|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chiêu trò đè bẹp đối thủ bằng dữ liệu của tứ đại gia công nghệ

10:08 | 12/10/2020
Chia sẻ
Tiểu ban Chống độc quyền thuộc Hạ viện Mỹ nhận định Apple, Facebook, Google, Amazon đã áp dụng những biện pháp phản cạnh tranh với lượng dữ liệu khổng lồ để lấn át các đối thủ.

Phát hiện lớn nhất trong báo cáo điều tra của các nghị sĩ Mỹ không phải là việc 4 tập đoàn công nghệ lớn nhất nắm thế độc quyền. Trên thực tế, độc quyền là trạng thái hợp pháp trong hệ thống luật hiện hành của Mỹ.

Điều mà Tiểu ban Chống độc quyền thuộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ không thể chấp nhận là những chiến thuật bất minh mà các tập đoàn áp dụng để duy trì thế độc quyền và làm giảm cạnh tranh công bằng, theo CNN.

Các chuyên gia đã nhận ra tuyên bố quan trọng nhất trong báo cáo của Tiểu ban Chống độc quyền: Amazon, Facebook, Google và Apple đã tận dụng lượng dữ liệu khổng lồ về người tiêu dùng và doanh nghiệp để lấn át các đối thủ, giành lợi thế trên thị trường và giảm cơ hội sáng tạo của những tổ chức, cá nhân khác. 

Chiêu trò đè bẹp đối thủ bằng dữ liệu của tứ đại gia công nghệ - Ảnh 1.

Tiểu ban Chống độc quyền thuộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ không thể chấp nhận những chiến thuật bất minh mà các tập đoàn áp dụng để duy trì thế độc quyền và làm giảm cạnh tranh công bằng. (Ảnh: FOX)

"Đó là hành vi phản cạnh tranh", báo cáo nhận mạnh. Theo các chuyên gia, kết luận này có thể trở thành nền tảng cho những nỗ lực kiểm soát thế độc quyền của "tứ đại gia" mà Tiểu ban Chống độc quyền sẽ thực hiện trong tương lai.

Báo cáo nhấn mạnh rằng, thông qua ảnh hưởng lớn đối với thị trường trong một lĩnh vực, những tập đoàn độc quyền đang hủy diệt cạnh tranh để tư lợi.

"Do những hành vi bất minh, phạm vi đang chịu ảnh hưởng bởi sự đe dọa của các tập đoàn lớn đang tăng dần", báo cáo nêu rõ.

Ví dụ, báo cáo trích dẫn những biên bản ghi nhớ và bài thuyết trình cho thấy Facebook đã sử dụng dữ liệu người dùng từ Onavo, một ứng dụng kết nối của Facebook, để kết luận rằng WhatsApp là một mối đe dọa lớn. Sau đó Facebook đã mua Whatsapp vào năm 2014 với giá 19 tỉ USD.

Dựa trên cách người dân sử dụng dịch vụ thư điện tử Gmail và tìm kiếm thông tin, Google có thể phát hiện những trình duyệt web phổ biến nhất. Hiểu biết đó giúp Google có lợi thế khi họ công bố trình duyệt Chrome. Ngày này, Chrome là trình duyệt phổ biến nhất thế giới nhờ dữ liệu người dùng khổng lồ của Google.

Amazon sử dụng lợi thế dữ liệu theo nhiều cách để giành lợi thế trước các thương nhân độc lập trên chinh nền tảng của Amazon. Ví dụ, theo báo cáo, Amazon sử dụng dữ liệu bán hàng của các thương nhân độc lập để xác định những sản phẩm phổ biến nhất, để rồi sau đó Amazon bán những sản phẩm đó.

Sự kiểm soát của Apple đối với kho ứng dụng App Store giúp họ có khả năng xác định những ứng dụng thành công nhất. Sau đó, Apple tung ra những app tương tự của họ để chiếm thị phần.

Giám đốc điều hành Tile - một ứng dụng và thiết bị Bluetooth giúp người dùng định vị những đồ vật thất lạc - nói với các nghị sĩ rằng Apple biết rõ từng khách hàng của Tile và những loại app mà khách hàng của Tile quan tâm. 

"Sau đó Apple sử dụng thông tin từ Tile để tạo ra những app của họ", báo cáo điều tra dẫn lời giám đốc của Tile.

Nhạc Phong