|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chiêu trò thao túng bằng sáng chế để duy trì giá thuốc cao của ngành dược Mỹ

13:12 | 12/12/2019
Chia sẻ
Những tập đoàn dược ở Mỹ liên tục tích lũy bằng sáng chế để ngăn cản bệnh nhân tiếp cận những loại thuốc có giá rẻ hơn bằng cách trì hoãn đưa thuốc gốc vào thị trường.

Hệ thống bằng sáng chế của Mỹ, kể từ khi nước Mỹ ra đời, đã đóng vai trò là nền tảng của đổi mới. Nhưng nỗ lực lạm dụng hệ thống này của ngành dược phẩm đang gây ra hậu quả thực sự cho bệnh nhân Mỹ, theo CNN.

Chăm sóc sức khỏe ngày càng trở nên tốn kém

Chi phí chăm sóc sức khỏe ở Mỹ tăng vọt do giá thuốc kê đơn tăng nhanh, cao hơn đáng kể đối với người Mỹ so với bệnh nhân ở các quốc gia giàu khác. 

duoc pham

Ảnh minh họa: pweb.com

Trong khi một số người cho rằng đây chỉ là chi phí để trở thành doanh nghiệp đổi mới toàn cầu, song thực tế phức tạp hơn thế, và một vấn đề đáng lo ngại là nỗ lực lạm dụng hệ thống bằng sáng chế.

Chi phí y tế có thể giảm nhờ sự sẵn có của thuốc gốc và thuốc sinh học tương tự (thuốc có thành phần giống hệt thuốc gốc nhưng do một doanh nghiệp khác phân phối sau khi bằng sáng chế hết thời hạn bảo hộ. 

Thật không may, những lựa chọn có giá thấp hơn phải đối mặt với cuộc chiến cam go để giành quyền tiếp cận thị trường vì những tập đoàn dược áp dụng vô số thủ thuật tinh vi để ngăn chặn cạnh tranh.

Chiêu trò với bằng sáng chế của hãng dược

Những tập đoàn dược liên tục tích lũy bằng sáng chế để ngăn cản bệnh nhân tiếp cận những loại thuốc có giá rẻ hơn. Để làm vậy, họ trì hoãn đưa thuốc gốc vào thị trường. Mặc dù một số bằng sáng chế thực ra thúc đẩy đổi mới, phần lớn chúng chỉ phục vụ mục tiêu duy trì thế độc quyền của hãng dược đối với thuốc mà họ phát minh.

Về tổng thể, những thủ thuật mà giới sản xuất dược phẩm áp dụng không hề mới và cũng chẳng hiệu quả. Chúng chỉ đơn giản là cách để các hãng dược lớn duy trì thế độc quyền đối với thuốc và tiếp tục buộc người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn khi mua thuốc so với khi các đối thủ có quyền cạnh tranh trên thị trường.

Namenda, một loại dược phẩm do Forest Laboratories sản xuất để điều trị chứng lú lẫn do bệnh Alzheimer, là một ví dụ tiêu biểu. 

Forest Laboratories đối mặt với sự cạnh tranh từ năm 2015. Thay vì cạnh tranh với một loại thuốc gốc, công ty thay đổi công thức của Namenda - từ một viên để uống hai lần mỗi ngày thành phiên bản uống một lần mỗi ngày.

Với phiên bản mới, Forest Laboratories nhận bằng sáng chế với thời hạn khai thác độc quyền sản phẩm tới năm 2029. Hành động ấy là ví dụ rõ ràng về nỗ lực lợi dụng hệ thống bằng sáng chế của Mỹ. 

Bang New York đã kiện Forest Laboratories với lí do công ty cố tình ngăn cản bệnh nhân lựa chọn giữa loại viên thuốc để uống hai lần mỗi ngày với viên để uống một lần mỗi ngày. Trước tình thế ấy, Forest Laboratories buộc phải dàn xếp với bang New York và từ bỏ kế hoạch xin cấp bằng sáng chế cho phiên bản mới.

Nhạc Phong