Chiếm lĩnh thị trường tín dụng nông thôn, đẩy lùi tín dụng đen
P2P nhuốm màu trong tín dụng đen |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Yêu cầu này được Phó Thủ tướng đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2019 diễn ra sáng nay.
Đại diện Bộ Công an cho biết Bộ này đang nắm số liệu trên giấy tờ về quy mô tín dụng đen ở nông thôn là khoảng hơn 1.000 tỷ đồng nhưng thực chất thì nhiều hơn với các hình thức hụi, họ. Bộ Công an đang tích cực triệt phá, xử lý các hình thức cho vay nặng lãi ở nông thôn, đồng thời đề nghị các ngành chức năng liên quan cũng cần vào cuộc để xử lý hiệu quả.
Là cơ quan gắn chặt với tín dụng vi mô ở vùng nông thôn, miền núi, Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai 20 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ hiện tại đạt 187.792 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cuối năm 2017, với 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, làm ăn.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Dương Quyết Thắng cho biết tín dụng chính sách đã góp phần giảm mạnh tỉ lệ hộ nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới, miền núi hay các vùng nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho biết tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới, có nhiều hộ đã thoát nghèo nhưng vẫn có nhu cầu vay vốn từ ngân hàng chính sách nên nảy sinh bất bình đẳng khi áp dụng mức lãi suất của hộ nghèo. Bên cạnh đó, số hộ vay tăng lên dẫn đến ngân sách Nhà nước phải cấp bù tăng theo. Với cơ chế tự huy động để cho vay và các địa phương tăng cường uỷ thác vốn tại NHCSXH, ông Dương Quyết Thắng đề nghị sửa Nghị định của Chính phủ theo hướng nâng mức lãi suất cho vay với hộ thoát nghèo để NHCSXH bảo đảm nguồn lực thực hiện, đồng thời góp phần không để hộ nghèo, hộ thoát nghèo dính tới tín dụng đen.
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Ông Dương Quyết Thắng cũng cho biết Hội đồng Quản trị sẽ họp và quyết định đề xuất nâng mức cho vay với hộ nghèo ở Tây Nguyên vì nhu cầu vay vốn canh tác lớn và mức cho vay với hộ dân tộc đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 31/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lên trên 50 triệu đồng.
Ông Thắng cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng mức hỗ trợ cho vay đối với học sinh, sinh viên từ mức 1,5 triệu đồng lên 2,5 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết trong số 20 chương trình tín dụng của NHCSXH sẽ đánh giá chương trình nào đã hoàn thành nhiệm vụ thì thu gọn lại để tập trung tín dụng cho vay các hộ nghèo, cận nghèo với mức lãi suất không cấp bù từ ngân sách Nhà nước mà từ nguồn lực của NHCSXH.
Bên cạnh Ngân hàng Chính sách xã hội thì Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có gói tín dụng 20.000 tỷ đồng tiêu dùng và năm 2019 đã quyết định tăng thêm 5.000 tỷ đồng cho vay tín chấp ở nông thôn theo hướng: Sáng vay-Chiều nhận tiền để giúp người dân thoát khỏi tín dụng đen.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Nghị quyết số 01/NQ-CP đã nêu rõ “có giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen”. Với các công cụ tài chính và pháp chế như hiện nay, ngành ngân hàng và các bộ, ngành liên quan cần chiếm lĩnh trận địa, đẩy lùi tín dụng đen ở nông thôn.