Chính thức gia nhập thị trường Trung Quốc, sữa Việt muốn tăng giá trị xuất khẩu lên 2,5 lần vào năm 2020
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) dự kiến từ giữa tháng 10/2019, những lô sữa đầu tiên của Việt Nam sẽ được xuất khẩu qua đường chính ngạch sang Trung Quốc, thị trường nhập khẩu sữa lớn nhất thế giới.
Theo đó, hồ sơ của 5 doanh nghiệp sữa Việt Nam gồm Vinamilk, TH True Milk, Mộc Châu Milk, Nutifood và Hanoimilk đã được Trung Quốc chấp thuận và hải quan nước này đã xét duyệt, chỉ còn chờ bước cuối cùng cấp mã số xuất khẩu.
Mới đây nhất, Bộ NN&PTNT, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc vừa có Công điện thông báo phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức công bố danh sách các doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sữa sang Trung Quốc.
Thông báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc gửi các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cho biết, Công ty cổ phần Sữa TH (TH Milk Joint Stock Company) là doanh nghiệp đầu tiên được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã giao dịch cho phép xuất khẩu sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc.
Hai sản phẩm được cho phép xuất khẩu của TH Milk là sữa tươi tiệt trùng (Sterilized Milk) và sữa biến đổi (Modified Milk).
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam khác đã nộp hồ sơ, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục xét duyệt hồ sơ và thông báo sau khi có kết quả đánh giá.
Trước cột mốc quan trọng này, người viết đã có một cuộc trao đổi với ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam, về những cơ hội sẽ mở ra cho ngành sữa Việt Nam tại thị trường tỉ dân như Trung Quốc.
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam. Ảnh: Như Huỳnh.
Ông đánh giá như thế nào về cơ hội của ngành sữa khi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc?
- Sản phẩm sữa của Việt Nam được nước bạn rất ưa thích. Quốc gia này với dân số hơn 1,4 tỷ người, có nhu cầu rất lớn về sữa và sản phẩm sữa.
Tiêu thụ sữa tại Trung Quốc hiện chỉ xếp thứ 2 thế giới, với tổng giá trị 60 tỉ USD. Tuy nhiên, nguồn cung nội địa hiện mới chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu.
Với việc Trung Quốc mở cửa cho sản phẩm sữa của Việt Nam, ngành sữa kì vọng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường sẽ tăng từ 120 triệu USD lên 300 triệu USD vào năm 2020.
Ngoài ra đây là cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, có nhiều thị trường thay vì chỉ loay hoay thị trường trong nước và là điều kiện để phát triển ngành sữa Việt Nam kể cả vấn đề chăn nuôi, chế biến...
Bởi mình cũng sẽ có những thương hiệu khác của thể giới gia nhập vào Việt Nam theo xu hướng mở cửa nền kinh tế hiện nay, nếu chỉ loay hoay trong nước thì đến khi các hãng này nhập khẩu nhiều sản phẩm giá rẻ, chất lượng ngày càng nhiều vào Việt Nam...thì doanh nghiệp mình sẽ "hỏng".
Do đó, cơ hội này buộc các doanh nghiệp mình phải "làm ăn" cả trong nước và nước ngoài, vấn đề là mình làm sao để đủ sức vươn ra "biển lớn".
Với thời gian dài đàm phán và xét duyệt điều kiện, vậy cụ thể những yêu cầu phía Trung Quốc đưa ra là gì, thưa ông?
- Các sản phẩm sữa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu kiểm nghiệm, kiểm nghiệm liên quan, cụ thể là Luật An toàn thực phẩm và Luật Kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc, Nghị định thư giữa hai nước và các qui định về giám sát, quản lí kiểm nghiệm, kiểm dịch sản phẩm sữa xuất nhập khẩu.
Về phạm vi các sản phẩm sữa được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, các sản phẩm sữa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là các loại thực phẩm được chế biến với nguyên liệu chính là sữa bò đã được xử lí nhiệt, gồm các loại sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng, sữa pha chế, sữa đặc, sữa bột, sữa công thức cho trẻ em...
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu sữa của Việt Nam phải được sự chấp thuận của cơ quan chức năng Việt Nam, tiến hành các thủ tục đăng kí với Tổng cục Hải quan Trung Quốc
Sau đó, với các sản phẩm sữa cụ thể, phải tiến hành thẩm định về kiểm dịch để được cấp giấy phép kiểm dịch động thực vật của nước này, trên cơ sở đó mới có thể chính thức xuất khẩu sang thị trường này.
Có thể nói khi vào được thị trường tỉ dân này rồi cũng còn nhiều việc phải làm, vậy đâu là thách thức cho các sản phẩm sữa Việt khi tiếp cận và cạnh tranh tại thị trường này?
- Khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, mọi người thường có suy nghĩ đây là một thị trường dễ tính, bởi dân số đông, lượng tiêu dùng lớn.
Nhưng thực tế đây lại là một thị trường tương đối khó khăn mà các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp thực phẩm trên thế giới, cũng rất "dè chừng".
Để thúc đẩy xuất khẩu sữa, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ hình thành hợp tác xã và tăng liên kết với doanh nghiệp, kiểm soát chất lượng theo chuỗi, đầu tư vào hệ thống phân phố, tập trung vào chất lượng, an toàn thực phẩm.
Đặc biệt cần xây dựng hình ảnh sữa và sản phẩm sữa Việt Nam thông qua chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn hữu cơ.
Đồng thời, các doanh nghiệp phải làm sao xây dựng được hệ thống phân phối, đưa được vào hệ thống siêu thị hoặc bán qua kênh thương mạng điện tử như Alibaba..., làm được những điều này thì sản phẩm mới bán được nhiều.
Và cuối cùng là ấn đề của doanh nghiệp Việt là làm sao duy trì ổn định, lâu dài và ngày càng mở rộng tại thị trường này, đây là điều cần phải nổ lực của các doanh nghiệp.
Các sản phẩm sữa của Việt Nam được người têu dùng trong nước ưa chuộng. Ảnh: Như Huỳnh.
Cơ hội nhiều nhưng làm sao để Trung Quốc là thị trường khẳng định thương hiệu của sữa Việt?
- Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ sữa lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau thị trường Mỹ với tổng giá trị khoảng 60 tỉ USD và mức tiêu thụ sản phẩm sữa bình quân đầu người liên tục tăng.
Dự báo năm 2019 Trung Quốc nhập khẩu 39,43 triệu tấn sữa và sản phẩm sữa, trong đó có khoảng 750.000 tấn sữa tươi và khoảng 650.000 tấn sữa bột.
Có thể thấy lợi thế của sữa Việt Nam là được người dùng Trung Quốc đón nhận khá tốt. Mặc khác Việt Nam được đánh giá là nước có lợi thế đặc biệt với các sản phẩm sữa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc do khoảng cách địa lí gần, nên điều kiện bảo quản tốt hơn so với các quốc gia xuất khẩu khác.
Tuy nhiên, tại thị trường này chắc chắn là họ cũng có nhiều thương hiệu sữa lớn của họ. Do đó, để có thể xây dựng được thương hiệu riêng và khai thác nhu cầu của 1,4 tỉ dân, doanh nghiệp phải nghiên cứu kĩ thị trường của họ như khẩu vị, mùi vị ưa chuộng, chưa kể mẫu mã, bao bì bắt mắt theo "con mắt" của người Trung Quốc.
Cùng với sự kiện quan trọng này, ông đánh giá như thế nào về những bước tiến nổi bật của ngành sữa Việt Nam thời gian gần đây, thưa ông?
- 5 năm trở lại đây ngành sữa phát triển rất ấn tượng, năng lực sản xuất của ngành sữa đang gia tăng nhanh chóng khi các doanh nghiệp triển khai loạt dự án lớn.
Năm 2018, tổng doanh thu toàn ngành sữa đạt 109.000 tỉ đồng, gần 4,8 tỉ USD. Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 6 về sản lượng sữa và đứng thứ 4 về năng suất của đàn bò vắt sữa châu Á.
Cục Chăn nuôi cho hay, mục tiêu đến năm 2020 tổng đàn bò sữa đạt 500.000 con, tổng lượng sữa đạt trên 1 triệu tấn, tăng trưởng bình quân trên 11%/năm. Đến năm 2030, tổng đàn bò sữa đạt 700.000 con, tổng sản lượng sữa đạt 2 triệu tấn.
Không chỉ là những dự án tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp sữa Việt Nam đã vươn ra thị trường Nga, Thụy Điển, Mỹ bằng các dự án nghìn tỉ.
Ngoài ra, việc đầu tư vùng nguyên liệu, công nghệ cũng được tăng cường để gia tăng nguồn cung tại chỗ, phục vụ chế biến sản phẩm phục vụ thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Vấn đề còn lại là làm sao phát triển đàn bò một cách bền vững.
Xin cảm ơn ông!
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/