Chính phủ toàn thế giới thử thách giới hạn với những khoản nợ kỷ lục
Đại dịch đã đẩy nợ chính phủ toàn cầu lên đến mức cao nhất kể từ Thế chiến thứ hai, vượt quá sản lượng kinh tế hàng năm của thế giới. Tuy nhiên, các chính phủ vẫn mạnh tay đi vay, một phần là để bù đắp thiệt hại của COVID-19.
Được hỗ trợ bởi những học thuyết kinh tế mới về nợ, những người ủng hộ nói rằng chi tiêu chính phủ có thể mở ra thời kỳ tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ. Nhưng nếu những lý thuyết này là sai lầm, thế giới có thể chìm trong những khoản nợ chỉ có thể được hấp thụ bởi lạm phát, thuế tăng hoặc thậm chí là vỡ nợ.
Một trong những điều chưa từng có tiền lệ khác là sự thờ ơ của thị trường trước núi nợ của chính phủ. Dự kiến chính phủ Mỹ sẽ thâm hụt ngân sách 3.000 tỷ USD trong hai năm liên tiếp. Bất chấp con số này và nỗi lo lạm phát, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn chỉ loanh quanh 1,3%, theo tờ Wall Street Journal (WSJ).
Hy Lạp, quán quân nợ lâu năm cũng đang chồng chất thêm nợ nần. Nhà đầu tư thậm chí còn chấp nhận lợi suất trái phiếu Hy Lạp thấp hơn cả lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ.
Ngay cả một số quốc gia đang phát triển như Ấn Độ cũng ca ngợi lợi ích của việc tăng cường nợ vay chính phủ mà không vấp phải phản ứng dữ dội từ thị trường.
Ông Paul Sheard, nhà nghiên cứu tại Trường Havard Kennedy nhận xét: "Thế giới đã thay đổi. Các khuôn khổ kiến thức đã tiến hóa. Chúng ta không cần phải lo về nợ".
Chi phí vay càng rẻ thì nợ chính phủ càng phình to. Mỹ đang dẫn đầu thế giới về việc mạnh tay vay tiền để thúc đẩy phục hồi kinh tế khỏi đại dịch.
Ngay cả trước khi Tổng thống Biden tung ra gói kích thích 1.900 tỷ USD hồi đầu năm, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) đã dự đoán rằng nợ liên bang do công chúng nắm giữ sẽ đạt 102% GDP vào cuối năm 2021, mức cao nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Các nhà kinh tế tại JPMorgan lập luận rằng các khoản vay lớn của Mỹ chẳng thấm vào đâu so với tổng tiết kiệm toàn cầu, trị giá hơn 25.000 tỷ USD mỗi năm. Trong những năm gần đây, sự gia tăng của tiết kiệm đã hạ thấp chi phí vay.
Những người chỉ trích thì khẳng định kế hoạch chi tiêu của Mỹ thì là quá lớn, có nguy cơ dẫn đến nền kinh tế quá nóng, lạm phát kéo dài và lãi suất tăng
Trong năm 2020, nợ của các chính phủ khắp thế giới tăng lên 105% GDP toàn cầu từ mức 88% trong giai đoạn trước đại dịch, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF). Tổ chức này nhận định tổng nợ chính phủ có thể tăng thêm 10.000 tỷ USD trong năm 2021 lên 92.000 tỷ USD.
Hành động của các chính phủ ngày nay tương phản rõ rệt với giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, khi mà nhiều quốc gia nhanh chóng chuyển từ kích thích kinh tế sang cắt giảm thâm hụt.
Giờ đây, hầu hết các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế tin rằng việc các nền kinh tế tiên tiến chuyển sang cắt giảm chi tiêu tài khóa từ sau năm 2010 đã góp phần làm chậm đà phục hồi.
Nền kinh tế bị tổn thương vĩnh viễn khi doanh nghiệp phá sản và người lao động mất việc.Mối nguy đối với các chính phủ là xu hướng lãi suất thấp có thể đảo chiều do cơ cấu nhân khẩu học thay đổi, theo ông Charles Goodhart, cựu nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương Anh.
Trong cuốn sách "The Great Demographic Reversal", ông Goodhart và đồng tác giả Manoj Pradhan chỉ ra rằng sau Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc và các nước thuộc khối Liên Xô cũ đã cung cấp nguồn lao động dồi dào cho thế giới.
Nguồn cung lao động từ những nước này đã kìm hãm lương và lạm phát ở các nước phát triển. Nền kinh tế toàn cầu cũng đón nhận tiền tiết kiệm của nhóm dân số trung niên của Trung Quốc.
Nhưng trong bối cảnh dân số Trung Quốc già đi và người dân các nước khác tiêu nhiều hơn tiết kiện, lãi suất trung bình có thể tăng cao hơn dự đoán của các chính phủ.
Hai ông Goodhart và Pradhan viết: "Đóng góp lớn nhất của Trung Quốc đối với tăng trưởng toàn cầu giờ đã là quá khứ. Sự đảo ngược cấu trúc nhân khẩu học lớn này sẽ khiến lạm phát quay trở lại".
Tự bản thân lạm phát không hẳn là rắc rối đối với những chính phủ có nợ quốc gia cao. Vì lạm phát đi lên có nghĩa là GDP và nguồn thu từ thuế tăng lên theo số tuyệt đối, trong khi đó quy mô những khoản nợ tồn đọng vẫn giữ nguyên. Trên thực tế, lạm phát đã giúp các nước phương Tây gồm Mỹ và Anh giảm bớt gánh nặng nợ nần sau Thế chiến thứ hai, tờ WSJ cho biết.
Ngay cả lãi suất nhích lên một chút cũng có thể không phải là nguy cơ do lãi suất các chính phủ đang phải trả hiện nay là cực thấp.
Ông Paul De Grauwe, Giáo sư Trường Kinh tế London nhận định chìa khóa cho khả năng trang trải nợ là mối quan hệ giữa lãi suất và tăng trưởng. Miễn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn lạm phát thì tỷ lệ nợ trên GDP có xu hướng giảm xuống một cách tự nhiên.
Ngược lại, nếu lãi suất lên cao nhanh hơn tăng trưởng thì nguy hiểm sẽ rình rập. Để ngăn tỷ lệ nợ trên GDP lên cao mãi, chính phủ có thể tăng thuế hoặc chấp nhận lạm phát cao giúp giảm gánh nặng nợ nần. Nếu nhà đầu tư tìm cách chống trả lạm phát, chi phí đi vay có thể lên cao hơn nữa. Ngân hàng trung ương có thể phải tăng lãi suất.
Giáo sư De Grauwe kết luận: "Hẳn nhiên vẫn có những giới hạn đối với nợ chính phủ. Nhưng chúng cao hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ trong quá khứ".