Chợ đầu mối hay siêu thị, kênh tiêu thụ vải thiều nào đang lên ngôi?
Chợ đầu mối lên ngôi
Theo Bộ NN&PTNT, sản lượng vải thiều năm 2021 ước đạt 340.000 tấn trong đó vải thiều Bắc Giang đạt 180.000 tấn, Hải Dương đạt 55.000 tấn.
Thống kê từ 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang, khoảng hơn 100.000 tấn vải thiều được tiêu thụ, trong đó khoảng 60% tiêu thụ trong nước, 40% xuất khẩu. Vải thiều phủ sóng các kênh tiêu thụ, từ chợ đầu mối, siêu thị, sàn thương mại điện tử và xuất khẩu.
Tuy nhiên, chợ đầu mối, chợ truyền thống vẫn là kênh tiêu thụ chính của quả vải.
Theo Sở Công Thương Bắc Giang, tính đến ngày 10/6, sản lượng vải thiều thu hoạch được khoảng 73.000 tấn trong đó 64% tiêu thụ trong nước, 36% xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết chợ đầu mối vẫn là kênh tiêu thụ chủ đạo của vải thiều khi chiếm tới 50% tổng sản lượng vải thiều. Trong khi, tiêu thụ ở kênh bán buôn, bán lẻ chiếm 37%, siêu thị chiếm 11% và sàn thương mại điện tử chỉ chiếm 2%.
Ông Phương cho biết thị trường miền Nam, miền Tây là thị trường hấp dẫn cho vải thiều do nhu cầu tiêu thụ lớn, nguồn cung ít. Trong khi, vải thiều ở miền Bắc hiện nay khá bão hòa do sản lượng lớn, việc tiêu thụ không gặp quá nhiều trở ngại.
Do đó, đối với vải chính vụ, Bắc Giang tập trung "đánh bắt xa bờ", tiêu thụ ở khắp các tỉnh trên cả nước, đặc biệt là chợ đầu mối Thủ Đức (TP HCM), Dầu Giây (Đồng Nai), Hòa Cường (Đà Nẵng).
"Dự kiến, sản lượng tiêu thụ vải thiều ở các tỉnh miền Nam, miền Tây sẽ tăng mạnh so với các năm trước. Tuy nhiên, vải sẽ không tiêu thụ cục bộ mà được chia nhỏ, vận chuyển tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố lân cận", ông Phương nói.
Như vậy, thị trường miền Nam, miền Tây đang được coi là thị trường trọng điểm để tiêu thụ sản phẩm vải thiều chính vụ. Trước bối cảnh dịch bệnh, lo ngại việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều trở ngại, tỉnh Hải Dương, Bắc Giang đã đề xuất ưu tiên luồng xanh cho trái vải.
Theo ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết hiện tỉnh đã tiêu thụ được khoảng 30.000 tấn vải sớm, chiếm hơn 50% tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh.
TP HCM và các tỉnh chưa có vải thiều là đích đến của tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, việc tiêu thụ ở các tỉnh xa phức tạp do quãng đường vận chuyển dài, thời gian bảo quản ngắn, quy trình thu hái, bảo quản cũng cầu kỳ hơn.
"Đặc biệt, trong thời điểm nắng kéo dài mà gặp các tỉnh có rào cản COVID-19 kiểm soát chặt chẽ thì thời gian sẽ lâu, ảnh hưởng đến chất lượng quả vải. Do đó, tỉnh Hải Dương kiến nghị các tỉnh qua quốc lộ 1A tạo điều kiện lưu thông, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con", ông Hảo nói.
Về phía tỉnh Hải Dương cũng sẽ thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn dịch bệnh, tiêm vắc xin, xét nghiệm đầy đủ cho lái xe.
Có thể nói, thị trường nội địa, đặc biệt là chợ đầu mối và các kênh bán buôn, bán lẻ là những điểm cần miễn dịch với COVID-19 thì mới đảm bảo tiêu thụ nội địa, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.
Chia sẻ với VOV, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: "Để hỗ trợ tiêu thụ nông sản đang vào mùa vụ, biện pháp đầu tiên là phải bảo vệ được thị trường trong nước, bảo vệ được những hệ thống phân phối hiện nay đang là kênh tiêu thụ chính của quả vải như các chợ đầu mối.
Hiện nay, TP HCM đang áp dụng quy định về phòng, chống dịch, căng mình để bảo vệ các chợ đầu mối không bị COVID-19 xâm nhập và đóng cửa".
Bên cạnh đó, Vụ thị trường trong nước phối hợp với các Sở Công Thương và các hệ thống phân phối đẩy mức tiêu thụ quả vải tăng gấp đôi so với các năm trước đây.
Đồng thời, đề nghị để tạo một luồng bảo đảm phòng, chống dịch tốt nhưng cũng phải đi được nhanh nhất đến các địa điểm, các địa bàn mục tiêu như TP HCM và các tỉnh miền Tây.
Tiềm năng xuất khẩu, thương mại điện tử
Cùng với thị trường truyền thống, vải thiều Việt Nam đang khai phá những thị trường như xuất khẩu mới và đưa nông sản sàn thương mại điện tử.
Dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song vải thiều Việt Nam vẫn mở cửa thành công thị trường khó tính bậc nhất thế giới như Nhật Bản, EU, Mỹ, Singapore, Campuchia…
Đáng chú ý, vải thiều Việt lần xuất hiện trên kệ siêu thị ngoại quốc đã cháy hàng sau vài giờ mở bán. Giá vải thiều tại thị trường cao, dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/kg.
Mới đây, vải thiều Thanh Hà chính thức được bay sang châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA).
Ông Hảo cho biết: "EU là thị trường lớn và tiềm năng cho nông sản Việt đặc biệt khi được hưởng ưu đãi thuế từ EVFTA. Tỉnh Hải Dương sẽ tranh thủ cơ hội này xúc tiến các mặt hàng nông sản khác sang EU như cà rốt, hành tỏi...
Theo đó, người dân cần chuẩn bị kế hoạch sản xuất, đảm bảo quy trình trồng sạch, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, sản lượng, chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế".
Bên cạnh xuất khẩu, năm 2021 ghi nhận cuộc đổ bộ của vải thiều lên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Theo ông Phương: "Đưa nông sản tươi lên sàn thương mại điên tử là xu thế tất yếu trong thời đại 4.0, đặc biệt là khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp".
Tỉnh Bắc Giang sớm làm việc với Cục Thương mại điển tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để đưa vải thiều lên bán ở các sàn thương mại điện tử vừa đảm bảo phòng dịch, vừa tiêu thụ được giá tốt.
"Dù, chỉ số tiêu thụ trên sàn thương mại mới cho đến thời điểm hiện tại mới chỉ chiếm khoảng 2% nhưng đó là tiền đề để tiêu thụ các loại nông sản khác, không chỉ riêng vải thiều", ông Phương nói.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tiêu thụ vải thiều đa kênh diễn ra theo đúng kịch bản các địa phương chuẩn bị, không xảy ra tình trạng ùn ứ, giải cứu vải thiều.