|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

P2P nhuốm màu trong tín dụng đen

15:15 | 01/01/2019
Chia sẻ
Hình thức vay ngang hàng có thể bị lợi dụng trong cơn bão tín dụng đen.
p2p nhuom mau trong tin dung den

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị trực tuyến trên 63 tỉnh thành, triển khai Nghị định 116/2018 của Chính phủ về chính sách phục vụ phát triển tín dụng nông nghiệp nông thôn, nhưng đặc biệt hơn trong số đó là các giải pháp của ngành ngân hàng để hạn chế tín dụng đen.

Tín dụng ngầm

Báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tín dụng đen ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Thống kê cho thấy cơ quan chức năng đã tham gia xử lý 218 vụ việc ở 16 tỉnh thành. Các con số này chưa kể đến hàng trăm tỉ đồng vỡ nợ ở nhiều thành phố khác. Theo ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đen được hiểu là các tổ chức, cá nhân có hoạt động cho vay không được cấp phép với lãi suất rất cao so với quy định, hay còn gọi là cho vay nặng lãi. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, trong 4 năm gần đây, trên toàn quốc xảy ra khoảng 7.624 vụ phạm tội liên quan tới tín dụng đen.

p2p nhuom mau trong tin dung den

Tuy nhiên, khái niệm tín dụng đen như trên xem ra vẫn chưa đầy đủ. Để bao trùm một khu vực tín dụng khác có quy mô rộng lớn hơn, chúng ta có thể gọi là tín dụng ngầm, hay còn gọi là tín dụng phi chính thức. Các hoạt động này phổ biến có thể kể đến như góp hụi, chơi huê, hay thậm chí cả tiệm cầm đồ. Năm 2015, một ước tính sơ khảo của chuyên gia Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho thấy quy mô tín dụng ngầm ước khoảng 30% GDP, tương đương với gần 50 tỉ USD.

p2p nhuom mau trong tin dung den

Ước tính tín dụng đen đang cho vay khoảng 2.500 tỉ đồng, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tung ra gói tín dụng 5.000 tỉ đồng giao cho Agribank triển khai để phục vụ nhu cầu vay cấp bách của người dân.

Rủi ro từ P2P

Một điểm đáng chú ý khác là sự phát triển của công nghệ kéo theo sự phát triển của các tín dụng ngầm kiểu mới cũng khiến cơ quan chức năng đau đầu không kém, đó là các hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending). Nhờ tiết giảm khâu trung gian là ngân hàng thương mại, các nền tảng trung gian dựa vào công nghệ đã kết nối trực tiếp giữa các bên với nhau, giống như Uber hay Grab.

Cho vay ngang hàng trong thời gian qua nở rộ vì tính dễ dàng, xét duyệt nhanh chóng. Theo quảng cáo, một công ty hoạt động theo mô hình P2P mới thành lập ở Việt Nam vào đầu năm, nhưng hiện đã có khoảng 2.000 đơn xin vay mỗi ngày. “Điều này chứng tỏ rằng nhu cầu vay vốn là có thực”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhấn mạnh.

p2p nhuom mau trong tin dung den

Thế nhưng, nhiều chuyên gia cảnh cáo rằng hình thức cho vay P2P rất rủi ro với tất cả các bên tham gia, kể cả bên cho vay lẫn người vay. Mặc dù được quảng bá lãi suất thấp, nhưng cộng gộp nhiều loại phí khác nhau, có thể trở thành khoản vay nặng lãi.

Bài học thấy rõ nhất là tình hình ở thị trường Trung Quốc. Ngành công nghiệp cho vay P2P có trị giá lên đến 192 tỉ USD hiện đang chao đảo vì nhiều công ty vỡ nợ. Lý do là người đi vay mất khả năng thanh toán, người cho vay ồ ạt rút tiền. Ở nhiều quốc gia, P2P vẫn có chỗ đứng, nhưng mô hình lại khác. Chẳng hạn, ở Mỹ hay Anh, mô hình này vận hành dưới dạng nhà đầu tư sẽ rót tiền đầu tư vào công ty, sau đó công ty này lấy tiền cho vay, thường là khoản vay thế chấp mua tài sản, hoặc những khoản vay có quy mô nhỏ đến doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp.

Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tuýt còi mô hình cho vay P2P. Theo đó, hoạt động cho vay này có thể gây thiệt hại lớn cho các bên tham gia vì quảng cáo không minh bạch về lợi nhuận, đưa thông tin không chính xác về mức độ rủi ro, hay lãi suất cao phi thực tế. “Người cho vay có thể mất tiền, khó truy đòi trách nhiệm từ các công ty cung ứng nền tảng cho vay P2P”, báo cáo viết.

Nguy hiểm hơn, một số đối tượng ẩn danh và núp bóng giao dịch trên các nền tảng cho vay P2P để trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố, hoặc biến tướng để huy động tài chính đa cấp khiến người cho vay, người đi vay trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo, chiếm dụng vốn bất hợp pháp, hoặc nhiều đối tượng cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen núp bóng.

Thanh Phong