|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chiến lược lạ của Air Asia giữa COVID-19: Biến thành nền tảng đa dịch vụ, cung cấp từ hàng tươi sống đến dịch vụ y tế

07:11 | 15/07/2020
Chia sẻ
Air Asia muốn biến đổi thành một nền tảng công nghệ du lịch và đời sống, COVID-19 đã thúc đẩy tham vọng này.

Cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19 đang khiến ngành hàng không thế giới lao đao. Tình huống chưa từng có đặt nhiều hãng hàng không trước thách thức thay đổi chiến lược để tồn tại. Air Asia là một trong số đó. Hãng hàng không có trụ sở ở Kuala Lumpur đang chuyển hướng để trở thành “một nền tảng công nghệ du lịch và đời sống" từ một website đặt vé máy bay thông thường.

Theo một bài thuyết trình của CEO Karen Chan tại Hội thảo Phát triển Sản phẩm Tech in Asia 2020, cuộc khủng hoảng COVID-19 đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi thành “một phong cách sống mới tại Đông Nam Á” của Air Asia diễn ra nhanh hơn bao giờ hết.

Chiến lược kì lạ của Air Asia giữa đại dịch COVID-19: Biến thành nền tảng đa dịch vụ, bán từ hàng tươi sống đến dịch vụ y tế - Ảnh 1.

AirAsia sẽ cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, mang khách hàng tập trung vào một nền tảng thống nhất.

Lúc này, nền tảng số của Air Asia bắt đầu cho phép khách hàng tìm kiếm và mua các gói du lịch, mua vé thăm quan điểm du lịch cũng như mua các gói dịch vụ y tế cho khách du lịch. Nó thậm chí còn cung cấp dịch vụ đặt đồ ăn và rất nhiều dịch vụ khác.

AirAsia.com đang tận dụng mạng lưới, lưu lượng truy cập và dữ liệu người dùng hiện hữu của mình để thực hiện chuyển đổi. AirAsia.com hiện có 14 triệu người dùng hoạt động trong khi đó ứng dụng Air Asia đã nhận tải về hơn 14 triệu lần. Hơn 60% số ghế trên các chuyến bay Air Asia được bán trực tiếp trên nền tảng của hãng. 

 “Air Asia là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á.  Mức độ tập trung của chúng tôi không chỉ là các thành phố lớn mà còn là thành phố cấp 2, 3 và 4 tại tất cả các thị trường khác nhau”, bà Karen Chan chia sẻ.

Công ty tận dụng dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau ví dụ như thói quen thanh toán hay sử dụng điểm thành viên trung thành trên website hoặc ứng dụng di động. Các dữ liệu như hoạt động trên mặt đất tại sân bay và thói quen truy cập wifi trong các chuyến bay bay của khách hàng cũng được tính đến. 

Với dữ liệu đa dạng, AirAsia.com có thể dự đoán ý định mua sắm của khách hàng và mở rộng dịch vụ tương ứng.

“Bằng cách tận dụng dữ liệu, AirAsia.com tập trung trở thành một dịch vụ một cửa có thể đáp ứng tất cả nhu cầu của khách hàng,” bà Chan nói thêm. Theo bà, điều thú vị là tất cả các các siêu ứng dụng ở Đông Nam Á mới tập trung vào dịch vụ vận chuyển mặt đất. Trong khi đó, AirAsia.com hướng đến di chuyển xuyên quốc gia.

Từ hàng không đến đa dịch vụ

Website AirAsia.com hiện có 4 mục khác nhau. Du lịch là thành phần chính (hoàn thiện thêm với đời sống và trải nghiệm), thương mại điện tử, logistics và giải pháp đa phương tiện.

Ở mảng du lịch, mới đây, Air Asia ra mắt một gói du lịch mang tên “Unlimited Pass”, cho phép khách hàng ở Malaysia và Thái Lan mua vé ở thời điểm hiện tại và dùng chúng vào bất kì thời điểm nào tới tháng 3/2021. 

Bằng cách đăng kí dịch vụ, khách hàng có thể lên kế hoạch cho chuyển đi của mình bất chấp những yếu tố bất định mà COVID-19 đang gây ra.

Air Asia còn tận dụng mảng dịch vụ y tế cho khách du lịch thông qua hợp tác với 12 bệnh viện cao cấp ở Malaysia. Khách hàng đang tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cao cấp có thể đặt lịch khám kèm theo khách sạn và lịch bay chỉ cần sử dụng duy nhất một nền tảng.

Về mảng TMĐT, Air Asia triển khai mục “Our Shop” với sự hỗ trợ của công ty logistis Teleport thuộc quản lí của nó.

 “Our Food”, một dịch vụ dành cho các đối tác ngành thức uống và thực phẩm của Air Asia, cho phép các công ty nhận đơn hàng trên WhatsApp, Facebook, và Instagram và sau đó giao hàng đến tận cửa nhà khách hàng. Khách hàng cũng có thể đặt đồ ăn thông qua một đường dẫn thực đơn tuỳ chỉnh trên website Air Asia. Hệ thống của Air Asia còn hỗ trợ thanh toán và theo dõi đơn hàng theo thời gian thực.

Ngoài ra, Air Asia triển khai chương trình Our Farm hồi tháng 6. Về cơ bản, đây là một nền tảng TMĐT B2B cho phép người nông dân kết nối trực tiếp với các nhà bán lẻ. Qua đó, nông dân có thể gia tăng thu nhập do loại bỏ chi phí trung gian. Bên cạnh đó, Air Asia hỗ trợ nông dân các vấn đề logistic để có thể chuyển đơn hàng đến các doanh nghiệp.

 “Chúng tôi hợp tác sâu với những người nông dân đang bị ảnh hưởng vì dịch bệnh. Chúng tôi làm điều đó bằng cách chuyển hướng dịch vụ Teleport từ vận chuyển hàng hoá xuyên biên giới sang hướng giao nhận nội địa”, ông Chan nói thêm.

Đầu tháng 7, AirAsia.com giới thiệu “Our Fresh” với năng lực giao hàng tươi sống trong vòng 24 giờ đến những người dân trong khu vực Klang Valley. Air Asia nói họ đã đón khoảng 3.000 nhà bán hàng trên nền tảng này.

Hai tuần sau khi chính phủ Malaysia triển khai lệnh phong toả hồi tháng 3, AirAsia.com triển khai một chiến dịch mang tên gọi “an toàn bán hàng”. Thông qua chiến dịch, Air Asia cho phép các nhà bán lẻ bán sản phẩm của mình trực tuyến mà không thu phí. Air Asia còn hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động marketing thông qua dịch vụ thiết kế và chụp hình.

Air Asia có nhiều kênh truyền thông khác nhau như tạp chí điện tử Our Daily, quảng cáo Air Asia và dịch vụ trò chuyện Our Chat.

Thái Sơn