|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chống chuyển giá: gian nan vì thiếu cơ sở dữ liệu

18:06 | 19/07/2018
Chia sẻ
Một trong những khó khăn của công tác chống chuyển giá hiện nay là thiếu cơ sở dữ liệu để xác định giá tham chiếu đối với các giao dịch liên kết. 
chong chuyen gia gian nan vi thieu co so du lieu Cho vay tiêu dùng: Phải có cơ sở dữ liệu quản lý khách hàng thật tốt

Hoạt động trốn thuế nói chung và chuyển giá nói riêng trong những năm qua làm Nhà nước thất thu hàng ngàn tỷ đồng. Để hạn chế tình trạng này, cơ quan thuế thường xuyên thực hiện nhiều đợt thanh kiểm tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, bất thường và phát hiện nhiều trường hợp sai phạm.

Cụ thể, theo PGS.TS. Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính, năm 2015 các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 4.751 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết. Qua đó giảm lỗ 10.050 tỷ đồng; truy thu, truy hoàn và phạt 1.063 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 303 tỷ đồng; số thuế đã nộp ngân sách Nhà nước gần 888 tỷ đồng.

Năm 2016, thông qua thanh tra chống chuyển giá đối với 329 doanh nghiệp, cơ quan thuế các cấp đã truy thu, truy hoàn và phạt 608 tỷ đồng, giảm lỗ 5.162 tỷ đồng.

Năm 2017, thông qua kiểm tra 734 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; cơ quan thuế truy thu, truy hoàn và phạt 2.271 tỷ đồng; giảm lỗ 7.417 tỷ đồng; điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.135 tỷ đồng.

Tuy vậy, cơ quan thuế cũng khó có thể phát hiện hết những trường hợp chuyển giá, gian lận thuế. Tại Hội thảo Khoa học "Chuyển giá - Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý hiện nay" tổ chức sáng 19/7 tại Hà Nội, nhiều bài tham luận của các diễn giả khác nhau đều chỉ ra một khó khăn chung của công tác đấu tranh chống chuyển giá hiện nay: thiếu cơ sở dữ liệu.

Để trốn thuế thông qua chuyển giá, công ty A hoạt động ở quốc gia có thuế suất cao sẽ bán hàng với giá rẻ cho một công ty liên kết B hoạt động ở quốc gia có thuế suất thấp. A sẽ ghi nhận lãi rất ít, thậm chí lỗ và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho nước sở tại. Ngược lại công ty B sẽ ghi nhận lãi lớn nhưng vì thuế suất mà B phải chịu thấp nên số thuế mà B nộp cũng thấp. Thậm chí một số quốc gia có thuế suất bằng 0% nên B hoàn toàn không phải nộp thuế.

Thực tế tại Việt Nam, có những doanh nghiệp chuyển giá và báo lỗ 10 - 20 năm liền nhưng vẫn hoạt động bình thường, thậm chí mở rộng quy mô. Các trường hợp đấu tranh chuyển giá thành công điển hình có thể kể đến như doanh nghiệp FDI sản xuất - kinh doanh chè ở Lâm Đồng, Keangnam, Hualon Corporation Việt Nam, Metro Việt Nam…

chong chuyen gia gian nan vi thieu co so du lieu

Gian nan xác định giá so sánh

Để xác định một giao dịch chuyển nhượng là tuân theo quy tắc thị trường hay phục vụ mục đích chuyển giá, các cơ quan có liên quan như Tổng cục Thuế cần có cơ sở dữ liệu về giá cả của các loại hàng hoá giữa các công ty độc lập và các công ty liên kết, nhằm tạo cơ sở so sánh giá chuyển giao.

Ths. Trần Minh Khương - Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước khu vực XII nhận định: "Hiện không có cơ sở dữ liệu về giá cả thị trường quốc tế, nguyên liệu, hàng hóa, thành phẩm, máy móc trang thiết bị... làm cơ sở tham chiếu, đấu tranh chống chuyển giá".

PGS.TS. Lê Xuân Trường dẫn ra trường hợp Cục thuế Lâm Đồng giải quyết hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp FDI sản xuất, kinh doanh chè để cho thấy vai trò quan trọng của dữ liệu.

Theo đó, điều kiện thuận lợi để Cục thuế Lâm Đồng đấu tranh với các doanh nghiệp này là ở chỗ hành vi chuyển giá liên quan đến giá bán của sản phẩm xuất khẩu mà những sản phẩm cũng có tiêu thụ nội địa.

Do vậy, giá tiêu thụ nội địa của chính những doanh nghiệp này là bằng chứng thuyết phục về hành vi chuyển giá (Xác định giá xuất khẩu rất thấp so với giá tiêu thụ nội địa. Giá xuất khẩu chỉ là 64.580 đồng/kg, trong khi đó, giá bán nội địa là 1.200.000 đồng/kg).

Tuy nhiên, nếu bên bán thiết bị, hàng hóa là bên nước ngoài còn bên mua là doanh nghiệp FDI Việt Nam thì vấn đề thu thập thông tin về giá bán của doanh nghiệp bán hàng ở nước ngoài là vô cùng khó khăn. Cơ quan thuế sẽ không có căn cứ để kết luận doanh nghiệp bán hàng với giá thấp để chuyển giá.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cũng có chung nhận định: "Dữ liệu là yếu tố cực kỳ quan trọng. Khi điều tra giá chuyển nhượng, chúng ta thường sử dụng phương pháp giá so sánh, chúng ta phải tìm một công ty, một giao dịch tương đồng. Nhưng cơ sở dữ liệu của chúng ta hiện nay không đủ".

chong chuyen gia gian nan vi thieu co so du lieu
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam tại Hội thảo Chuyển giá - Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý hiện nay

Cần "ăn chia" tiền thu được để đầu tư cơ sở dữ liệu

Trao đổi với phóng viên bên lề Hội thảo, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết, hợp tác là một trong những cách hiệu quả nhất để xây dựng cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, hợp tác lại là điểm yếu của cơ quan thuế Việt Nam hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp chuyển giá bằng cách mua bán hóa đơn lòng vòng qua nhiều địa phương khác nhau, gây khó khăn cho quá trình thanh kiểm tra vì các cục thuế vẫn chưa hợp tác hiệu quả với nhau.

Nói vậy để thấy, việc hợp tác với các cơ quan thuế nước ngoài sẽ còn khó khăn gấp bội phần.

Ngoài hợp tác giữa các cơ quan thuế trong và ngoài nước với nhau, ông Tuấn khuyến nghị Việt Nam nên chủ động hợp tác với các công ty chuyên cung cấp cơ sở dữ liệu lớn trên thế giới như Dun & Bradstreet; các công ty xếp hạng tín nhiệm như S&P, Moody’s, Fitch; các công ty kiểm toán lớn của thế giới như Deloitte, PwC, EY, KPMG, Arthur Andersen, v.v… vì các tổ chức này có dữ liệu cực kỳ tốt về các tập đoàn đa quốc gia, không chỉ về thuế mà còn về tài chính, giao dịch.

Tuy nói là hợp tác nhưng việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu trên thực tế đòi hòi nguồn lực rất lớn chứ không phải chỉ nói miệng là được. Về điểm này, ông Tuấn cho rằng Chính phủ nên cân nhắc trích một phần nguồn truy thu thuế được phát hiện từ chính các hành vi chuyển giá để bổ sung nguồn kinh phí cho công tác chống chuyển giá. Nguồn tiền này dùng để mua, cập nhật và quản lý cơ sở dữ liệu, đồng thời để trả phí thuê tư vấn, chuyên gia thuế, chuyên gia luật và bổ sung thu nhập cho đội ngũ chuyên trách.

Ngân sách Nhà nước hiện nay không có cơ chế để hạch toán, quyết toán khoản chi để mua cơ sở dữ liệu, tạo ra tâm lý "dễ nắm khó buông" - tức là cái gì dễ thì làm, cái khó thì bỏ qua dẫn tới để lọt nhiều doanh nghiệp chuyển giá, ông Tuấn nói thêm.

Xem thêm

Y Vân