân phiên sản xuất. Nhân viên trong văn phòng chia ngày thay phiên nhau, không tập trung đông người để nhà máy vẫn hoạt động, chống đứt gãy sản xuất.

Theo ông Bùi Minh Trí, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp vừa phải phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động, vừa phải chủ động tổ chức sản xuất kinh doanh để thích ứng với tình hình mới. Đến thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, chủ động phương án tối ưu nhất như phát huy vai trò của Tổ an toàn COVID trong việc kiểm tra, giám sát hàng ngày tại nhà máy.

Ban Quản lý các KCN tỉnh đã khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong tuyên truyền; tiếp tục cập nhật thường xuyên tình hình thông qua phần mềm “Bản đồ an toàn COVID-19” để giữ vững “vùng xanh” an toàn tại các nhà máy trong khu công nghiệp.

Lên kịch bản “vượt bão COVID”

Tỉnh Bình Dương  yêu cầu doanh nghiệp lên kịch bản đảm bảo an toàn phòng, chống dịch mới được duy trì sản xuất. Đến nay đã có 1.877/2.045 doanh nghiệp đi vào hoạt động có báo cáo tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và cam kết thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch.

Trong số này có 1.366 doanh nghiệp tự đánh giá rất ít nguy cơ, 433 doanh nghiệp đánh giá nguy cơ lây nhiễm thấp, 71 doanh nghiệp tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm trung bình, 3 doanh nghiệp tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm cao và bốn doanh nghiệp tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Ông Bùi Minh Trí cho hay, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã thành lập được 5.013 Tổ An toàn COVID; có 1.362 doanh nghiệp đăng ký khả năng tự bảo đảm sản xuất trong điều kiện có dịch.

Hiện đã có 46 doanh nghiệp áp dụng thực hiện mô hình “3 tại chỗ” với tổng số lao động đăng ký lên đến gần 10.000 người. Ban quản lý các Khu công nghiệp đang phối hợp Sở Y tế ban hành hướng dẫn các điều kiện bảo đảm an toàn dịch bệnh COVID-19 cho công nhân ở lại nhà máy để doanh nghiệp thực hiện tốt "3 tại chỗ".

Giám đốc Sở Kế hạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Mai Bá Trước cho biết, Sở vừa ban hành văn bản đề nghị doanh nghiệp thành lập ngay các Tổ An toàn COVID, bảo đảm 100% doanh nghiệp có sự giám sát của Tổ An toàn COVID. 

Tổ An toàn COVID nhằm giám sát và phòng, chống COVID-19. Đây là khâu quan trọng, giúp chủ động giám sát từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất, vị trí làm việc của các nhà máy, công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp.

Từ đó, chủ sử dụng lao động của nhà máy, công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kiện toàn cho tổ an toàn, công đoàn, công nhân giữ vững “vùng xanh” an toàn, bảo vệ phân xưởng sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh khẳng định, tỉnh kiên định thực hiện mục tiêu kép vừa chủ động phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) của Bình Dương tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2020; kim ngạch xuất khẩu cán mốc hơn 17 tỷ USD, tăng 47,2%; thặng dư thương mại đạt 3,8 tỷ USD; thu ngân sách đạt 36.600 tỷ đồng, tăng 23%. Cùng đó, tỉnh đã thu hút được 1,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 65%.

Những tháng cuối năm, Bình Dương tập trung vào các giải pháp trọng tâm để hoàn thành "mục tiêu kép"; trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; chủ động xây dựng phương án, kịch bản ứng phó với các tình huống phát sinh, kiểm soát khống chế được dịch bệnh...

Ngày 15/7, UBND tỉnh Bình Dương đã yêu cầu Tiểu ban Điều phối xét nghiệm và tiêm vaccine đẩy nhanh thực hiện kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 với mục tiêu nhanh chóng, hiệu quả.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng lòng hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp, Bình Dương sẽ sớm kiểm soát được được dịch, thiết lập “vùng xanh” an toàn tại khu công nghiệp và các nhà máy để công nhân an tâm sản xuất.

Chí Tưởng

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.