|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cho vay margin quý I: CTCK nội lấn lướt nhóm ngoại, nhiều đơn vị tăng trưởng chậm do hết 'room'

09:00 | 25/04/2021
Chia sẻ
Trong quý đầu năm nay, nhiều công ty chứng khoán trong nước đẩy mạnh cho vay margin như SSI, VNDirect, TCBS, BSC, FPTS, Bản Việt, Rồng Việt, Sài Gòn - Hà Nội.

20 CTCK lớn cho vay margin 91.022 tỷ đồng

Trong quý đầu năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán. Theo thống kê của người viết, tổng giá trị cho vay margin của 20 CTCK lớn nhất thị trường thời điểm cuối quý I là 91.022 tỷ đồng, tăng 15.821 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Đáng chú ý, dư nợ cho vay margin tại các công ty chứng khoán tăng gấp đôi sau một năm. Tại ngày 31/3/2020, giá trị này chỉ là 45.097 tỷ đồng.

Cho vay margin quý I: CTCK nội lấn lướt nhóm ngoại, nhiều đơn vị tăng trưởng chậm do hết 'room' - Ảnh 1.

Dư nợ cho vay margin tại 20 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường. Ảnh: Hoàng Linh.

Tại thời điểm 31/3/2021, Mirae Asset (Việt Nam) là công ty chứng khoán dẫn đầu về cho vay margin trên thị trường với giá trị 11.973 tỷ đồng, tăng 1.612 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Theo sau đó là Chứng khoán SSI (Mã: SSI) với giá trị cho vay 10.878 tỷ đồng, tăng 1.866 tỷ đồng trong quý I. Đây là hai công ty chứng khoán có dư nợ cho vay trên 10.000 tỷ đồng. 

Đứng thứ ba về giá trị cho vay margin trên thị trường là Chứng khoán HSC (Mã: HCM) với 8.876 tỷ đồng. Theo quy định giới hạn cho vay margin trên vốn chủ sở hữu, Chứng khoán HSC dường như đã hết "room" cho vay. Ghi nhận trong quý đầu năm, đây là công ty tăng trưởng thấp nhất về giá trị cho vay margin (253 tỷ đồng) trong nhóm CTCK lớn.

Tình trạng hết "room" cho vay ký quỹ còn diễn ra tại Chứng khoán MB (MBS) và Chứng khoán Phú Hưng. Tăng trưởng cho vay ký quỹ của hai đơn vị này chỉ đạt 335 tỷ đồng và 299 tỷ đồng trong quý đầu năm nay.

Nhóm CTCK nội chiếm ưu thế về tăng trưởng cho vay margin

Mặc dù vậy, quan sát cho thấy, các CTCK nội vẫn đang vượt trội hơn so với nhóm nước ngoài về giải ngân cho vay margin trong quý đầu năm. Cụ thể, Chứng khoán SSI là đơn vị mạnh tay nhất giải ngân cho vay các nhà đầu tư trong quý đầu năm nay. Hai công ty chứng khoán nội khác là VNDirect (Mã: VND) và Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) cho vay thêm 1.705 tỷ đồng và 1.637 tỷ đồng trong quý I. Đây là ba công ty dẫn đầu về tăng trưởng cho vay margin trong ba tháng đầu của năm nay.

Tại ngày 31/3/2021, giá trị cho vay margin của VNDirect và TCBS là 6.009 tỷ đồng và 5.664 tỷ đồng. Top5 đơn vị cho vay ký quỹ nhiều nhất còn có Chứng khoán VPS.

Nhóm tích cực giải ngân cho vay trong quý đầu năm nay còn có Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC, Mã: BSI), Chứng khoán FPT (FPTS, Mã: FTS), Chứng khoán Bản Việt (Mã: VCI), Chứng khoán Rồng Việt (VDCS, Mã: VDS), Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHS). Tăng trưởng cho vay margin của các đơn vị này đều trên 500 tỷ đồng trong quý I/2021.

Giá trị cho vay ký quỹ của Chứng khoán Bản Việt tại ngày 31/3 là 4.576 tỷ đồng, tăng 818 tỷ đồng so với đầu năm. Với việc tích cực giải ngân cho vay, dư nợ của BSC, FPTS, Rồng Việt, Sài Gòn - Hà Nội cũng vượt 2.000 tỷ đồng.

Khác với nhóm trong nước, các CTCK ngoại tăng trưởng thấp về cho vay margin. Chứng khoán KIS Việt Nam "bơm" thêm 526 tỷ đồng cho vay, đẩy dư nợ lên 4.922 tỷ đồng cuối quý I. Các công ty chứng khoán khác ghi nhận giá trị tăng trưởng về cho vay margin dưới 500 tỷ đồng như Yuanta Việt Nam (463 tỷ đồng), MayBank Kim Eng (378 tỷ đồng) và KB Việt Nam (328 tỷ đồng).

Thị trường tiếp tục đón dòng tiền mới cho vay ký quỹ

Trước tình trạng hết "room" để cho vay ký quỹ, nhiều công ty chứng khoán đang lên kế hoạch tăng vốn để cho vay margin, đơn cử như HSC, MBS, VNDirect. 

Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc đầu tư Dragon Capital, thời gian qua các công ty chứng khoán gần như cạn tiền để cho vay. Vấn đề nằm ở chỗ, vốn vay margin của công ty chứng khoản tăng tương đối, lượng margin/vốn chủ sở hữu cũng tương đối. Tuy nhiên, "nút thắt cổ chai" giai đoạn 2017 - 2020 vẫn tồn tại, vốn chủ sở hữu của các CTCK tăng lên quá ít, không đuổi kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường.

Trước tình trạng này, ông Tuấn cho rằng tình trạng căng margin sẽ được giải quyết trong năm 2021 vì theo tính toán của Dragon Capital, vốn chủ sở hữu của các CTCK sẽ tăng thêm gần 650 triệu USD, tương đương với khoảng 30.000 tỷ đồng dư nợ cho vay ký quỹ tăng thêm trong năm 2021.

Hoàng Linh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.