|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chiến lược đầu tư cổ phiếu theo EVFTA: Cơ hội không chia đều

15:00 | 02/07/2019
Chia sẻ
Lấy ví dụ từ việc lựa chọn cổ phiếu ngành dệt may, EVFTA mang lại cơ hội lớn nhưng chỉ có các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu khép kín “Sợi – Vải – May” và có đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU mới có khả năng khai thác tốt lợi thế cạnh tranh.

EVFTA – Lợi đơn, lợi kép cho doanh nghiệp

Ngày 30/6 vừa qua, tại Hà Nội, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) chính thức được ký kết. Sự kiện này không chỉ thu hút được sự quan tâm của những doanh nghiệp mà còn được những nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đặc biệt chú ý. 

Để làm rõ hơn về những tác động đến doanh nghiệp niêm yết trên thị trường, người viết có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Minh Tuấn, CEO CTCP Tư Vấn và Đào Tạo Biên An Toàn.

HMT2

Ông Huỳnh Minh Tuấn, CEO Biên An Toàn, Giám đốc Kinh doanh Chứng khoán VNDirect

Theo nhận định của ông Tuấn, khi EVFTA có hiệu lực sẽ giúp khoảng 99% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU được xóa bỏ thuế nhập khẩu. Trong đó, 71% mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được cắt giảm thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực và phần còn lại được cắt giảm thuế về 0% theo lộ trình kéo dài từ 3 - 7 năm. Điều này mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu rất lớn của các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang thị trường EU như: thủy sản, dệt may, gỗ…

Ở chiều ngược lại, EVFTA sẽ giúp 65% mặt hàng xuất khẩu từ EU sang Việt Nam cắt giảm thuế xuất khẩu ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. 35% mặt hàng xuất khẩu còn lại sẽ được giảm thuế theo lộ trình đến 10 năm. Sự gia tăng dòng thương mại từ EU sang Việt Nam nhờ hưởng lợi thuế quan tạo động lực tăng trưởng cho các nhóm ngành kết nối thương mại quốc tế, nổi bật là nhóm cảng biển, ông Tuấn đánh giá.

Chiến lược đầu tư cổ phiếu hưởng lợi từ EVFTA

Cổ phiếu doanh nghiệp cá tra - Doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chuẩn kĩ thuật từ EU

Phân tích rõ hơn với từng ngành hàng như đã nêu, tại ngành cá tra, năm 2018, xuất khẩu cá tra Việt Nam tăng mạnh từ kim ngạch 1,78 tỉ USD trong năm trước đó lên mức kỷ lục 2,26 tỉ USD, tương đương tỉ lệ tăng trưởng 26,4%. Trong 5 năm trước đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam chỉ dao động từ 1,5 đến 1,8 tỉ USD.

Phân chia theo thị tường, Mỹ, Trung Quốc và EU là ba thị trường lớn nhất, chiếm đến 57% về giá trị. Theo đó, xuất khẩu sang EU chiếm 10% tổng kim ngạch.

A34

Nguồn: Vĩnh Hoàn

Khi hiệp định EVFTA được kí kết, thuế xuất khẩu cá tra vào EU được cắt giảm. Theo đó, mức thuế này được giảm từ 5,5% xuống 0% theo lộ trình 3 năm, giúp cá tra Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh với cá Pollock, đặc biệt ở phân khúc "fish finger". Điều này đặt ra triển vọng cho những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và nhà đầu tư có thể quan tâm.

Tuy nhiên, thị trường EU đang có sự chuyển dịch trong xu hướng tiêu thụ thủy sản khi ưu tiên lựa chọn thực phẩm tự nhiên hơn và các sản phẩm chất lượng cao hơn. Do đó, các sản phẩm cá tra xuất vào thị trường này phải đáp ứng tiêu chuẩn ASC (Aquaculture Stewardship Council - Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản), ông Tuấn phân tích.

Cổ phiếu dệt may – Cơ hội không chia đều

Về sản phẩm dệt may, Mỹ và EU tiếp tục dẫn đầu trong năm 2018 với kim ngạch xuất khẩu trong năm lần lượt tăng 11,7% và 13,2%. Đây cũng là hai thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam trong những năm qua, với giá trị xuất khẩu dệt may năm 2018 lần lượt đạt gần 14 tỉ USD và 5,9 tỉ USD.

A45

EU là thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ hai tại Việt Nam. Nguồn: Vinatex

Theo quy định của hiệp định EVFTA, thuế xuất khẩu sản phẩm dệt may Việt Nam vào EU được cắt giảm theo lộ trình xuống 0% trong vòng 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Đây là sự ưu đãi thuế lớn nếu so với việc các doanh nghiệp dệt may đang phải chịu vùng thuế xuất khẩu dao động trong 6 - 12% tại thị trường EU.

Dù hiệp định EVFTA mang lại cơ hội cạnh tranh lớn cho ngành dệt may nhưng không phải nhà xuất khẩu nào cũng có thể tận dụng lợi thế thương mại này, ông Tuấn đánh giá.

Theo quy định về nguồn gốc xuất xứ của EVFTA, vải xuất khẩu phải có nguồn gốc từ Việt Nam, khối EU hoặc một quốc gia đã ký FTA với khối EU thì doanh nghiệp dệt may xuất khẩu mới đủ điều kiện được miễn giảm thuế theo quy định của hiệp định. Vì vậy, chỉ có các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu khép kín "Sợi – Vải – May" và có đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU mới có khả năng khai thác tốt lợi thế cạnh tranh từ hiệp định này.

Xét về thị trường xuất khẩu của một số doanh nghiệp dệt may niêm yết, May Thành Công (Mã: TCM) hiện xuất khẩu 3% vào EU, thấp hơn đáng kể so với Hàn Quốc (31%) và Nhật Bản (18%). Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại có điểm mạnh khi sở hữu chuỗi sản xuất khá hoàn thiện, bao gồm bốn khâu sợi, dệt, nhuộm và may. Đây là ưu thế không có nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam có được.

Một doanh nghiệp khác là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, Mã: VGT) là doanh nghiệp lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam, sở hữu chuỗi sản xuất trải rộng tại các khâu sợi, dệt, nhuộm và may. Đây là điểm hỗ trợ giúp Vinatex đạt lợi thế cạnh tranh trong quá trình đón đầu ưu đãi thuế quan từ EVFTA. Được biết, Vinatex cũng đang đang đầu tư xây dựng nhà máy Sợi Nam Định và nhà máy Liên hợp Sợi – Dệt – Nhuộm – May tại Quảng Nam.

Cổ phiếu Cảng biến – Hướng đến tăng trưởng trung và dài hạn

Ngành Cảng biển được đánh giá là một trong các nhóm ngành có dư địa tăng trưởng trung dài hạn nhờ hưởng lợi từ nhiều yếu tố cộng hưởng như chiến tranh thượng mại và các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Khi hiệp định EVFTA được kí kết, cộng hưởng cùng hiệp định CPTPP có hiệu lực sẽ thúc đẩy dòng chảy thương mại hai chiều giữa Việt Nam và nhóm quốc gia thuộc khối EU, hỗ trợ thúc đẩy nhu cầu vận tải hàng hóa và logistic, ông Huỳnh Minh Tuấn phân tích thêm.

Về loại hình vận chuyển, phương thức hàng không dù đạt mức tăng trưởng cao trong nhiều năm trở lại nhưng tốc độ mở rộng mạng lưới vận tải hàng không chưa thể đáp ứng kịp để san sẻ gánh nặng với vận tải đường thủy. Theo Tổng cục thống kê Việt Nam, giá trị hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy chiếm bình quân 55% tổng giá trị vận chuyển hàng hóa và đạt mức tăng trưởng kép hàng năm 11%.

cảng Hải Phòng

Cổ phiếu cảng biển được dự báo hưởng lợi trung và dài hạn từ EVFTA. Ảnh minh họa

Cụ thể hơn về khu vực, theo ông Tuấn phân tích, khả năng hấp thụ tăng trưởng ngành sẽ có sự phân hóa mạnh về tính cạnh tranh, với lợi thế nghiêng về khu vực cảng Hải Phòng (miền Bắc) và Cái Mép (miền Nam). Khu vực cảng Hải Phòng và Cái Mép là hai nhóm cảng biển chủ lực của miền Bắc và miền Nam nhờ mạng lưới cảng biển đa dạng. 

 Nhiều cảng biển đang và sẽ được đưa vào khai thác giúp hai nhóm cảng biển có đầy đủ công suất vận hành cần thiết để đón đầu tăng trưởng ngành. Ngoài ra, khả năng cạnh tranh còn xuất phát từ ưu thế sàn giá cước xếp dỡ container của hai nhóm cảng này được điều chỉnh tăng kể từ năm 2019.

Phan Quân