|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thái Lan bất chấp tất cả để mở cửa trong 120 ngày tới dù tiêm chủng chậm và số ca nhiễm tăng cao

09:04 | 29/06/2021
Chia sẻ
Kế hoạch đầy tham vọng của Thái Lan mở cửa đất nước vào giữa tháng 10 đã thu hút nhiều quan điểm trái chiều, bởi những thách thức phía trước là rõ ràng.
Thái Lan bất chấp tất cả để theo đuổi kế hoạch mở cửa, dù tiêm chủng chậm và số ca nhiễm vẫn tăng cao - Ảnh 1.

Thái Lan có kế hoạch mở cửa trở lại vào giữa tháng 10 tới đây. (Ảnh: Bangkok Post).

Chấp nhận rủi ro

Theo Bangkok Post, Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) cho hay kế hoạch mở cửa trở lại hứa hẹn sẽ giúp hoạt động kinh tế nhộn nhịp hơn, nhưng cũng mang theo lo ngại hệ thống y tế công cộng có thể bị quá tải nếu không kiểm soát được các đợt bùng phát mới

Trong khi FTI mong chờ vào kế hoạch sắp tới, nhiều người lại lo lắng về một đợt bùng phát dịch mới nếu nước này cố mở cửa dù chưa sẵn sàng.  

Theo cập nhật mới nhất từ Worldometers, Thái Lan 24h qua ghi nhận thêm hơn 5.400 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên gần 250.000 ca. Đến nay, nước này có gần 2.000 người tử vong vì COVID-19 và số ca hồi phục là hơn 202.000 ca.

Thái Lan bất chấp tất cả để theo đuổi kế hoạch mở cửa, dù tiêm chủng chậm và số ca nhiễm vẫn tăng cao - Ảnh 2.

Số ca nhiễm tại Thái Lan vẫn tăng cao. (Nguồn: Our World In Data).

Thành công hay không phụ thuộc vào vắc xin

Ông Kriengkrai Thiennukul, phó chủ tịch FTI, cho biết tiêu chuẩn quốc tế về việc mở cửa trở lại là sau khi phần lớn dân số đã được tiêm hai liều vắc xin. Tuy nhiên với nguồn cung vắc xin dự kiến và thời hạn cuối tháng 10, chính phủ Thái Lan dường như có kế hoạch mở cửa trở lại đất nước sau khi 70% dân số mới chỉ nhận được một liều vắc xin.

"Thái Lan đang chấp nhận rủi ro lớn trong trường hợp đó", ông Kriengkrai nói. "Chúng ta có thể mở cửa đất nước chỉ để đóng cửa một lần nữa vì đợt bùng phát mới".

Nếu không được tiêm phòng đầy đủ, các khu vực được mở cửa sẽ tiếp tục ghi nhận số ca mắc tăng cao, dẫn đến việc đóng cửa trở lại. Mở, rồi đóng, có lẽ còn tệ hơn là chỉ đóng cửa, đặc biệt là khi Thái Lan nhắm mục tiêu vào ngành du lịch.

Trước đó, chính phủ Thái Lan công bố kế hoạch cung cấp 100 triệu liều vắc xin COVID-19 cho 50 triệu người, tương đương 70% dân số, trong năm nay.

Điều này ngụ ý rằng Thái Lan sẽ mở cửa trở lại đất nước sau khi đạt được mục tiêu này, FTI cho biết.

Theo ông Kriengkrai, để đạt được mục tiêu mở cửa vào tháng 10, Thái Lan phải tăng tốc độ tiêm chủng lên 800.000 mũi một ngày, để đảm bảo 70% dân số được tiêm hai liều.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, đến nay Thái Lan mới chỉ tiêm hơn 9,3 mũi vắc xin COVID-19, tương đương bao phủ 6,5% dân số, tỷ lệ dân số được tiêm một liều là 9,3%. Với tốc độ tiêm chủng hiện tại, theo dự báo của Bloomberg, Thái Lan sẽ cần tới 16 tháng nữa để tiêm đủ cho 75% dân số.

Reuters dẫn một báo cáo cho thấy Thái Lan sẽ cần 55 ngày để tiêm cho 10% dân số trong tổng cộng gần 70 triệu dân của đất nước.

Những con số trên cho thấy rất khó để Thái Lan đạt được tham vọng mở cửa trở lại an toàn với khả năng miễn dịch cộng đồng trong 120 ngày tới.

Thái Lan bất chấp tất cả để theo đuổi kế hoạch mở cửa, dù tiêm chủng chậm và số ca nhiễm vẫn tăng cao - Ảnh 3.

Khu Siam ở Bangkok vắng vẻ lạ thường sau đợt bùng phát COVID-19 lần thứ ba ở thủ đô. (Ảnh: Bangkok Post).

Ông Adisak Sukumvitaya, giám đốc điều hành của Jay Mart, cho biết ông hoan nghênh chính phủ đưa ra mốc thời gian giữa tháng 10 vì nó đặt ra mục tiêu cụ thể để quốc gia hướng tới.

Tuy nhiên, các cơ chế và năng lực của nhà nước hiện tại có thể không đáp ứng được nhiệm vụ này.

"Thời hạn 120 ngày đang đến gần, nhưng các ca nhiễm mới đang tăng lên", ông Adisak nói.

Một trong những yếu tố cản trở nỗ lực kiểm soát dịch bệnh là tình trạng người lao động di chuyển bất hợp pháp qua biên giới

Theo ông Adisak, chính phủ cần xử lý nghiêm túc, trừng phạt răn đe với nhóm đối tượng tổ chức các chuyến đi này.

Ông Somchai Lertsutiwong, giám đốc điều hành của Advanced Info Service, cũng nhận định cần phải có kế hoạch hành động nếu muốn đạt được mục tiêu mở cửa trong 120 ngày tới vì các ca nhiễm mới không giảm.

Ông Somchai cho biết hai vấn đề tối quan trọng là nỗ lực tiêm chủng và áp dụng các biện pháp để giảm tỷ lệ ca mắc mới.

Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan cũng nhận định sự thành công của việc mở cửa phụ thuộc rất lớn vào cách chương trình tiêm chủng diễn ra, nếu không nói là phụ thuộc hoàn toàn tiến độ tiêm vắc xin.

Hy vọng hồi sinh nền kinh tế

Thái Lan bất chấp tất cả để theo đuổi kế hoạch mở cửa, dù tiêm chủng chậm và số ca nhiễm vẫn tăng cao - Ảnh 4.

Sân bay quốc tế Suvarnabhumi vắng vẻ vì COVID-19. (Ảnh: Bangkok Post).

Ông Sanan Angubolkul, Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan, ca ngợi kế hoạch mở cửa vào giữa thàng 10 của Thái Lan. Ông cho rằng đây là một bước đi táo bạo giúp xây dựng niềm tin của các doanh nhân và nhà đầu tư.

Ông dự đoán việc mở cửa trở lại sẽ thu hút khách ngoại trở lại đất nước và tạo động lực tăng trưởng kinh tế thêm 0,3 điểm phần trăm trong năm nay.

Cụ thể, Ủy ban thường trực hỗn hợp về Thương mại, Công nghiệp và Ngân hàng Thái Lan (JSCCIB) dự báo chi tiêu của khách du lịch nước ngoài có thể sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thái Lan lên 0,8-2,3% trong năm nay.

"Việc mở cửa trở lại sẽ giúp phục hồi nền kinh tế trong nước nhanh hơn, khi khách du lịch không còn chỉ đi du lịch vào cuối tuần nữa vì giờ đây họ có thể làm việc từ bất cứ đâu", ông Sanan nói.

"Ngược lại, nếu chúng tôi không mở cửa lại đất nước, Thái Lan sẽ mất thu nhập và nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch sẽ tiếp tục lao đao và sa thải lao động", theo ông Sanan.

Tuy nhiên, trước những cản trở lớn, ông Sanan Angubolkul nhận định cần có sự hợp tác của các ngành để đạt được mục tiêu mở cửa trở lại giữa tháng 10 của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha.

"Kế hoạch mở cửa trở lại của đất nước không chỉ thuộc vào thủ tướng mà còn tất cả người dân ở Thái Lan", ông Sanan nói. "Mọi người có nhiệm vụ hợp tác với nhau để đạt được mục tiêu đó".

Anh Đào

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.