|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chính phủ các nước gặp nhiều khó khăn khi dỡ bỏ trợ cấp nhiên liệu

01:18 | 22/01/2022
Chia sẻ
Chính phủ các nước đang gặp nhiều khó khăn khi muốn giải quyết các khoản trợ cấp nhiên liệu lâu nay. Việc dỡ bỏ các khoản trợ cấp này sớm là rất quan trọng để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Chính phủ các nước đang gặp nhiều khó khăn khi muốn giải quyết các khoản trợ cấp nhiên liệu lâu nay. Việc dỡ bỏ các khoản trợ cấp này sớm là rất quan trọng để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, trong lộ trình đạt được mức phát thải ròng bằng 0 thì việc giảm dần các khoản trợ cấp nhiên liệu sẽ thúc đẩy tiết kiệm năng lượng hơn và cải thiện hiệu quả năng lượng.

Tuy nhiên, thách thức với các chính phủ càng trở nên khó khăn hơn bởi thực tế là giá năng lượng đang tăng mạnh trên khắp thế giới, gây áp lực lên những người thiệt thòi nhất. Việc bỏ trợ cấp cho người tiêu dùng sẽ làm trầm trọng thêm gánh nặng chi tiêu của họ và làm tăng thêm sự bất bình.

Glada Lahn, chuyên gia về chính sách năng lượng tại trung tâm nghiên cứu Chatham House ở London, cho biết, các nhà chính trị đều biết họ cần phải bỏ các khoản trợ cấp nhiên liệu nhưng về mặt chính trị thì việc này rất khó.

Tình hình ở châu Âu có vẻ nghiêm trọng trong những tháng tới. Giá khí đốt tự nhiên đã tăng vọt và căng thẳng giữa Nga với Ukraine có thể khiến giá khí đốt tăng cao hơn nữa. Tại Vương quốc Anh, Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson phải đối mặt với nhiều chỉ trích về kế hoạch nâng trần hóa đơn năng lượng hộ gia đình vào tháng Tư. 

Mối lo ngại về giá nhiên liệu cũng ảnh hưởng đến các nước giàu nhất. Tại Pháp, phong trào phản đối "áo vàng" bắt đầu diễn ra sau khi Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron công bố mức thuế sinh thái mới đối với nhiên liệu vào năm 2018 đã gây ra phản ứng dữ dội trong các tầng lớp lao động và trung lưu sống bên ngoài các thành phố lớn.

Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), số tiền trợ cấp của các chính phủ đối với nhiên liệu hóa thạch đã giảm xuống 375 tỷ USD trong năm 2020 và là mức thấp nhất trong thập kỷ qua.

Một nghiên cứu của Viện Phát triển Bền vững Quốc tế (IISD) được công bố vào năm ngoái cho thấy việc bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch cho người tiêu dùng ở 32 quốc gia sẽ giảm phát thải khí nhà kính trung bình 6,1% vào năm 2030. 

Ở một số quốc gia, lượng khí thải sẽ giảm hơn 30%. Các nhà nghiên cứu của IISD cho rằng các khoản trợ cấp nhiên liệu cho người tiêu dùng phải được dỡ bỏ để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Có ít nhất 12 quốc gia đã thực hiện các bước để giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch từ giữa năm 2020 đến giữa năm 2021, theo IISD.

Vân Anh