|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chính phủ: Một số doanh nghiệp lớn, đa ngành phải bán tài sản với giá rẻ để cầm cự

15:22 | 19/05/2023
Chia sẻ
Theo báo cáo của Chính phủ, áp lực đáo hạn và trả nợ rất lớn khiến một số doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để giảm bớt khó khăn về dòng tiền, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tại báo cáo gửi đến Quốc hội ngày 17/5 về đánh giá bổ sung kinh tế xã hội 2022, tình hình năm 2023, Chính phủ cho biết, diễn biến bất lợi, khó lường của thế giới tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư,

Áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp bất động sản trong những tháng đầu năm, cả năm và năm 2024 rất lớn.

"Hiện đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để giảm bớt khó khăn về dòng tiền, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh", báo cáo nêu rõ.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp UBTVQH. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Vấn đề này cũng được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/5. Bộ trưởng cho hay, nhiều doanh nghiệp lớn phải bán rẻ tài sản, những gì bán được đều đã bán, nhiều trường hợp chỉ bán bằng 50% giá trị thực. 

"Đây là câu chuyện chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần. Người mua nước ngoài rất nguy hiểm, nhất là đối với các doanh nghiệp mà chúng ta cần giữ, cần phải hỗ trợ để cho nền kinh tế. Đây là vấn đề chúng tôi rất lo ngại", Bộ trưởng cho hay.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn chung

GRDP quý I của 5 thành phố trực thuộc Trung ương và cả nước. (Nguồn: TCTK).

Cũng theo báo cáo từ Chính phủ, tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản. Một số địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm có tốc độ tăng GRDP ở mức thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước.

Sự suy giảm tăng trưởng trong quý I năm 2023 tại một số địa phương do nền kinh tế của nước ta có độ mở lớn, do đó chịu tác động mạnh từ bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, biến động phức tạp; lợi thế cạnh tranh về ưu đãi thuế của Việt Nam giảm dần do tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu,

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp đối diện nhiều khó khăn khi sụt giảm đơn hàng do nhu cầu giảm từ các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Trung Quốc, chi phí nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu tăng cao.

Sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, điện tử, đồ gỗ, xe có động cơ,… và của một số địa bàn công nghiệp trọng điểm như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc,… vẫn giảm hoặc tăng thấp. Đơn hàng giảm, tồn kho có xu hướng tăng tại nhiều doanh nghiệp trong các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực như chế biến thủy sản, da giày, sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng,…

Áp lực chi phí lãi vay cao và hoạt động xây dựng gặp nhiều khó khăn khi dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đang kiểm soát chặt chẽ, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Tính đến ngày 4/5, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2,87%, cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn.

Mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao; lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các ngân hàng thương mại vẫn khá cao ở mức khoảng 9,3%/năm cộng với việc tiếp cận vốn vay từ hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường vốn khó khăn làm gia tăng thêm áp lực đối với doanh nghiệp để duy trì hoạt động, sản xuất.

Ngoài ra, năng lực của các doanh nghiệp còn hạn chế, việc thu hút đầu tư lớn nhằm tạo đột phá cho kinh tế của các địa phương còn yếu và chưa rõ nét và một số ngành dịch vụ có xu hướng phục hồi nhưng quy mô vẫn chưa đạt mức trước khi dịch COVID-19 xuất hiện. Điển hình như du lịch quốc tế phục hồi so với năm 2022 nhưng còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, tương xứng với tiềm năng, lợi thế du lịch sẵn có.

Nền kinh tế đang chờ thẩm thấu chính sách

Báo cáo cho biết, trước những khó khăn nêu trên, Chính phủ Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành; tổ chức nhiều hội nghị, làm việc trực tiếp với các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để kịp thời nắm bắt tình hình, triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng,...tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm ổn định lại và hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm an sinh xã hội.

Bước sang tháng 4, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn ban hành từ đầu năm đến nay bắt đầu có hiệu ứng tác động, tháng 4 cũng là tháng bước vào giai đoạn đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, nhất là du lịch.

Nhờ đó, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công, khơi thông điểm nghẽn về dòng tiền trong nền kinh tế,… Theo đó, các tổ chức quốc tế có uy tín như IMF, WB, OECD,… tiếp tục dự báo triển vọng tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Với vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phát hành và thanh toán trái phiếu đến hạn, khôi phục niềm tin của thị trường, đồng thời đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu. 

Sau gần hai tháng ban hành, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 24,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 97% khối lượng kể từ đầu năm 2023); một số doanh nghiệp đã đàm phán với nhà đầu tư để kéo dài kỳ hạn hoặc chuyển khoản nợ sang tài sản khác.

Trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, đầu tư, thu hút FDI,... tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng có thể chuyển biến tích cực nếu tình hình thế giới thuận lợi hơn.

Nhiều chính sách, giải pháp điều hành được sửa đổi, bổ sung và ban hành từ đầu năm đến nay đã và đang phát huy tác động tích cực, nhất là các giải pháp về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với sản xuất, kinh doanh,...đang đi vào cuộc sống.

Một số dự án lớn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sớm được đưa vào khai thác cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng quý II và cả năm 2023. Đây là những động lực quan trọng để tiếp tục phấn đấu nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong năm 2023. 

Đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô nửa cuối năm, Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng nhìn nhận, giai đoạn khó khăn nhất có vẻ đã qua, tình hình đã được cải thiện, thanh khoản tốt hơn, lãi suất đã bắt đầu giảm.

Còn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 23, Nghị quyết 08 và bây giờ bắt đầu vào giai đoạn thực thi. Cộng với đó là những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như việc: Giãn hoãn nợ thuế, cơ cấu lại nợ tín dụng, giảm 2% VAT, nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại hàng loạt tỉnh, thành phố, trong đó có TP HCM.

Để các chính sách hỗ trợ thẩm thấu vào nền kinh tế sẽ cần một thời gian nhất định. Do đó,nửa cuối năm sẽ bớt khó khăn hơn, có tia sáng le lói ở đâu đó, tích cực hơn, chuyên gia nhìn nhận.

 

 

Hạ An