|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cuộc đua phục hồi khu vực Đông Nam Á: Việt Nam vượt Thái Lan, Philippines đứng bét bảng

06:20 | 12/05/2021
Chia sẻ
Từ các số liệu có được, Bloomberg đánh giá Philippines đang tụt hậu trong cuộc đua phục hồi kinh tế khu vực Đông Nam Á. Singapore và Việt Nam – hai quốc gia kiềm chế hiệu quả đại dịch tăng trưởng khả quan trong quý đầu năm và đứng đầu bảng.

Theo Bloomberg, nền kinh tế Philippines đứng cuối bảng trong cuộc đua phục hồi tại khu vực Đông Nam Á. Kinh tế nước này ba tháng đầu năm 2021 thậm chí suy giảm mạnh hơn dự báo, ở mức âm 4,2% so với âm 3,2%. Việc áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở Manila và các khu vực kinh tế trọng điểm khác ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu tăng trưởng ít nhất 6,5% trong năm nay.

Trong khi đó, Malaysia và Indonesia cũng cùng trải qua quý I không mấy khả quan, tăng trưởng GDP lần lượt âm 0,5% và âm 0,75%. Indonesia được dự báo quý II tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2008 khi chính phủ chuyển sang các chương trình kích thích mới để kích thích nhu cầu trong nước.

Thái Lan dù chưa công bố báo cáo kinh tế quý I/2021 nhưng gần như chắc chắn chứng kiến sụt giảm. Nền kinh tế lớn thứ hai khu vực đã hạ triển vọng tăng trưởng cả năm nay với lý do trụ đỡ chính của nền kinh tế là du lịch vẫn chưa thể hồi phục.

Việt Nam đứng ở đâu trong cuộc đua phục hồi kinh tế khu vực Đông Nam Á? - Ảnh 1.

Philippines dự báo là nền kinh tế chậm phục hồi nhất khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: Bloomberg).

Cả 4 quốc gia trên đều đang hứng chịu làn sóng COVID-19 mới với số ca nhiễm tăng cao mỗi ngày. Indonesia hôm 11/5 ghi nhận hơn 5.000 bệnh nhân COVID-19. Thái Lan cùng ngày ghi nhận gần 2.000 ca vởi ổ dịch lớn nhất là thủ đô Bangkok. Số ca nhiễm trong ngày hôm qua của Philippines và Malaysia lần lượt là hơn 4.700 và hơn 3.900 ca.

Việc các nền kinh tế này sụt giảm tăng trưởng đã làm hạ triển vọng của khu vực Đông Nam Á. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cuối tháng trước đã hạ dự báo năm 2021 cho khu vực xuống 4,4%, IMF hạ xuống 4,9%.

Trong số các nền kinh tế lớn khu vực Đông Nam Á, chỉ có Singapore và Việt Nam – hai quốc gia kiềm chế tốt đại dịch - ghi nhận tăng trưởng khả quan trong ba tháng đầu năm.

Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2021 của Việt Nam đạt 4,48%. Mức này thấp hơn 0,64 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra nhưng cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020.

Giống như các quốc gia trong khu vực, hiện Việt Nam cũng đang phải đối mặt với đợt dịch COVID-19 mới với một số bệnh nhân nhiễm biến chủng từ Ấn Độ. Hơn 2 tuần kể từ 27/4, Viêt Nam ghi nhận 528 ca nhiễm cộng dồng, có ngày ghi nhận số bệnh nhân lên đến hơn 100. Dù đợt dịch mới phức tạp và nguy hiểm hơn nhưng theo Bộ Y tế đến nay tình hình đã cơ bản được kiểm soát, các ổ dịch đều đã xác định được nguồn lây.

Các chuyên gia của Bloomberg dự báo sự phục hồi của khu vực Đông Nam Á sẽ không quá rõ rệt và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa. Các biện pháp giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới vẫn cần được duy trì cho đến khi kế hoạch tiêm chủng vắc xin COVID-19 triển khai rộng rãi.  

Anh Đào