Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Không có kẻ thắng chỉ có người thua
Danh sách mới nhất về các mặt hàng nằm trong mục tiêu trả đũa thuế quan của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung |
Reuters đưa tin, ngày 6/7, Mỹ đã chính thức áp thuế nhập khẩu 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Chưa dừng ở đó, đợt áp thuế tiếp theo với 16 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc có thể có hiệu lực sau vài tuần.
Mỹ đã khởi động cuộc chiến tranh thương mại có quy mô lớn nhất lịch sử với Trung Quốc. Ảnh minh họa: Getty. |
Sau “phát súng” khai màn từ phía Mỹ, bất chấp lời đe dọa trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng sẽ áp thuế lên số hàng hóa có tổng giá trị lên tới 500 tỷ USD nếu Bắc Kinh trả đũa, Trung Quốc ngay lập tức tuyên bố áp thuế đối với hàng Mỹ nhập khẩu Trung Quốc với trị giá tương đương số hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế. Bắc Kinh gọi những gì Washington làm là “khởi động cuộc chiến tranh thương mại có quy mô lớn nhất trong lịch sử”.
Các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế lần này bao gồm thiết bị y tế, phụ tùng ô tô và máy móc công nghiệp. Trung Quốc phản công với thuế áp lên thịt, hải sản và ô tô thể thao cùng các mặt hàng khác nhập từ Mỹ.
Không có kẻ thắng…
Có thể thấy rõ một điều là Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ bởi kim ngạch thương mại song phương hiện có lợi cho Trung Quốc và nước này đang tích lũy nhiều thành tựu công nghệ từ Mỹ trong quá trình giao thương. Thực tế những gì diễn ra đã cho thấy Mỹ luôn hành động trước còn Trung Quốc là bên đáp trả.
Về lý thuyết, khi xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại, nước nhập khẩu nhiều hơn sẽ chịu ít thiệt hại hơn nước xuất khẩu (theo số liệu của cơ quan chức năng Mỹ, năm 2017, nước này thâm hụt thương mại hơn 375 tỷ USD với Trung Quốc). Điều này phần nào lý giải vì sao ngay sau khi chiến tranh thương mại nổ ra, đồng USD lên tục tăng giá nhẹ trong khi đồng Nhân dân tệ lại mất giá.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng của DBS, Taimur Baig, một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm giảm 0,25% tổng GDP của cả hai nền kinh tế trong năm nay. Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn trong năm tới, khi cả hai nước đều phải chứng kiến mức suy giảm kinh tế khoảng 0,5% hoặc cao hơn.
Tờ New York Times nhận định, các mức thuế áp lên Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nhiều công ty của Mỹ vốn dựa vào các nhà cung cấp Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu và “nhiều khả năng sẽ gây tổn thương cho các công ty Mỹ nhiều hơn là các công ty Trung Quốc mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang nhắm đến”.
Trong khi đó, một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ sẽ khiến các doanh nghiệp Trung Quốc gặp nhiều khó khăn bởi Mỹ là bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc, chiếm 18,4% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Theo Reuters, tác động trực tiếp của cuộc chiến thương mại này lên Trung Quốc sẽ là tăng trưởng GDP giảm 0,1%-0,3%. Còn tăng trưởng xuất khẩu giảm 1%.
Bình luận về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc William Zarit nói với Washington Post cho rằng: “Không có kẻ thắng trong chiến tranh thương mại”.
… Nhiều người thua
Không chỉ có ảnh hưởng đến hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, hàng loạt quốc gia châu Á khác cũng sẽ chịu tác động từ các động thái “ăn miếng trả miếng” của Mỹ và Trung Quốc. Reuters dẫn báo cáo phân tích của DBS cho thấy Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan và Singapore sẽ là các nền kinh tế gặp rủi ro cao nhất tại châu Á vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vì các nước này có độ mở thương mại cao và tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng.
Viện Kinh tế Quốc tế Peterson chỉ ra rằng, gần 2/3 số hàng Mỹ nhập từ Trung Quốc đến từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, thuế nhập khẩu của Mỹ, dù nhằm vào Trung Quốc, vẫn sẽ có tác động đến các nước khác.
Chuyên gia Nick Marro của cơ quan phân tích kinh tế Economist Intelligence Unit cho biết, Trung Quốc cung cấp rất nhiều các linh kiện, thiết bị để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng ở các nước nêu trên và "bất kỳ ‘vết lõm’ nào trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng" tới các nước đó.
Để thích ứng với điều kiện thay đổi, hoạt động sản xuất có thể được dịch chuyển từ những nước này sang các nước khác, tuy nhiên, để làm được điều đó sẽ cần có thời gian và khó có thể có nước nào sánh được với Trung Quốc về quy mô sản xuất./.
Xem thêm |