|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hạ viện Mỹ muốn giảm quyền lực của 'tứ đại gia' công nghệ, nhưng các tòa án có thể không cùng phe với họ

04:31 | 08/10/2020
Chia sẻ
Báo cáo điều tra của Hạ viện Mỹ cho thấy 4 tập đoàn công nghệ lớn nhất nước Mỹ đang nắm vị thế độc quyền quá lớn và một số mảng kinh doanh của họ phải tách ra.

Hôm 7/10, Tiểu ban Tư pháp về chống độc quyền thuộc Hạ viện Mỹ, công bố báo cáo điều tra chống độc quyền đối với 4 tập đoàn công nghệ lớn - gồm Apple, Amazon, Facebook và Google. 

Quá trình điều tra của Tiểu ban - với đa số thành viên thuộc đảng Dân chủ - diễn ra trong 16 tháng. Thành quả của họ là bản báo cáo gồm gần 450 trang, theo CNBC.

Trong báo cáo dài gần 450 trang, nhóm thành viên đảng Dân chủ tuyên bố kết luận của họ dựa trên việc điều trần với 4 tập đoàn, phỏng vấn những người liên quan, phân tích 1,3 triệu tài liệu mà họ thu thập trong suốt cuộc điều tra.

Nhóm điều tra đã đưa ra hàng loạt đề xuất, bao gồm việc các công nghệ lớn, hoạt động đa ngành nghề và có tầm ảnh hưởng buộc phải chia tách thành công ty nhỏ hơn theo từng mảng kinh doanh nhất định, hoặc áp dụng cấu trúc kinh doanh tách biệt về mặt chức năng với tập đoàn mẹ. 

Chẳng hạn, nhóm điều tra muốn Google pthoái vốn và không kiểm soát YouTube, hoặc Facebook thoái vốn và ngừng vận hành Instagram và WhatsApp.

Ngoài ra, tứ đại gia công nghệ phải tự chứng minh vụ mua lại một công ty khác không gây hại đến cạnh tranh, chứ không đợi cơ quan chống độc quyền điều tra như hiện tại. Các công ty cũng phải thực hiện "các điều khoản bình đẳng như nhau cho mọi sản phẩm và dịch vụ", thay vì ưu tiên sản phẩm riêng trên nền tảng của mình.

Báo cáo cũng yêu cầu các công ty công nghệ này phải làm cho dịch vụ của họ tương thích với đối thủ cạnh tranh, đồng thời cho phép người dùng chuyển dữ liệu dễ dàng.

Hạ viện Mỹ muốn tước bớt quyền lực của tứ đại gia công nghệ - Ảnh 1.

Cả 4 tập đoàn công nghệ lớn nhất nước Mỹ - gồm Facebook, Amazon, Google, Apple đều phản đối việc Hạ viện kết luận họ có vị thế độc quyền quá lớn. (Ảnh: Call Roll)

Bổ sung, sửa đổi Luật chống độc quyền là một công việc chán ngắt đối với giới nghị sĩ Mỹ, vì họ đã không thực hiện nhiệm vụ đó trong hơn một thế kỉ. Hai luật chống độc quyền quan trọng nhất - gồm Đạo luật Sherman (chống độc quyền) và Đạo luật Clayton (mua và sáp nhập doanh nghiệp) - ra đời lần lượt vào năm 1890 và 1914. 

Đạo luật Ủy ban Thương mại Liên bang - yếu tố dẫn tới sự ra đời của Ủy ban Thương mại Liên bang với nhiệm vụ điều tiết cạnh tranh - cũng ra đời từ năm 2014.

Song từ khi các đạo luật chống độc quyền ra đời, các phán quyết của giới tòa án khiến chính phủ Mỹ ngày càng cảm thấy khó khăn hơn khi ngăn chặn hành vi độc quyền hoặc sáp nhập, mua doanh nghiệp. 

Ngày nay, giới phân tích nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêu chuẩn "phúc lợi người tiêu dùng". Tiêu chuẩn này coi sự tăng giá là dấu hiệu của hành vi gây tổn hại. Đối với các doanh nghiệp công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn đó còn khó hơn, vì họ không tính phí trực tiếp cho dịch vụ của họ, mà kiếm tiền từ quảng cáo và dữ liệu.

Các nghị sĩ Dân chủ trong Tiểu ban Tư pháp về chống độc quyền của Hạ viện viết trong báo cáo rằng hệ thống tòa án đang làm suy yếu luật chống độc quyền từ khi các đạo luật có hiệu lực. Họ luôn hành xử ngược với Quốc hội vì chỉ tập trung vào phúc lợi của người tiêu dùng.

Ngay sau khi Hạ viện công bố báo cáo điều tra, cả 4 tập đoàn công nghệ đều phản đối lập luận của các nghị sĩ về vị thế độc quyền của họ, đồng thời khẳng định sự cạnh tranh quyết liệt vẫn đang tồn tại trong ngành của họ.

Nhạc Phong