Chiến lược sạch bóng COVID-19 của Trung Quốc: Camera khắp mọi nơi, sử dụng robot giao hàng hạn chế tiếp xúc
Camera giám sát công cộng, loa phát thanh
Để theo đuổi thành công chiến lược "Zero-COVID", Trung Quốc, nơi dịch COVID-19 bùng phát đầu tiên trên thế giới, đã áp dụng nhiều biện pháp mới lạ, áp dụng công nghệ hiện đại vào công cuộc phòng chống dịch của mình.
Trung Quốc đã và đang cố gắng xây dựng hệ thống giám sát với hàng trăm triệu camera ở những địa điểm công cộng và ngày càng áp dụng nhiều công nghệ hiện đại như giám sát bằng điện thoại thông minh và nhận diện khuôn mặt.
Theo CNN, việc sử dụng camera giám sát tại đây đã trở thành một phần trong cuộc sống của người dân, từ đường phố đến trung tâm mua sắm, nhà hàng, xe buýt hay thậm chí là trong trường học. Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết, tính đến năm 2017 đã có hơn 20 triệu camera đã được lắp đặt trên khắp quốc gia này.
Còn theo báo cáo của IHS Markit Technology, Trung Quốc đã có khoảng 349 triệu camera giám sát được lắp đặt tính đến năm 2018, gần gấp 4 lần số lượng camera tại Mỹ.
Khi đại dịch bắt đầu cũng là lúc camera giám sát đến gần hơn với cuộc sống của người dân Trung Quốc. Theo Reuters, bộ phận nhân viên theo dõi camera sẽ giám sát người dân qua hệ thống camera, từ đó phát hiện những trường hợp không đeo khẩu trang hoặc tụ tập đông người ở các khu vực công cộng.
Tại làng Donghan ở Hồ Bắc, nơi dịch COVID-19 xuất hiện vào cuối năm 2020, ông Liu Ganhe, nhân viên thuộc bộ phận theo dõi camera, đã phát hiện 6 người dân tụ tập và không đeo khẩu trang. Ngay sau đó, chính quyền đã đến để giải tán và nhắc nhở người dân.
Tương tự như trường hợp tại thị trấn Vĩnh Châu, tỉnh Hồ Nam, anh He Haijun, nhân viên thuộc bộ phận giám sát camera, đã phát hiện người dân tụ tập với nhau. Sau đó, anh đã nhắc nhở người dân qua loa phát thanh của quận. Kết quả, chỉ trong vòng hai phút, người dân đã phải giải tán và trở về nhà của mình.
Bên cạnh việc sử dụng camera giám sát công cộng, loa phát thanh để giải tán các cuộc tụ tập, các nhà chức trách Trung Quốc cũng tiến hành lắp đặt camera bên ngoài cửa nhà của những trường hợp trở về từ các điểm nóng của dịch COVID-19 như tỉnh Hồ Bắc hay nhập cảnh. Ngay khi những người này bước ra khỏi nhà sẽ được báo cho nhân viên cộng đồng.
Ứng dụng công nghệ AI và BigData
Ngay khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng hệ thống giám sát tích hợp công nghệ nhận dạng khuôn mặt và phần mềm đo thân nhiệt để xác định những người có thân nhiệt cao, bị sốt và có nguy cơ bị nhiễm vi rút COVID-19.
Theo Reuters, tại Thiên Tân, cách Bắc Kinh 100 km, các quan chức cũng đã sử dụng hệ thống camera an ninh để truy vết những người có liên quan đến ổ dịch bùng phát tại cửa hàng bách hóa vào cuối tháng 2/2020. Các quan chức đã xác định chính xác thời gian mà nhân viên cửa hàng bị nhiễm bệnh tiếp xúc với khách hàng, sau đó truy vết những người đã từng đến đây thông qua camera an ninh xung quanh cửa hàng vào thời điểm đó.
Hay tại Tương Đàm, một thị trấn khác ở Hồ Nam, hệ thống này cũng được sử dụng để định vị một người đàn ông có thân nhiệt cao xuất hiện trong trung tâm thương mại. Sau khi bị phát hiện, người đàn ông bỏ đi bằng một chiếc xe máy. Cảnh sát vẫn biết được địa chỉ bằng hệ thống giám sát và tới tận nhà để nhắc nhở.
Hệ thống giám sát của Trung Quốc có thể theo dõi lịch trình di chuyển của một người trong suốt 90 ngày.
Nhờ vào hệ thống camera, công nghệ nhận diện khuôn mặt AI, Trung Quốc có thể nhanh chóng truy vết những người mắc hoặc có liên quan tới các ca mắc, từ đó tiến hành xét nghiệm và khoanh vùng dịch.
Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đã phát triển hệ thống giám sát có tên Health Code, sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) để xác định và đánh giá rủi ro của từng người dân thông qua phân tích dữ liệu lịch sử di chuyển, The New York Times đưa tin.
Mỗi người dân sẽ được cài một phần mềm có tên Ant – Alipay vào điện thoại và được cung cấp một mã vạch theo ba màu: Xanh, vàng, đỏ tùy theo tình trạng sức khỏe. Mã xanh cho phép người dân có thể di chuyển tự do, mã vàng buộc người dân phải cách ly 7 ngày và mã đỏ phải cách ly hai tuần.
Hơn 200 thành phố của Trung Quốc đã ứng dụng hệ thống này. Tại các địa điểm công cộng sẽ có đội kiểm soát có trách nhiệm quét mã QR trên điện thoại từng người để phát hiện nguy cơ lây nhiễm
Về mặt kỹ thuật, ứng dụng này là không bắt buộc. Nhưng trên thực tế, người dân không thể di chuyển tại Trung Quốc nếu không có nó.
Ngoài ra, mỗi khi người dân quét mã, chẳng hạ như tại một điểm kiểm tra sức khỏe, vị trí hiện tại của người đó sẽ được gửi đến máy chủ. Điều này cho phép các nhà chức trách dễ dàng theo dõi lịch trình di chuyển của mọi người theo thời gian.
Giờ đây, ngay cả khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, mã quét sức khỏe QR đã trở thành vật bất ly thân đối với người dân Trung Quốc.
Sử dụng Robot và thiết bị không người lái
Theo Geospatial World, ở thời điểm việc tiếp xúc giữa người với người được hạn chế tối đa, xe tự hành đã chứng tỏ được vai trò hữu ích trong việc phân phối thực phẩm và vật tư y tế. Apollo, nền tảng tự hành của Baidu, đã hợp tác với startup tự hành Neolix để cung cấp lương thực thuốc men đến các bệnh viện ở Bắc Kinh.
Idriverplus, một startup tự hành khác cung cấp xe điện làm sạch đường phố. Phương tiện của công ty được dùng trong công tác khử khuẩn ở bệnh viện.
Tại một số khu vực nguy hiểm, phương tiện bay không người lái (drone) được sử dụng để vận chuyển vật tư y tế, ống xét nghiệm nhằm giảm thiểu rủi ro và tiết kiệm thời gian. Bằng việc sử dụng drone, các bệnh viện sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức, tăng tốc độ chuyển phát, đặc biệt là ngăn chặn được nguy cơ lây nhiễm cho các mẫu bệnh phẩm.
Các drone cũng được gắn mã QR quét thông tin sức khỏe người dân. Drone nhận diện khuôn mặt được dùng để đi tuần và phát đi cảnh báo nhắc nhở người dân không tụ tập nơi đông người, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.
Trong khi đó, theo CNBC, các robot cũng được trưng dụng khá nhiều trong hoạt động kiểm soát dịch bệnh. Nhiều robot đã được triển khai để hoàn thành các công việc như làm sạch, khử trùng, cung cấp thực phẩm và thuốc men nhằm giảm sự tiếp xúc giữa người với người xuống mức thấp nhất.
Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, robot đang cùng với con người ở tuyến đầu chống dịch COVID-19. Tại một số bệnh viện, robot còn thực hiện việc chuẩn đoán, đo ảnh nhiệt. Bên cạnh đó, một số bệnh viện tại thành phố Vũ Hán đã đưa vào sử dụng loại robot có khả năng diệt vi khuẩn bằng đèn tia cực tím (UV).
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/