Tràn lan bẫy tiền ảo: Người chơi mất chì lẫn chài
Tuy nhiều vụ tiền ảo (coin) đa cấp liên tiếp đổ vỡ nhưng tại thời điểm này, rất nhiều người vẫn "chơi coin" trên các sàn giao dịch trong và ngoài nước.
Nhiều chiêu thức tinh vi
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, sau khi huy động vốn để đầu tư máy đào tiền ảo Công ty TNHH Đầu tư phát triển công nghệ cao Asama không trả lãi bằng tiền mặt cho nhà đầu tư mà trả bằng Asama coin do chính công ty phát hành. Đầu tháng 8-2018, công ty này mở sàn tiền ảo asmaexchange.com để nhà đầu tư bán Asama coin, thu hồi vốn và lãi. Tuy nhiên, nhiều người được trả từ vài trăm đến vài ngàn Asama coin (22.000 đồng/coin) "sa lầy" tại công ty này vì giá chào mua trên sàn chỉ bằng 50% giá vốn hoặc bên mua chỉ chào giá chứ không mua. Nếu không bán được xem như nhà đầu tư mất trắng, còn nếu bán sẽ lỗ một nửa số tiền góp ban đầu.
BNI Group tổ chức họp cổ đông sáng lập vào đầu tháng 7-2018 và danh sách ban lãnh đạo tập đoàn tiền ảo này |
Theo tìm hiểu của phóng viên, để chiêu dụ người chơi coin, ngoài việc hứa hẹn lợi nhuận cao, các doanh nghiệp (DN) phát hành coin thường đưa gói đầu tư từ 300 đến 20.000 USD; tỉ lệ hoán đổi từ tiền thật sang coin rất thấp; tổ chức các hội nghị quảng bá dự án bất động sản hoành tráng (thực chất là dự án ma); chứng minh giá trị các đồng coin tăng trưởng nhanh, có thể mua được nhà đất; cam kết đưa coin lên sàn giao dịch quốc tế, tạo điều kiện cho nhà đầu tư chốt lời, thu hồi vốn và lãi; đồng thời tặng thêm người chơi hàng trăm ngàn USD… Tuy nhiên, toàn bộ số tiền thật của người chơi phải quy đổi sang coin do DN đó phát hành.
Tài liệu của chúng tôi cho thấy Công ty CP Đầu tư phát triển DN điện tử Việt Nam (Công ty BNC) phát hành BNC coin với tỉ lệ quy đổi 0,0435 USD = 1 BNC, Công ty CP Đầu tư thương mại và Dịch vụ BEC Việt Nam (Công ty BEC) phát hành BEC coin theo tỉ lệ 1,2 USD = 1 BEC… Còn Công ty TNHH Đầu tư Dịch vụ và Thương mại Thái Tuấn (Công ty TTC) phát hành TTC coin vào cuối năm 2017 và đến nay đồng coin này đã sụp đổ. Điểm đáng chú ý là cả 3 công ty này đều trực thuộc Công ty CP Đầu tư và phát triển DN Quốc Tế (BNI Group) do ông Vũ Đức Tĩnh làm chủ.
Ban đầu, các công ty này trả lãi cho người chơi coin hằng tháng, quý khá đều đặn. Thế nhưng, vài tháng tiếp theo, ông chủ BNC coin, BEC coin không trả lãi, chuyển sang chiêu thức hoàn vốn và lãi. Theo đó, nhà đầu tư phải mua hàng hóa, nhà đất… tại một số địa chỉ do Công ty BNC và Công ty BEC chỉ định để được hoàn vốn 3%/số tiền mua hàng hóa. Còn nhà đầu tư nào muốn hoàn vốn nhanh thì mời gọi người khác mua BNC coin, BEC coin… sẽ được hoàn trả 25% số vốn từ nhà đầu tư mới. Cứ thế, nhiều người đã bỏ vốn vào BNC coin, BEC coin phải tìm mọi cách mời gọi người khác mua 2 đồng coin này. Một đường dây đa cấp tiền ảo cứ thế lan rộng.
Gần đây, thị trường lại xuất hiện Công ty iLuck Foundation (trú đóng ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang mời gọi nhà đầu tư góp vốn chơi coin do các DN ở nước ngoài phát hành. Theo đó, người chơi góp tối thiểu 5.000 USD (khoảng 116 triệu đồng).
Với số vốn huy động được, Công ty iLuck Foundation sử dụng 10% để lập quỹ dự phòng rủi ro, 30% đầu tư các đồng coin giàu tiềm năng, 50% mua các đồng coin chưa lên sàn với giá rẻ, 10% đầu tư các đồng coin có độ rủi ro cao gắn liền lợi nhuận lớn. Công ty này quảng cáo đã đầu tư thành công 7 đồng coin trên các sàn quốc tế, thu về lợi nhuận gấp hàng chục lần so số vốn đã bỏ ra.
Tuy nhiên, khi nhà đầu tư tham gia chỉ được ký kết hợp đồng ủy thác chấp thuận cho công ty thực hiện giao dịch các đồng coin và đứng tên chủ tài sản thay trong thời hạn 6 tháng. Nhà đầu tư được chia lợi nhuận 3%-8%/quý.
Ve sầu thoát xác
Tiết lộ với phóng viên Báo Người Lao Động, anh Việt - người đã đầu tư 30.000 USD vào BEC coin - cho biết khi ông Vũ Đức Tĩnh (chủ Công ty BEC) tuyên bố nhà đầu tư muốn rút vốn phải mua hàng hóa, nhà đất, ô tô... thì anh đã biết mình mất sạch vốn. Bởi, các cửa hàng của Công ty BEC chỉ bán hàng hóa tiêu dùng chất lượng kém. Ví dụ, với một loại hàng hóa có giá trị 1 triệu đồng, nhà đầu tư chỉ được phép thanh toán 30% bằng BEC coin, 70% còn lại phải thanh toán bằng tiền mặt. Sau đó, Công ty BEC sẽ hoàn vốn 3%/tháng cho đến khi nào hoàn đủ số tiền mua hàng là 1 triệu đồng.
"Với chiêu thức này, nhà đầu tư phải mua hàng hóa cho đến khi nào mới thu hồi được vốn? Để thu hồi 1.000 USD, có lẽ tôi phải đánh lừa một người nào đó, bỏ ra 4.000 USD mua BEC coin bởi công ty cam kết nhà đầu tư cũ mời gọi được người khác mua BEC coin sẽ được hoàn trả 25%/số vốn của nhà đầu tư mới?" - anh Việt phân tích và tự hỏi.
Thực tế từ những vụ đổ vỡ cho thấy khi 1 đồng coin chuẩn bị "vỡ trận" thì các ông chủ đồng coin đó thành lập công ty mới, phát hành đồng coin khác, tiếp tục lôi kéo người chơi để có dòng tiền khỏa lấp tình trạng đổ vỡ của đồng coin trước. Các nạn nhân vụ iFan coin từng cho biết khi đồng tiền này có nguy cơ tiêu tan 15.000 tỉ đồng, Công ty CP Modern Tech sau khi huy động USD rồi quy ước hoán đổi thành iFan coin đã chuyển đồng coin này sang Pincoin và đưa Pincoin lên giao dịch trên sàn quốc tế nhưng không có ai mua.
Vụ án Công ty CP VNCOINS là một ví dụ. Nguyễn Hữu Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP OTCMAX (đã bị khởi tố và tạm giam) đã vẽ ra các dự án đầu tư ảo để huy động vốn đa cấp, lãi suất lên đến 1,8%/ngày. Do không trả nổi tiền lãi nên Tiến đổi tên công ty thành Công ty CP VNCOINS và tự tạo ra VNcoin, mở sàn Otcmax.vn rồi tự định giá và đưa ra mức lợi nhuận 2,5%/ngày để tiếp tục lôi kéo nhà đầu tư, chuyển dòng tiền từ huy động vốn đa cấp sang VNcoin nhằm che lấp tình trạng cạn kiệt tài chính.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, DN phát hành coin đưa ra quy ước hoán đổi sang USD là một hình thức lách luật nhằm né tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Còn việc người dân mua coin bằng USD là có dấu hiệu vi phạm về giao dịch ngoại tệ. Pháp luật Việt Nam không cho phép các cá nhân, tổ chức niêm yết, thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ.
Luật sư - tiến sĩ Bùi Quang Tín (Đoàn Luật sư TP HCM) khẳng định DN huy động vốn để phát hành, kinh doanh coin tại Việt Nam là bất hợp pháp, bởi pháp luật không công nhận hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng coin. "Ngay cả trên thị trường quốc tế, trong hàng chục ngàn đồng coin, có rất ít đồng được công nhận. Những đồng coin được công nhận phải có giá trị thực tế thông qua các ứng dụng hỗ trợ DN thanh toán, quản trị…" - luật sư Tín nói.
Bộ Công Thương cảnh báo không đầu tư FuturoCoin Thời gian gần đây, trên mạng internet xuất hiện nhiều nội dung giới thiệu về cách làm giàu và kiếm tiền online thông qua mạng lưới có tên FutureNet với các diễn đàn, website như: kiemtienfuturenet.com; futurenet.vn; getrich.vn; futurenet.edu.vn; meodautu.com/cach-kiem-tien-thu-dong-voi- futurenet… Các trang điện tử này "quảng cáo" người tham gia có thể có thêm nguồn thu nhập thụ động, trung bình hàng ngàn USD/tháng. Cụ thể, người tham gia sẽ được hưởng tiền thưởng và hoa hồng đến từ việc tuyển dụng, xây dựng hệ thống tuyến dưới cùng tham gia đầu tư. Trong đó, có việc đầu tư FuturoCoin, một đồng tiền kỹ thuật số được giới thiệu hoạt động dựa trên các công nghệ y hệt Bitcoin và có khả năng phát triển như Bitcoin. Theo tìm hiểu, các lĩnh vực hoạt động và kinh doanh khác của FutureNet rất phong phú, như: truyền thông xã hội, quảng cáo online, casino trực tuyến, cho thuê xe và siêu xe, thương mại điện tử… Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương nhận định hoạt động quảng cáo và phát triển mạng lưới của FutureNet có dấu hiệu là hoạt động tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động này. Do đó, để tránh rủi ro về vật chất và pháp lý, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người dân không tham gia hoạt động đầu tư và phát triển mạng lưới của FutureNet. P.NHUNG |
78% là lừa đảoCông ty Satis (Mỹ) chuyên tư vấn về góp vốn bằng coin vừa công bố một nghiên cứu chỉ ra trong năm 2017, 78% đồng coin trên thị trường quốc tế là lừa đảo. Theo đó, Pincoin là một trong 3 đồng tiền ảo bị lừa đảo số tiền lớn nhất, trong đó không ít nạn nhân là người Việt Nam. |