Chớm vào mùa mưa, giá cà phê khó có cơ hội tăng cao
![]() |
Một người nông dân đang phơi cà phê. Ảnh: Tự Phong |
Trước đây, cứ mỗi lần có mưa chính là thời điểm thuận tiện để bón phân. Nên nhiều nhà vườn cần phải bán ít nhiều sản lượng còn lại của mình để chăm sóc và bón phân cho vườn cây. Chính vì thế, giá cà phê nội địa ở những thời điểm ấy thường yếu vì do lượng cà phê đưa ra thị trường nhiều.
Năm nay, “độ ẩm trong đất và không khí tương đối an toàn cho đến khi chính thức vào mùa mưa vào cuối tháng 5”, một lão nông tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắc cho biết. Lão nông cũng nhận định thêm rằng chưa thấy hiện tượng cung cà phê tăng cao nên giá vẫn bình bình chứ chưa bị dội chợ.
Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen bể bán cho thương lái để giao về các kho cảng quanh TP.HCM đến đầu tuần này quanh mức 37 triệu đồng mỗi tấn, tăng so với cách nay chừng một tháng là 36,5 triệu đồng.
“Giá đứng được mức ấy là một điều khá kỳ lạ vì tuần qua, các nhà xuất khẩu buộc phải bán các lô hàng đã giao cho giá kỳ hạn tháng 5-2018 để từ nay giao dịch theo giá tháng 7-2018. Bình thường giai đoạn này sàn kỳ hạn cũng chịu áp lực bán mạnh lắm, nhưng nay thì không thấy rõ”, một chuyên gia ngành hàng nhận xét.
Trong khi đó, một số nhà nhập khẩu lại cho rằng nhu cầu mua hàng của các hãng rang xay chậm lại và họ đang trả giá thấp hơn. Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen bể đang được chào mua chừng trừ 90-95 đô la Mỹ mỗi tấn điều kiện giao hàng qua lan can tàu (FOB) dưới giá kỳ hạn tháng 7-2018, trong khi đó tại các tỉnh Tây Nguyên họ đang chào mua giao vào kho tại chỗ với mức trừ 125 đô la mỗi tấn.
Theo dư luận thị trường, phía nhập khẩu chưa hăng hái mua do hiện các nước tiêu thụ vào mùa hè, dân chúng giảm uống cà phê. Mặt khác, các nhà rang xay đang đợi thời điểm thực hiện điều kiện giao hàng lên xe tải/tàu lửa (Free On Truck/Train - FOT) do Hợp đồng Cà phê châu Âu qui định cho hành cà phê robusta. Với điều kiện giao hàng mới này, chi phí làm hàng sẽ tăng thêm từ 40-50 đô la Mỹ mỗi tấn. “Tình trạng cò cưa chưa vội mua hàng hiện nay của bên nhập khẩu cà phê robusta có lẽ xuất phát từ yếu tố này. Thường người mua ép bên phía người bán phải trả chi phí này và người nông dân chính là người phải trả cho cái quyết định bất công trên của người mua”, vị chuyên gia nói.
Do giá dầu thô tăng, chỉ số cước vận tải biển BDI (Baltic Dry Index) cũng tăng mạnh, từ quanh mức 950 điểm đầu tháng 4 so với cuối tháng 4 lên trên 1.350 điểm.
“Chỉ tính riêng cước vận tải thôi thì giá cà phê giao hàng đi châu Âu phải mất thêm 80-100 đô la M, vừa do giá cước tăng vừa do chi phí làm hàng FOT mới áp đặt", vị chuyên gia nói trên đưa ra phép tính.
Cho nên, dù giá kỳ hạn có tăng thêm 50-80 đô la Mỹ, cũng chưa đủ để trả cho cước tàu biển. Như thế, giá cà phê nội địa khó có đột biến tăng trong thời gian trước mắt.