|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

NHNN kêu gọi phát triển mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn để hạn chế tín dụng đen

15:20 | 26/12/2018
Chia sẻ
Đại diện NHNN cho biết do tín dụng đen phát triển mạnh ở những vùng nông thôn, Tây Nguyên nên việc đẩy mạnh phát triển tín dụng nông nghiệp, nông thôn là nhân tố quan trọng góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Sáng ngày 26/12/2018, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp góp phần hạn chế tín dụng đen.

nhnn keu goi phat trien manh cho vay nong nghiep nong thon de han che tin dung den
Nguồn: SBV

Phát triển cho vay nông nghiệp, nông thôn để hạn chế tín dụng đen

Theo nhận định của đại diện NHNN, thời gian qua, tình hình tín dụng đen diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các khu vực nông thông, các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên, gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế - xã hội. Điều này cho thấy một thực tế là người dân chưa lường hết được tác hại và vẫn đang tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi.

Việc ra đời của Nghị định 116 qui định về việc cho vay phát triển nông nghiệp và nông thôn là một trong những giải pháp giúp nâng cao tiếp cận vốn của người nghèo ở vùng nông thôn, góp phần hạn chế việc người dân tìm đến các nguồn vốn không chính thức khác.

Theo đó NHNN đã sửa đổi đối tượng khách hàng vay vốn chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn, đối tượng vay vốn không có tài sản bảo đảm, bổ sung qui trình khoanh nợ, ân hạn, giảm thủ tục hành chính theo hướng mở rộng, đơn giản hoá thủ tục.

Đồng thời, theo Nghị định này mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình đã tăng lên gấp 2 lần, hạn chế tình trạng khách hàng thiếu vốn tìm đến các nguồn vốn khác như tín dụng đen.

nhnn keu goi phat trien manh cho vay nong nghiep nong thon de han che tin dung den
Ảnh: Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết nông nghiệp, nông thôn có vị trí quan trọng, vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội. Hiện trên cả nước có khoảng 70 tổ chức tín dụng (TCTD), mạng lưới hơn 1.100 Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách Xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn. Dư nợ đến cuối tháng 11 ước đạt khoảng 1,69 triệu tỉ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2017 (cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế) với hơn 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ, chiếm tỷ trọng gần 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Ông Nguyễn Toàn Vượng - Phó TGĐ Agribank cho biết đến cuối năm 2018, tổng dư nợ của Agribank đạt gần 1 triệu tỉ đồng với 4 triệu khách hàng. Trong đó 70% là tín dụng nông nghiệp và nông thôn, chiếm 50% dư nợ toàn ngành trong lĩnh vực này. Ông đề nghị cần tiếp tục triển khai đơn giản hoá các thủ tục, giải quyết nhanh các nhu cầu vay cho khách hàng.

Ông Hoàng Minh Tuấn, Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tài chính MB Shinsei (Mcredit), cho biết để phát triển tín dụng nông thôn cần hoàn thiện hành lang pháp lý về tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vì đã có nhiều thông tin không tích cực khi chưa có phân định rõ về tín dụng chính thức và không chính thức. Đồng thời, cần có những điều chỉnh phù hợp để công ty tài chính có thể mở rộng phạm vi hoạt động; qui định rõ về hình thức cho vay theo công nghệ (P2P). Ngoài ra, cần cập nhật, chuẩn hoá thông tin khách hàng trên toàn hệ thống.

Làm gì để thúc đẩy tín dụng nông thôn, đẩy lùi tín dụng đen?

Tổng kết cuối hội nghị, đại diện NHNN đưa ra 11 giải pháp để đẩy mạnh tín dụng nông nghiệp, nông thôn, tham gia đẩy lùi tín dụng đen. Bao gồm:

(1) Tổ chức triển khai mạnh mẽ chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 55, Nghị định 116 và hướng dẫn của NHNN tại thông tư 10 và thông tư 25 để người dân nhanh chóng được hưởng những chính sách ưu đãi mới vừa được sửa đổi, bổ sung trong năm 2018.

(2) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng.

(3) Mở rộng mạng lưới hoạt động của các TCTD ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen hiện nay để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân. Trong đó, NHNN khuyến khích NHTM phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, không có điều kiện thành lập chi nhánh, phòng giao dịch.

(4) Dành nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phầm cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống chính đáng của người dân; xem xét gia hạn nợ, giãn nợ, điều chỉnh kỳ hạn cho vay khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen.

(5) Agribank với vai trò là đơn vị chủ lực trong cho vay nông nghiệp, nông thôn, cần triển khai thêm gói tín dụng cho vay tín chấp khoảng 5.000 tỷ đồng để phục vụ các nhu cầu vốn cấp bách của người dân, hộ gia đình khu vực nông nghiệp, nông thôn với hạn mức mỗi món vay khoảng 30 triệu đồng, thời gian xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày với chính sách kiểm soát sau và áp dụng mức lãi suất hợp lý, đủ bù đắp rủi ro trong cho vay.

(6) NHCSXH rà soát lại tổng thể các chương trình cho vay ưu đãi hiện nay để trình Thủ tướng Chính phủ cho kết thúc một số chương trình đã hoàn thành mục tiêu đặt ra và bổ sung thêm chương trình cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác với mức lãi suất hợp lý, không phải cấp bù từ ngân sách nhà nước.

(7) Rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức và hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng, đặc biệt là chính sách lãi suất và chế tài xử phạt nhằm tổ chức lại hoạt động của loại hình này theo hướng minh bạch với mức lãi suất phù hợp với mức sống của đại bộ phận người dân và không để các tổ chức này có các hành vi vi phạm, lợi dụng hoạt động của mình tiếp tay cho các đối tượng, tổ chức xã hội đen, cho vay nặng lãi, đi ngược lại với chủ trương của Đảng, Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

(8) Nghiên cứu, rà soát lại tổng thể hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô để có chính sách phát triển, mở rộng các tổ chức tài chính vi mô đang hoạt động hiệu quả hiện nay. Hoàn thiện hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, cụ thể hơn nhằm tạo điều kiện cho loại hình này hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần đáp ứng ngày càng đầy đủ, kịp thời hơn nhu cầu vay vốn tiêu dùng phục vụ đời sống của người dân;

(9) Phối hợp với Bộ Công an và chính quyền địa phương các cấp đáu tranh, ngăn chặn vấn nạn tín dụng đen và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các TCTD, nhất là các công ty tài chính để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan có hành vi cấu kết, tiếp tay, thông đồng với các đối tương, tổ chức xã hội đen cho vay nặng lãi.

(10) Phối hợp với chính quyền cấp xã, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, đặc biệt là Hội nông dân, Hội phụ nữ, Mặt trận tô quốc... để vận động, tuyên truyền các tổ chức này tham gia làm đại lý, dịch vụ cho vay vốn, đặc biệt là ở những địa bàn các TCTD chưa có điều kiện mở chi nhánh, phòng giao dịch để phối hợp với các TCTD hướng dẫn người dân vay vốn và sử dụng vốn phục vụ đời sống, kể cả những nhu cầu đột xuất, cấp bách.

(11) Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị xã hội thực hiện các chương trình truyền thông mạnh mẽ, toàn diện trên phạm vi cả nước, nhất là các địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen để người dân nắm bắt đầy đủ các chính sách tín dụng ngân hàng, đặc biệt là chính sách tín dụng tiêu dùng và chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng hoặc đề nghị ngân hàng thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ khi gặp khó khăn không trả được nợ đúng hạn.

Xem thêm

Diệp Bình