Cho vay nông nghiệp: Đừng để ngân hàng vừa rót vốn vừa lo
Lợi nhuận thấp, rủi ro cao, thiếu thế chấp
Theo TS. Cấn Văn Lực, tính đến tháng 9/2016, toàn hệ thống ngân hàng đã rót 900.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, chiếm 17,7% tổng dư nợ tín dụng cả nước. Dù đã tăng mạnh so với trước, song với khu vực chiếm hơn 2/3 dân số cả nước, thì con số này còn quá nhỏ bé.
Theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực, có nhiều nguyên nhân khiến ngân hàng e ngại cho vay nông nghiệp, như tín dụng nông nghiệp tiềm ẩn rủi ro rất cao, chi phí hoạt động lớn; các ngân hàng thương mại cổ phần do áp lực lợi nhuận lớn, nên vẫn chuộng cho vay các lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao hơn; các đối tượng vay vốn ở nông thôn thường thiếu tài sản đảm bảo…
Là một trong những doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN) chia sẻ, nông nghiệp nhiều rủi ro, lợi nhuận bấp bênh, nên các ngân hàng thường không muốn cho vay lĩnh vực này.
Trong các trường hợp liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị, khi nông dân cần vay vốn ngân hàng để sản xuất sản phẩm cho doanh nghiệp, thì phần lớn các ngân hàng chỉ cho nông dân vay khi có bảo lãnh hoặc bảo đảm bằng tài sản từ doanh nghiệp. Việc này gây khó khăn cho doanh nghiệp, vì làm tăng rủi ro, trong khi các quy định nội bộ không cho phép làm như vậy.
Ngay cả khi có tài sản thế chấp, theo lãnh đạo Công ty PAN, các ngân hàng thường định giá thấp hơn khá nhiều so với mức giá thị trường và mức cho vay cũng chỉ bằng khoảng 70% giá trị định giá, trong khi thủ tục rườm rà, phức tạp.
Lập “ngân hàng đất” để làm đối trọng với ngân hàng thương mại
Tại Hội thảo “Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp” diễn ra hôm qua (30/10), TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn nhận định: “Rất cần có các đột phá về chính sách để tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng, đặc biệt là cho doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn”.
Theo chuyên gia này, thời gian tới, chính sách cho vay nông nghiệp cần làm rõ vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị để áp dụng các phương thức cho vay và cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp. Ví dụ, cho vay trước thu hoạch thì không nhất thiết phải đưa vốn trực tiếp cho người nông dân, mà có thể thông qua doanh nghiệp ứng trước vật tư hàng hóa đầu vào và khấu trừ khi thu mua sản phẩm. Đồng thời, phải đơn giản hóa thủ tục tiếp cận tín dụng, đặc biệt là các thủ tục về thế chấp, tài sản đảm bảo…
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc các ngân hàng thương mại yêu cầu tài sản thế chấp khi cho vay là bình thường. Thực tế cho thấy, nếu người nông dân sản xuất đơn lẻ thì rất khó vay vốn, vì hầu như không có tài sản thế chấp, phương thức sản xuất không thể áp dụng công nghệ do diện tích ruộng đất nhỏ. Do đó, không nên nhìn vào vướng mắc thế chấp của nông dân để đưa ra lời giải cho bài toán tín dụng nông nghiệp.
“Nên chăng, đặt vấn đề là, người nông dân có ý tưởng mới trong sản xuất nông nghiệp thì cần liên kết với nhau để hình thành những diện tích đất lớn nhằm thực hiện sản xuất theo quy mô công nghiệp, áp dụng được khoa học - công nghệ”, ông Kiên đề xuất.
TS. Nguyễn Đức Kiên gợi ý, để thực hiện được việc tập trung ruộng đất, áp dụng công nghiệp vào nông nghiệp, cần xem xét giải pháp hình thành ngân hàng đất. Ngân hàng đất này có thể phác họa ra mô hình như một cơ quan nhà nước, được Nhà nước thành lập, nhận ruộng của người nông dân (giống như thuê lại đất của người nông dân), rồi cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp thuê lại đất. Khi đó, nông dân trở thành công nhân nông nghiệp. Khi có quỹ đất lớn, doanh nghiệp vào đầu tư, ngân hàng mới cho vay vốn. Nhà nước có thể hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Có như vậy mới giải được bài toán tín dụng nông nghiệp và đầu tư vào nông nghiệp.