|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chính giới châu Âu tỏ ra lạnh nhạt với tiền ảo của Facebook

16:07 | 19/06/2019
Chia sẻ
Mạng xã hội Facebook chính thức công bố tiền mã hóa Libra của họ hôm 18/6, song các quan chức châu Âu tỏ ra thờ ơ với sự kiện.

Sự dè chừng của giới chính trị gia châu Âu

Vài giờ sau khi Facebook công bố tham vọng với tiền thuật toán, Bộ trưởng Tài chính Pháp, ông Bruno Le Maire, đã dội gáo nước lạnh vào dự án.

Ông khẳng định với đài phát thanh Europe 1 rằng Libra không thể trở thành một đồng tiền chủ quyền.

"Viễn cảnh đó không thể, và không nên xảy ra", ông nhấn mạnh.

Nhóm G7 – bao gồm Anh, Mỹ, Pháp – sẽ tổ chức một diễn đàn để đánh giá những nguy cơ của tiền điện tử như Libra đối với hệ thống tài chính, theo nội dung mà Financial Times trích trong thư của ông Le Maire và Thông đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Villeroy de Galhau. Các ngân hàng trung ương của nhiều nước cùng Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng tham gia diễn đàn.

Bruno

Ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính Pháp. Ảnh: The Irish Times

Markus Ferber, một thành viên đại diện cho Đức trong Nghị viện châu Âu, cảnh báo Facebook có thể trở thành "ngân hàng ngầm" với kế hoạch lưu hành tiền thuật toán, theo Bloomberg.

Ngược lại, ông Mark Carney, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, tỏ ra cởi mở hơn với tham vọng tiền ảo của Facebook. Mark khẳng định ông chào đón Libra, song muốn nó phải tuân thủ các quy định.

"Mọi thứ vận hành trên thế giới này mà có khả năng trở thành hệ thống ngay lập tức sẽ phải đối mặt những tiêu chuẩn quản lý cao nhất", ông nhấn mạnh.

Sự ra mắt của Libra có thể mở ra một kỉ nguyên thương mại và thanh toán mới của Facebook. Nó có thể được sử dụng để thực hiện các giao dịch miễn phí hoặc với mức chi phí rất thấp giữa người dùng. Tuy nhiên, TechCrunch cho biết Facebook từ chối đưa ra bình luận liên quan đến đồng tiền số này.

Việc không áp dụng các mức phí như thẻ tín dụng cũng có thể cho phép đồng tiền mã hoá của Facebook trở thành một phương tiện để người dùng thanh toán cho các hoạt động thương mại điện tử hoặc một số giao dịch nhỏ, đơn giản khác như trả phí dịch vụ hàng tháng.

Libra sẽ phải đối mặt những tiêu chuẩn pháp lí cao nhất

Chính thức hoạt động từ năm 2020, tiền mã hóa Libra sẽ chịu sự giám sát của nhiều công ty như Visa, Uber. Nó là một dạng "stable coin", nghĩa là giá trị của nó sẽ gắn với một rổ tiền tệ thay vì chỉ neo chặt với USD để tránh biến động tỉ giá.

Facebook cũng phát triển một loại ví điện tử mang tên Calibra để người dùng có thể cất giữ và trao đổi Libra.

Mark Carney

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, ông Mark Carney, tỏ ra cởi mở với Libra. Ảnh: The Star

Nhiều chuyên gia coi việc Facebook phát hành tiền thuật toán là một dấu hiệu đầy hứa hẹn cho thị trường tiền điện tử, song họ cũng dự đoán các rào cản pháp lí sẽ là thách thức lớn nhất cho Facebook.

"Dự án Libra ra đời đúng giai đoạn Facebook chịu áp lực lớn từ các chính phủ, cổ đông và người dùng do vấn đề bảo mật thông tin riêng tư", Aurelie L'Hostis, một nhà phân tích của Forrester, bình luận.

Aurelie giải thích rằng việc Facebook hợp tác với các doanh nghiệp tài chính như Visa hay Mastercard cho thấy mạng xã hội lớn nhất thế giới dự đoán các cơ quan quản lí và chính phủ sẽ giám sát hoạt động thu thập dữ liệu tài chính và quản trình quản lí của Facebook, và họ cũng muốn đảm bảo rằng Libra sẽ đáp ứng mọi yêu cầu pháp lí.

Tỉ phú trẻ Mark Zuckerberg từng nhận định rằng nếu thương mại điện tử hiện diện trên các ứng dụng của Facebook, chúng sẽ thúc đẩy các thương hiệu chi nhiều hơn cho quảng cáo. Facebook cũng có thể tạo ra nguồn thu nhập mới từ các dịch vụ tài chính nếu người dùng sử dụng tính năng thanh toán của họ.

"Thanh toán và thương mại là cách duy nhất để Facebook thu lợi nhuận từ mô hình kinh doanh quảng cáo của họ", ông Henry Liu, cựu nhân viên Facebook kiêm đối tác quản lí của YGC (một công ty đầu tư blockchain) bình luận.

Nhạc Dương

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.