Cho vay mua nhà và xe ô tô là động lực tăng trưởng chính của VIB trong năm 2019
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán KB (KBS), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) là một ngân hàng thương mại cổ phần thuần về bán lẻ với thị phần thuộc top đầu về cho vay mua ô tô và cho vay mua nhà….
Cho vay mua nhà và mua xe là chủ lực của VIB
Trọng tâm kinh doanh của VIB hướng đến 4 phân khúc là cho vay mua nhà, xe ô tô, bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng và tương lai gần là thẻ tín dụng. Sau khi bán lại mảng bán buôn và thực hiện sáp nhập với chi nhánh của ngân hàng CBA tại TP HCM (hoạt động chủ đạo là bán lẻ) vào năm 2017, qui mô và tỉ trọng cho vay bán lẻ tại VIB liên tục tăng mạnh.
Cuối quí II/2019, tỉ trọng cho vay hộ gia đình tại VIB chiếm 75,5% tổng cho vay khách hàng, cao nhất toàn hệ thống và vượt xa các ngân hàng khác, qui mô cho vay đạt 86,465 tỉ đồng.
Cụ thể, cho vay mua nhà chiếm khoảng 36,7%, cho vay mua ô tô chiếm 31,5%, cho vay thẻ tín dụng khoảng 2,62%, còn lại là cho vay các hộ kinh doanh nhỏ lẻ không yêu cầu mục đích.
Tại phân khúc cho vay mua ô tô, hầu hết là mua mới và chuyển nhượng xe, với phân khúc trung đến cao cấp là trọng tâm. Tỉ lệ cho vay trên tài sản đối với mảng kinh doanh này từ 50 - 70% và nợ xấu khoảng 0,9%.
Đối với phân khúc cho vay mua nhà, VIB chỉ liên kết với các sàn giao dịch để cho vay trực tiếp người mua cuối, không liên kết hay thực hiện bảo lãnh cho các chủ đầu tư dự án.
Theo KBS, mô hình cho vay này ít rủi ro hơn việc bảo lãnh từ đầu cho chủ đầu tư như một số ngân hàng khác là Techcombank, VPBank, HDBank, ... do VIB sẽ không bị phụ thuộc năng lực và tình hình tài chính của chủ đầu tư, không phải dự phòng vốn cho dự án.
Hiện VIB đang liên kết với khoảng 500 đối tác chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, tỉ lệ cho vay trên tài sản tối đa của mảng kinh doanh này là 70% và nợ xấu dưới 1%.
Phí dịch vụ thanh toán và bảo hiểm là nguồn thu ngoài lãi chính của VIB
Bên cạnh việc ghi nhận các khoản lãi từ thu hồi nợ xấu hàng năm, đóng góp chính trong hoạt động ngoài lãi là nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, trong đó nổi bật nhất là hoạt động thanh toán và bảo hiểm.
Lãi từ hoạt động thanh toán của VIB tăng trưởng mạnh trong các năm gần đây (tăng hơn 50% trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019), phù hợp xu hướng tăng thu nhập phí của toàn ngành.
KBS cho rằng nhờ ưu thế từ cổ đông chiến lược là ngân hàng Commonwealth của Australia, VIB là một trong những ngân hàng năng động trong việc phát triển các sản phẩm thẻ, hệ thống giao dịch cho khách hàng cá nhân.
VIB là đối tác bán chéo bảo hiểm chính của Prudential, công ty thuộc top 3 về doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới và top 3 về thị phần bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng năm 2018.
Sau hợp đồng độc quyền 15 năm ký mới với Prudential năm 2018 cùng các điều khoản phí upfront và hoa hồng tốt hơn, doanh số bán bảo hiểm của VIB đã tăng hơn 4 lần trong năm và dự phóng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao trong các năm tới.
Bên cạnh đó, hiện VIB đang dẫn đầu thị trường về chỉ tiêu giá trị giao dịch qua thẻ hàng tháng đạt trung bình khoảng 400 – 500 USD/khách hàng và đã tăng khoảng hai lần so với cùng kì năm trước. Số lượng khách hàng cá nhân (cả non-active) đạt khoảng 2 triệu người.
Trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định và không chịu tác động mạnh từ suy giảm kinh tế toàn cầu, các chuyên gia của KBS cho rằng VIB có thể duy trì mức tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận ít nhất 20%/năm trong 2 – 3 năm tới mà vẫn đảm bảo cơ sở vốn hợp lí.
Các yếu tố hỗ trợ cho nhận định trên là: Dư địa tăng trưởng cao xét trên cả thu nhập lãi và thu nhập ngoài lãi; Khả năng sinh lời trên tài sản liên tục cải thiện hỗ trợ tăng ROE, từ đó giúp cải thiện cơ sở vốn hàng năm mà chưa cần dùng đến nguồn phát hành mới.