Cho phá sản, giải thể các dự án không thể phục hồi của ngành công thương
Sáng 3/4, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo xử lí các yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ thuộc ngành công thương với sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban Quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các bộ, ngành và các tập đoàn, tổng công ty có liên quan.
Theo Công thông tin điện tử của Chính phủ, Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo bàn về tình hình, tiến độ xử lí các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương để từ đó đánh giá, xác định rõ các khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp với từng dự án, doanh nghiệp trong năm 2020.
Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo làm rõ các vấn đề lớn như những kết quả cụ thể, khó khăn vướng mắc nhất hiện nay của từng dự án, doanh nghiệp và giải pháp tháo gỡ, nhất là các vấn đề vướng mắc pháp lí về tổng thầu EPC và giải pháp về tài chính, tín dụng.
Đồng thời, việc xử lí tranh chấp giữa chủ đầu tư với nhà thầu, tổng thầu, có yếu tố nước ngoài, đầu tư không còn phù hợp về công nghệ, pháp lí trong thủ tục xử lí… cần làm rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm làm gì, cơ chế như thế nào để quyết định phương án để xử lí dứt điểm.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các lãnh đạo các bộ, ngành, Tổng Công ty, cho ý kiến thẳng thắn, trực tiếp về hướng xử lí từng dự án theo đề xuất của Ủy ban Quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Dự án nào cần tiếp tục được tái cơ cấu để phục hồi, các biện pháp nào Nhà nước có thể hỗ trợ để có phương án khả thi? Dự án nào cần khẩn trương xử lí kiên quyết, cho dừng hoạt động, phá sản để không phát sinh thiệt hại cho Nhà nước?
“Dự án nào không thể phục hồi thì kiên quyết giải thể, phá sản chứ không nói chung chung là đang tốt hơn nhưng thực tế là vẫn đang lỗ, có khi còn lỗ nặng, càng xử lí càng mất vốn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.