Thái Lan: Nợ của hộ gia đình cao nhất trong 18 năm qua do đại dịch
Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn (K-Research) báo cáo dư nợ hộ gia đình của Thái Lan tăng lên 14.130 tỷ baht (khoảng 440 tỷ USD) trong quý đầu tiên của năm 2021, tương đương 90,5% GDP, mức cao nhất trong 18 năm qua theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT).
Trong quý IV năm 2020, tỷ lệ nợ hộ gia đình ở Thái Lan là 84,9%. Đợt bùng phát COVID-19 kéo dài trong năm nay đã dẫn đến suy thoái kinh tế và nợ hộ gia đình tăng cao. Kết quả là, K-Research đã thay đổi dự báo nợ hộ gia đình của Thái Lan vào năm 2022 từ mức 89 - 91% GDP đưa ra trước đó lên khoảng 90-92% GDP.
Dư nợ hộ gia đình tăng 88,1 tỷ baht trong quý đầu năm nay so với quý cuối cùng của năm ngoái do ba loại cho vay chính là vay thế chấp, cho vay nghề nghiệp và cho vay phục vụ nhu cầu hàng ngày bao gồm cả thực phẩm.
Cuộc khảo sát cho thấy đợt bùng phát kéo dài trong nửa cuối năm 2021 đang làm dấy lên lo ngại về thu nhập và việc làm. K-Research dự báo số lượng khách hàng vay cá nhân đăng ký chương trình tái cơ cấu nợ của BoT sẽ tăng từ tháng 6 đến quý III/2021.
Theo kịch bản này, K-Research ước tính tốc độ tăng dư nợ hộ gia đình của Thái Lan trong năm 2021 sẽ bằng với năm 2020, ở mức 4,1% hoặc cao hơn. Điều này có nghĩa là tốc độ tăng nợ hộ gia đình trong năm nay có thể vượt mức tăng trưởng GDP năm thứ tư liên tiếp.
Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này ngày 3/7 ghi nhận thêm 6.230 ca mắc mới cùng 41 trường hợp tử vong, nâng tổng số các ca mắc từ đầu mùa dịch tới nay lên 277.151 bệnh nhân, trong đó có 2.182 người không qua khỏi.
Tính đến ngày 2/7, Thái Lan đã tiêm chủng ngừa COVID-19 ít nhất là một mũi cho 10,3 triệu người, tương đương 15% dân số. Trong số này, gần 2,9 triệu người, tương đương 4,3% dân số đã được tiêm mũi thứ hai.