|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kinh tế chia sẻ - Nguồn cảm hứng mới của startup Việt

16:34 | 28/09/2016
Chia sẻ
GotIt!, Beeketing hay Fastsell… là những startup Việt đua nhau nở rộ gần đây. Điểm chung nhất là tất cả những người sáng lập này đang cùng “bơi” trong nền kinh tế chia sẻ.

“Năm 2013, doanh số toàn cầu từ hoạt động kinh tế chia sẻ là 15 tỉ USD, từ hoạt động kinh tế truyền thống là 240 tỉ USD. Nhưng dự kiến đến năm 2025, tỉ lệ sẽ cân bằng ở mức 50 – 50%, mỗi bên ước đạt 335 tỉ USD”, đó là những con số ấn tượng được Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) công bố.

Kinh tế chia sẻ trên toàn cầu

Mới đây, tại Đại hội Sales & Marketing 2016, ông Nguyễn Hoàng Anh, người sáng lập kiêm CEO của Fastsell, đã có những chia sẻ rất tổng quát về mô hình kinh tế mới nổi này.

kinh te chia se nguon cam hung moi cua startup viet

CEO Nguyễn Hoàng Anh: "Kinh tế chia sẻ hiện nay thường gắn liền với các starup khởi nghiệp". (Ảnh: Linh Lê)

Theo ông, “Kinh tế chia sẻ (Sharing economy) là mô hình kinh tế mà tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ giữa các cá nhân, miễn phí hoặc có thu phí, cơ bản dựa trên công nghệ và Internet”.

CEO của Fastsell mở đầu phần diễn thuyết của mình bằng ví dụ: Ít ai biết rằng Uber nổi danh toàn cầu hiện nay chính là một mô hình kinh tế chia sẻ tiêu biểu của kỷ nguyên mới.

“Vào một buổi tối nhiều tuyết tại Paris năm 2008, Travis Kalanick và Garrett Camp, những người sáng lập Uber, đã gặp khó khăn khi gọi một chiếc taxi. Vì vậy, họ đã nghĩ ra một ý tưởng đơn giản –chạm vào nút để gọi xe. Uber ban đầu là một ứng dụng yêu cầu xe UberBlack cao cấp ở một vài khu vực đô thị, giờ đây Uber đang thay đổi cơ cấu vận hành của các thành phố trên toàn thế giới”, đó là câu chuyện bắt đầu của Uber.

Hiện nay, công ty này có tổng giá trị ước tính hơn 40 tỉ USD, và cứ 6 tháng doanh thu của Uber lại tăng gấp đôi. Đây chính là startup phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay.

kinh te chia se nguon cam hung moi cua startup viet

Biểu đồ: So sánh tốc độ phát triển của Facebook và Uber trong những năm đầu tiên khởi nghiệp.

(Nguồn: News Announcements, Capital IQ)

Ngoài Uber, có thể dễ dàng kể đến hàng loạt các ứng dụng khác của thế giới đang chạy trên nền tảng kinh tế chia sẻ như: JustPark, Fiverr hay Wi-Share…

Kinh tế chia sẻ đang lan tỏa vào không chỉ ở lĩnh vực vận tải, tài chính mà còn bùng nổ ở những nhóm ngành chăm sóc khách hàng, chia sẻ không gian hay cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp… Chia sẻ tài nguyên là giải pháp cho các vấn đề tiêu dùng quá mức, phân phối tài nguyên không hiệu quả và ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở các nước phát triển.

Tuy nhiên, nền kinh tế này cũng bộc lộ những hạn chế nhất định sau một thời gian phát triển trên toàn cầu. Bởi không hoạt động theo mô hình kinh doanh truyền thống nên các ứng dụng trên nền tảng kinh tế chia sẻ đang đe dọa đến vấn đề việc làm của người lao động. Không những thế, nhiều quốc gia vẫn chưa có quy định về việc quản lý đối với các ứng dụng mới này, khiến chính quyền sở tại phải đối mặt với nguy cơ doanh nghiệp lách hoặc trốn thuế…

Startup Việt hòa theo “dòng chảy toàn cầu”

Bất chấp nhiều rào cản, kinh tế chia sẻ vẫn đang lan tỏa, đặc biệt là trong cộng đồng khởi nghiệp. Riêng Việt Nam đã có rất nhiều nhà sáng lập lựa chọn xây dựng ước mơ của mình bằng mô hình kinh tế này.

Đầu tiên có thể kể đến GotIt! của Trần Việt Hùng. Đây là một ứng dụng giáo dục trên điện thoại, được xây dựng trên nền tảng hỏi đáp giữa các học sinh và chuyên gia. Ứng dụng này đã lọt top 10 ứng dụng giáo dục trên Apps Store tại Mỹ.

Hệ thống của GotIt! sẽ tự động kết nối người dùng với các chuyên gia ở bất kỳ đâu trên thế giới, và người dùng có thể trò chuyện cùng chuyên gia trong vòng 10 phút để có được câu trả lời cho mình.

Theo ước tính của chính người sáng lập Trần Việt Hùng, số lượng chuyên gia của GotIt! hiện vào khoảng 20.000 – 30.000 người ở khắp các nước trên thế giới. Tập trung nhiều ở Philippines, Ấn Độ, Nam Phi, Đông Âu và Mỹ…

Cũng là một startup đang gây dựng được tiếng tăm ở xứ người, dự án Beeketing đã gọi được vốn của nhiều quỹ đầu tư ngoại, trong đó có Singapore, Mỹ… “Hiện có hàng triệu người bán hàng trực tuyến, những doanh nghiệp nhỏ không có tư duy marketing hay nguồn lực như các doanh nghiệp lớn. Với kinh nghiệm của mình, tôi muốn xây dựng hệ thống marketing tự động giúp những người bán hàng trực tuyến có thể tự bán hàng mà không cần mất nhiều thời gian học sâu về marketing” là chia sẻ của CEO Trương Mạnh Quân về ý tưởng dựng nên ứng dụng Beeketing của mình.

kinh te chia se nguon cam hung moi cua startup viet
Giao diện website Beeketing.com

Vừa nhận vốn từ quỹ đầu tư CyberAgent Ventures của Nhật Bản để mở rộng quy mô, JupViec.vn là công ty khởi nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ giúp việc chuyên nghiệp tại Việt Nam. Đây là ứng dụng kết nối khách hàng và người giúp việc được sáng lập bởi ông Phan Hồng Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Dịch vụ Nhà sạch HMC. “Tạo ra việc làm cho 10.000 lao động mới” chính là mục tiêu gần nhất của startup này.

Ngoài ra, lĩnh vực cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp còn xuất hiện hàng loạt các website như: Ahamove.com (ứng dụng kết nối giữa các doanh nghiệp vận tải với người có nhu cầu vận chuyển hàng hóa), Shipg.vn (ứng dụng kết nối người đi nước ngoài với người có nhu cầu mua hàng xách tay) hay Commenau.com (bán cơm văn phòng vào buổi trưa, tạo việc làm và kiếm thêm thu nhập cho các bà nội trợ)…

Bản thân là một người khởi nghiệp trên nền tảng kinh tế chia sẻ, CEO Nguyễn Hoàng Anh đánh giá: “Những ứng dụng này cung cấp dịch vụ rất chuyên nghiệp. Chỉ khi bên mua và bên bán chấp nhận dịch vụ thì hoạt động thanh toán mới hoàn tất. Vì vậy không có cơ hội cho việc lừa đảo diễn ra”.

Hiện nay, Việt Nam đã có đề án “Thung lũng Silicon”, cung cấp ít nhất 10.000 USD cho mỗi công ty khởi nghiệp (có khoảng 10 doanh nghiệp được lựa chọn). Đây là khởi đầu việc hình thành một hệ sinh thái dành cho các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, giống với mô hình Silicon Valley của Mỹ.

Linh Lê