Chiến lược định vị cho hàng Việt trước 'sóng' thuế quan

May hàng xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty May Thái Nguyên. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Trước những biến động liên tục trong chính sách thuế quan của Hoa Kỳ và tình hình địa chính trị ngày càng phức tạp, xuất khẩu của Việt Nam đang chịu áp lực lớn. Trong đối sách đa dạng hoá thị trường, ngoài các thị trường ngách, tiềm năng thì EU - thị trường xuất khẩu lớn thứ hai đang trở thành "cửa chiến lược", điểm đến hấp dẫn của đa số doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để vượt rào cản pháp lý giúp đẩy mạnh xúc tiến hàng hoá vào EU, Việt Nam cần phải tái định vị vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tập trung củng cố nội lực, đồng thời tận dụng hiệu quả các lợi thế từ mạng lưới hợp tác quốc tế. Cùng đó, doanh nghiệp cần đa dạng nâng chất sản phẩm và thay đổi chiến lược đầu tư nhằm củng cố niềm tin và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Vượt lên tâm bão
Việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ra tuyên bố tạm hoãn thuế đối ứng áp dụng với các đối tác trong 90 ngày vào sáng ngày 10/4 (giờ Việt Nam) chính là cơ hội để Việt Nam trao đổi, đối thoại, đàm phán đồng thời với việc cơ cấu lại sản xuất, cơ cấu lại thị trường.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 753/QĐ-TTg về việc thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên được giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn.
Nhiệm vụ trọng tâm của Đoàn đàm phán là chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng kịch bản, phương án đàm phán với Hoa Kỳ về thỏa thuận thương mại đối ứng, bảo đảm nguyên tắc lợi ích quốc gia, dân tộc và chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích. Bên cạnh đó, tiến hành đàm phán với phía Hoa Kỳ nhằm đạt được thỏa thuận thương mại phù hợp, cân bằng, ổn định, bền vững, hiệu quả, tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi.
Thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp chủ động ứng phó với biến động thuế quan, chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách thuế như giãn, hoàn thuế; xây dựng để sửa các luật giảm thuế, phí, lệ phí trình Quốc hội; giảm tiền thuê đất, giảm chi phí tuân thủ… nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Cùng sự chủ động ứng phó, nỗ lực đàm phán, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, bước đi quan trọng tiếp theo đó là Việt Nam cần xác lập rõ chiến lược phát triển mang tính quyết định cho giai đoạn sắp tới.
Hơn nữa, cuộc chơi thương mại toàn cầu đã thay đổi nên Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường và sản phẩm để tránh phụ thuộc vào một thị trường lớn. Vì vậy, chiến lược sống còn trong giai đoạn tới là đa dạng hóa cả về thị trường lẫn ngành hàng và gia tăng giá trị đóng góp của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Không chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống Việt Nam cần mạnh dạn khai thác các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Nam Mỹ hay châu Phi. Mặt khác, cần tránh phụ thuộc quá mức vào một vài ngành hàng xuất khẩu chủ lực mà nên mở rộng ngành hàng Halal, chế biến sâu…
“Ngay cả khi chấp nhận quy mô xuất khẩu giảm nhưng nếu giá trị gia tăng trong xuất khẩu tăng lên, tăng trưởng vẫn có thể đạt được. Khi đó, lợi ích mang lại cho nền kinh tế vẫn được đảm bảo, đồng thời giảm thiểu rủi ro từ biện pháp thuế quan của nền kinh tế lớn”, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý - Vụ trưởng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu cho biết: Chính sách thuế mới của Hoa Kỳ tuy là một thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào Hoa Kỳ và các đơn hàng ngắn hạn. Thêm nữa, chuyển đổi mô hình cạnh tranh từ giá rẻ sang chất lượng, bền vững, truy xuất nguồn gốc nhằm định vị hàng Việt như giải pháp thay thế đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
“EU và Bắc Âu nhờ ổn định chính trị và khung hợp tác Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) đang nổi lên như cửa ngõ chiến lược cho xuất khẩu Việt Nam. Điều quan trọng là doanh nghiệp không chỉ vượt bão mà còn tận dụng cơ hội để tái định vị hàng Việt trên bản đồ thương mại toàn cầu không chỉ là rẻ mà còn là chất lượng xanh đáng tin cậy”, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý bày tỏ.
Định vị thị trường

May hàng xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty May Thái Nguyên. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Mới đây, tại Lễ ra mắt Sách Trắng 2025 ấn bản lần thứ 16 với chủ đề “Những ưu tiên chiến lược”, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Julien Guerrier gợi ý: EU và Việt Nam nên biến thách thức từ mức thuế quan mới của Hoa Kỳ thành cơ hội để tạo thêm lợi ích cho thương mại và đầu tư giữa hai bên.
Thời gian tới, hai bên có thể tiếp tục hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng như phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, kinh tế số, kinh tế xanh và tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo và chất bán dẫn. Đặc biệt, các chuyến thăm sắp tới của Ủy viên Thương mại EU Maroš Šefčovič, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tới Việt Nam cũng như việc nâng cấp quan hệ EU – Việt Nam sẽ là những cột mốc quan trọng để hai bên cùng nhau vạch ra con đường phát triển trong tương lai.
Chủ tịch EuroCham Việt Nam Bruno Jaspaert cũng thông báo rằng: Ngay khi Hoa Kỳ thông báo mức thuế đối ứng với Việt Nam, EuroCham đã thực hiện khảo sát và kết quả cho thấy, chưa có thành viên nào thông báo sẽ đóng cửa nhà máy tại Việt Nam. Đáng lưu ý, 1/4 công ty châu Âu cho biết chính sách thuế mới không ảnh hưởng đến lực lượng lao động. Khoảng 25% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đánh giá tác động ở mức trung lập – không tốt cũng không xấu. Thậm chí, gần 10% cho rằng chính sách thuế này có thể mang lại tác động tích cực.
“Việt Nam có một người bạn –EU đang ở trong cùng một chiếc thuyền và đang tìm kiếm thêm bạn bè. Vì vậy, hy vọng rằng điều tích cực trong cơn bão này chính là mối quan hệ đối tác ngày càng được củng cố giữa Việt Nam và EU.
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, nhằm chuẩn bị cho mục tiêu dài hạn là tiếp tục mở rộng sản xuất và xuất khẩu, May 10 đã dần chuyển dịch sang sản xuất xanh, bắt đầu từ đầu tư thiết bị tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời…
Ngoài ra, May 10 còn ký thỏa thuận với các nhà cung ứng nguyên vật liệu trong nước và quốc tế với mục tiêu tăng tỷ trọng sử dụng sợi tái chế trong sản phẩm, tăng sử dụng sợi hữu cơ đối với những sản phẩm mới để có thể đáp ứng yêu cầu về xanh hóa.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Minh – Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI) chia sẻ: Trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế toàn cầu đang chịu tác động mạnh mẽ từ các biến động chính trị và kinh tế, việc chuyển đổi xanh và số hóa không chỉ là xu hướng, mà đã trở thành điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp sản xuất duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh.
"Việc chuyển đổi xanh và số hóa không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu trong chiến lược phát triển và hội nhập của các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực", ông Nguyễn Đức Minh khẳng định.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng: Bên cạnh việc xây dựng chính sách hỗ trợ, Nhà nước cần phải kiến tạo năng lực thích nghi cho doanh nghiệp. Theo đó, tăng cường đầu tư vào hệ thông cảnh báo rủi ro thuế quan, cũng như các biến cố khác trên thế giới, giúp doanh nghiệp dự báo được những thay đổi chính sách của thị trường.
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần triển khai những chương trình, kế hoạch đào tạo chuyên sâu về thị trường, đổi mới mô hình sản xuất theo bộ tiêu chí ESG (môi trường - xã hội - quản trị) cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hình ảnh và độ nhận diện sản phẩm Việt trên trường quốc tế sẽ là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới.
“Việc đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn này không chỉ là hỗ trợ ngắn hạn để vượt qua các khó khăn thuế quan mà còn là một chiến lược phát triển bền vững. Đây cũng là cách để khẳng định vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từng bước xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và có khả năng thích nghi linh hoạt trước mọi biến động của thương mại toàn cầu”, ông Tô Hoài Nam cho hay.
Đưa ra lời khuyên với doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam khuyến nghị cần thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng phân tán rủi ro, mở rộng nhiều thị trường khác nhau. Bởi, việc doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường truyền thống khi xảy ra biến động về thuế quan cũng như các hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ dễ rơi vào thế bị động, không có phương án thích ứng, thay thế trong lúc cấp bách.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần tập trung đầu tư phát triển các dòng sản phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Đây là xu hướng tất yếu của tiêu dùng toàn cầu, đồng thời cũng giúp sản phẩm Việt dễ dàng vượt qua các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn khắt khe. Bởi nếu nắm bắt tốt, không chỉ là câu chuyện với thị trường EU, Việt Nam hoàn toàn có thể định vị được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thành nhà cung cấp chiến lược và được nhà đầu tư, người tiêu dùng coi trọng.