|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chính phủ đồng ý mua điện từ dự án Trường Sơn tại Lào

19:48 | 13/05/2024
Chia sẻ
Bộ Công Thương được duyệt chủ trương mua điện từ dự án điện gió Trường Sơn (Lào) và đầu tư lưới để đấu nối về Việt Nam.

Nội dung trên nêu tại văn bản trả lời Bộ Công Thương của Chính phủ do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký mới đây.

Dự án điện gió Trường Sơn, công suất 250 MW của Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Việt Lào dự kiến vận hành quý IV/2025. Dự án này dự kiến được đấu nối vào trạm biến áp 220 kV Đô Lương (Nghệ An) để dẫn điện về Việt Nam.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, việc nhập khẩu và đầu tư lưới để đấu nối từ dự án này về Việt Nam phải đảm bảo phù hợp Quy hoạch điện VIII, các quy định liên quan.

Hợp đồng mua bán điện (PPA) sẽ được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đàm phán, ký với chủ đầu tư dự án điện gió Trường Sơn. Song, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu hợp đồng này phải đảm bảo hiệu quả kinh tế, tức giá, chi phí mua điện hợp lý; cơ sở pháp lý, trách nhiệm các bên và tiêu chí kỹ thuật.

Trước đó, trình Thủ tướng chủ trương mua điện từ dự án này, Bộ Công Thương cho biết, giá điện nhập khẩu sẽ do EVN thỏa thuận với chủ đầu tư đảm bảo không vượt mức trần 6,95 cent một kWh. Trước đó, chủ đầu tư đề xuất giá bán điện đúng bằng mức trần này.

Để đảm bảo tiến độ bán điện cho Việt Nam vào quý IV/2025, chủ đầu tư sẽ làm toàn bộ công trình lưới điện đấu nối từ nhà máy trên đoạn lãnh thổ Việt Nam. Việc này sẽ giúp EVN giảm một phần chi phí đầu tư, theo Bộ Công Thương.

Cơ quan này cũng đánh giá nhập nguồn điện từ Lào về Việt Nam là cần thiết, tăng khả năng đảm bảo cung ứng, giảm nguy cơ thiếu điện cho miền Bắc năm 2025 và các năm tiếp theo. Ngoài ra, mua điện dự án Trường Sơn (Lào) phù hợp theo Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam - Lào và quy hoạch điện VIII.

Theo Hiệp định liên Chính phủ, Việt Nam sẽ mua khoảng 3.000 MW điện từ Lào đến 2025, nhưng tổng công suất mua thực tế có thể thấp hơn mức này, chỉ đạt 1.977 MW. Dù vậy, Quy hoạch điện VIII vẫn đặt ra nhập khẩu điện từ Lào có thể lên tới 5.000-8.000 MW vào năm 2030, tăng lên 11.000 MW vào năm 2050.

Hiện, tỷ trọng nhập khẩu điện (từ Lào, Trung Quốc) chiếm khoảng 1,6% sản lượng toàn hệ thống, tính tới hết tháng 4, tương đương 1,56 tỷ kWh.

Tại cuộc họp tuần trước, để tăng mua điện từ Lào, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu EVN đẩy tiến độ đường dây 500kv từ Mô Sun đến Thạch Mỹ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và đường dây 220kv từ Nậm Sum đến Nông Cống.

 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phương Dung

Khai thông rào cản đầu tư, Việt Nam sẽ bứt phá trong thu hút làn sóng FDI mới
GDP của Việt Nam đã tăng dần trong những năm gần đây. Nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ qua trong khu vực. Phân tích GDP theo ngành, sản xuất chế tạo là một trong những lĩnh vực đóng góp chính cho GDP của Việt Nam, chiếm khoảng 25% GDP và là ngành lớn nhất trong cơ cấu kinh tế Việt Nam.