Chiến lược xoay trục trong nông nghiệp năm 2018
FDI vào nông nghiệp quá thấp do đâu? | |
Thu tiền tỷ mỗi năm nhờ nông nghiệp công nghệ cao |
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có một chia sẻ định hướng của Bộ trong năm mới 2017.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. |
Xin Bộ trưởng nhận định về kết quả phát triển sản xuất nông lâm ngư nghiệp trong năm 2017 vừa qua?
Năm 2017 là năm đầy thử thách, đặc biệt là về thiên tai - một năm có 16 cơn bão, 4 cơn áp thấp, cùng với các loại hình dị thường của thời tiết: mưa lớn, lũ ống, lũ quét xảy ra triền miên cho thấy thiên tai hà khắc chưa từng thấy. Nếu như bình quân thiệt hại do thiên tai gây ra hàng năm khoảng 20.000 tỷ đồng, năm 2016 thiệt hại do thiên tai là 39.000 tỷ đồng, thì riêng năm 2017 con số là 60.000 tỷ đồng. Đồng thời với đó là khó khăn về mặt thị trường, ngành chăn nuôi gần như "thất thủ" khi mất thị trường xuất khẩu lợn thịt, trong khi thịt ngoại tiếp tục tràn vào.
Tuy nhiên, vượt lên những thách thức, cả hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ ban ngành, các tỉnh thành phố, các thành phần kinh tế, bà con nông dân đã vào cuộc, tập trung chương trình phát triển, tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, chúng ta đã đi lên với một kết quả tổng quan tốc độ tăng trưởng vào khoảng 2,94% - vượt mục tiêu so với Chính phủ đề ra.
Thứ hai, trong mục tiêu xuất khẩu, Chính phủ đề ra là 32-33 tỷ USD, kết thúc năm 2017 đạt con số 36,37 tỷ USD. Một năm tăng trưởng hơn 4 tỷ USD cho mặt hàng xuất khẩu nông sản cho thấy một kết quả rất đáng trân trọng.
Trong đó, nhiều mốc kỷ lục mới, ngành hàng thủy sản lần đầu tiên chúng ta vượt 8 tỷ USD, ngành gỗ lần đầu tiên cán mốc 8 tỷ USD, ngành rau quả đạt 3,45 tỷ USD, xuất khẩu điều vượt mốc 3,5 tỷ USD...
Một con số rất đáng ghi nhận nữa là thặng dư tuyệt đối của ngành nông nghiệp đã đạt con số 8,55 tỷ USD, vượt hơn năm ngoái hơn 1 tỷ USD. Cùng với đó, chương trình xây dựng mục tiêu nông thôn mới chúng ta đã đạt 2.884 xã, chiếm 32,3% tổng số xã trên cả nước, vượt kế hoạch giao là 31%.
Năm 2017 cũng là năm đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc xoay trục phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực. Từ trước đến nay chúng ta coi trọng mặt hàng lúa gạo là số 1, nhưng giờ chúng ta đã chuyển sang thủy sản, trái cây đứng đầu, rồi mới đến lúa gạo.
Thủy sản và trái cây là 2 ngành hàng chúng ta xác định còn dư địa phát triển: xuất khẩu trái cây năm vừa qua tăng trưởng hơn 40% so với năm 2016, còn ngành thủy sản thì riêng xuất khẩu tôm đã tăng hơn 22%... trong khi xuất khẩu lúa gạo chỉ đạt được 2,6 tỷ USD.
Năm 2017 cũng chứng kiến sự xoay trục các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Những năm trước đây toàn ngành nông lâm ngư nghiệp chỉ có hơn 3.000 doanh nghiệp, chiếm chưa đến 1% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Nhưng riêng năm 2017, đã thêm 1.995 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đưa tỷ trọng số doanh nghiệp của ngành lên 1,5%.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn, trước đây thành công ở những lĩnh vực khác, thì những năm gần đây đã xoay trục đầu tư vào khu vực nông nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Vingroup, Hòa Phát, Ngân hàng Bắc Á, Geleximco...
Chiến lược xoay trục này sẽ được tiếp bước như thế nào trong năm 2018 và những năm tiếp theo, thưa ông?
Có 3 nội dung then chốt không chỉ trong năm 2018 mà cả thời gian tới. Một là chương trình tái cơ cấu theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị và thích ứng biến đổi khí hậu. Đây là nội dung lớn, cần tiếp tục duy trì và triển khai có trách nhiệm để đạt hiệu quả hơn, bền vững hơn, sâu sắc hơn.
Thứ hai là tiếp tục chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, chúng ta mới bảo đảm 32% số xã đạt chuẩn, so với mục tiêu đến năm 2020 chúng ta phấn đấu 50% số xã trong tổng số gần 9.000 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Cần tập trung vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đi sâu vào chất lượng với 3 nhóm vấn đề cơ bản: thúc đẩy sản xuất, xử lý môi trường và an ninh, trật tư xã hội gắn với văn hóa.
Thứ ba là tập trung ứng phó với biến đổi khí hậu, vì nước ta là một trong 5 nước bị tổn thương lớn nhất trong tác động của biến đổi khí hậu với nhiều dạng hình khí thượng thủy văn, các loại hình thiên tai cực đoan diễn ra.
Xuất khẩu rau quả đang được coi là kỳ tích. Vậy chiến lược dài hơi cho sản phẩm này là gì, thưa Bộ trưởng?
Rau quả là điểm nhấn trong thành tích xuất khẩu năm 2017, giá trị xuất khẩu tăng trưởng nhanh với tốc độ hơn 40%, kim ngạch 3,45 tỷ USD, bỏ xa lúa gạo. Tiềm năng dư địa của rau quả trên thị trường thế giới còn rất lớn.
So với lúa gạo tổng giá trị giao dịch thương mại toàn cầu chỉ 36 tỷ USD, thì ngành hàng rau quả tới 270 tỷ USD, gấp 8 lần. Nhưng rõ ràng muốn phát triển, đưa tham vọng kim ngạch xuất khẩu rau quả lên 30-50 tỷ USD thì chúng ta cần chiến lược bài bản, thực hiện kiên trì trong thời gian dài. Cùng với quy hoạch sản xuất vùng trồng rau quả ổn định, và tập trung, thì nhiệm vụ quan trọng phải làm trong thời gian tới là tập trung đẩy mạnh phát triển chế biến mặt hàng này.
Xin Bộ trưởng cho biết trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vai trò của chính quyền các địa phương như thế nào?
Năm vừa qua cùng với sự vào cuộc ráo riết của Trung ương thì phải khẳng định 63 tỉnh thành, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và bà con nông dân vào cuộc rất quyết liệt. Những hình ảnh các đồng chí thường vụ, rồi Bí thư, chủ tịch của các tỉnh không chỉ xây dựng, tổ chức vùng nguyên liệu mà còn xúc tiến thương mại, đi ra nước ngoài giới thiệu sản phẩm, cho thấy một tín hiệu rất tốt.
Thí dụ như Bắc Giang, Lâm Đồng vừa qua, Đồng Tháp hay tỉnh xa xôi như Hà Giang cũng tìm ra lợi thế nông sản của mình để đi vào khai thác. Gần đây nhất là bài học kinh nghiệm của Sơn La, một tỉnh rất điển hình chuyển rất nhanh từ cây ngô giá trị kém sang cây ăn quả, thành lập nhà máy chế biến, chuỗi xuất khẩu ở đấy rất tốt.
Ở nhiều địa phương, phong trào OCOOP (mỗi làng xã một sản phẩm), gắn kết tái cơ cấu nông nghiệp với du lịch, dịch vụ... đang được mở ra. Năm 2017, Việt Nam đón 13 triệu khách du lịch nước ngoài, sang 2018 mục tiêu 15 triệu. Đây là dư địa rất lớn cho xuất khẩu nông sản tại chỗ.
Trong năm vừa qua có một tín hiệu đáng mừng là đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành hơn. Theo Bộ trưởng, làm sao để "giữ chân" được doanh nghiệp và mở rộng cơ hội đầu tư hơn trong nông nghiệp?
Chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, một trong những việc quan trọng là phải hoàn thành được chuỗi sản xuất khép kín từ phát triển vùng nguyên liệu, chế biến, công tác thị trường.
Trong chuỗi này xác định doanh nghiệp là hạt nhân liên kết thị trường với các hợp tác xã và với nông dân, chính vì vậy những chính sách phối hợp với doanh nghiệp được coi là nhiệm vụ quan trọng.
Năm vừa rồi, đã có thêm gần 2.000 doanh nghiệp tập trung đầu tư vào khu vực nông nghiệp với giá trị vốn đầu tư hàng tỷ USD. Khoản vốn hoàn toàn của doanh nghiệp và huy động vốn của tín dụng, trong đó có những tập đoàn rất lớn kỳ này cũng đã đầu tư vào khu vực nông nghiệp cho thấy rằng, sự quan tâm này của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và đặc biệt ở đây nữa tôi phải khẳng định riêng về hợp tác xã kiểu mới năm vừa rồi cũng bùng nổ.
Để giữ chân doanh nghiệp và tạo dựng lòng tin, thì trước hết phải tập trung cải cách hành chính để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào ngành. Cùng với đó, phải phối hợp chặt chẽ, coi khó khăn của doanh nghiệp chính là khó khăn của ngành, của địa phương, trên cơ sở đó phối hợp chặt chẽ với các bộ và các địa phương để tháo gỡ. Phải xác định đồng hành với doanh nghiệp người ta khó cái gì phải cùng gỡ, nhất là vấn đề thị trường.
Chúng tôi mong là không phải "níu giữ" nữa mà là động viên, khuyến khích nhiều doanh nghiệp vào ngành hơn. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ cùng bàn với địa phương về phát triển hợp tác xã kiểu mới trở thành trụ cột liên kết với hơn 10 triệu hộ nông dân, thực hiện cho được tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị khép kín từ nguyên liệu chế biến đến phát triển thị trường.
Phát triển nông nghiệp phải huy động tất cả các lực lượng tham gia thì mới có đủ tiềm lực đầu tư và không chỉ đầu tư mà quan trọng nhất, đó là quản trị sau đầu tư và quản trị bền vững. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo sửa Nghị định 210 về thu hút đầu tư vào nông nghiệp, tới đây ban hành sẽ thu hút thêm nguồn nhân lực bên ngoài vào.
Ở đây, tôi xin nhắc đặc biệt không chỉ các doanh nghiệp lớn, quan trọng hơn là các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, huy động thêm nhiều vào vì chúng ta đang mong muốn chính đây mới là lực lượng nòng cốt, lực lượng chủ đạo để góp phần chuyển cơ cấu kinh tế hộ tự phát sang nền kinh tế tập trung hàng hóa, chuỗi giá trị thì chính doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với những kết quả đã đạt được, bà con nông dân chúng ta, các thành phần kinh tế các địa phương có niềm tin khẳng định mình có thể làm được nếu như đồng lòng cả 3 trục; trục Chính phủ, trục doanh nghiệp và toàn dân trong sự nghiệp tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.