Chiếc bánh mỳ kẹp thịt hé lộ sức mạnh tiềm ẩn của nền kinh tế Mỹ
Kinh nghiệm của một nhà hàng
Khi khách bước vào nhà hàng Chicken & Waffles ở San Diego và thèm món bánh mì kẹp gà rán bơ hoặc một chiếc burrito kẹp thịt, họ có thể gọi món thông qua nhân viên hoặc máy tính bảng.
Ông Genemo Ali, chủ nhà hàng, nhận thấy sự kết hợp nói trên đã giúp Chicken & Waffles có thêm đơn hàng và khách hàng. Giờ đây, nếu nhân viên thu ngân không kịp giúp khách, đầu bếp của ông không cần rời vị trí để lấy đơn nữa.
Ông Ali ước tính nếu không tích hợp hệ thống máy móc, số khách hàng mà quán ông phục vụ được sẽ giảm ít nhất một nửa. Ông bình luận: “Công nghệ giúp nâng cao chất lượng chứ không cướp mất việc làm của con người”.
Các khoản đầu tư vào công cụ, thiết bị và công nghệ mà các doanh nghiệp như Chicken & Waffles đã thực hiện trong vài năm qua đang bắt đầu tạo ra lợi ích trên toàn bộ nền kinh tế Mỹ.
Người lao động trên toàn quốc sản xuất được nhiều hơn trong mỗi giờ làm việc. Năng suất tăng vọt chính là nền tảng cho đà tăng trưởng phi thường của nền kinh tế số một thế giới, ngăn nước Mỹ rơi vào suy thoái.
COVID-19 là bước ngoặt đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, đòi hỏi mọi người phải tìm cách để thích ứng với hoàn cảnh mới.
Đại dịch đã thúc đẩy những cơ sở kinh doanh như của ông Ali tăng tốc độ vận hành bằng các công nghệ hỗ trợ, nhà bán lẻ tăng cường các công cụ mua sắm và dân văn phòng áp dụng các mô hình làm việc từ xa để kết nối với đồng nghiệp.
Những sự thay đổi trên đã cải thiện năng suất ở nơi công sở và giúp các công ty tăng lợi nhuận ngay cả trong giai đoạn rối ren.
Kết quả là nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng bền bỉ, đi ngược với các cảnh báo về suy thoái. Tuy nhiều nhà kinh tế dự kiến tốc độ tăng trưởng của Mỹ sẽ hạ nhiệt, năng suất lao động được cải thiện có thể giúp Mỹ tránh được sự đình trệ.
Năng suất tạo ra phép màu kinh tế
Trong giai đoạn 2020 - 2023, trung bình mỗi năm năng suất lao động của Mỹ tăng trưởng với tốc độ 1,6%, số liệu đã điều chỉnh cho biến động trong đại dịch. Con số này cao hơn mức trung bình 1,2% trong thập niên 2010.
Song, trong giai đoạn 1995 - 2005, tốc độ tăng trưởng năng suất trung bình hàng năm của Mỹ lên tới 2,8%. Kết quả này có được là nhờ vào sự phổ biến của máy tính, mạng internet và gia tăng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Các nhà kinh tế thường nghiên cứu năng suất lao động trong giai đoạn dài hàng thập kỷ. Nhưng dữ liệu của nửa sau năm 2023 mạnh mẽ đến mức không thể ngó lơ. Ước tính năng suất lao động của Mỹ tăng 3,3% trong quý IV năm ngoái, giúp nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng Mỹ đang bước vào thời kỳ tăng trưởng cao mới.
Ông Edward Yardeni, Giám đốc của hãng nghiên cứu Yardeni Research, cho biết sản lượng thực tế tăng là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp Mỹ thoát nguy cơ suy thoái vào năm ngoái. Ông bình luận: “Năng suất lao động giống như một thứ bột thần tiên của nền kinh tế”.
Động lực của tăng trưởng năng suất
Một trong những yếu tố chính thúc đẩy năng suất tại Mỹ là các khoản đầu tư từ khu vực kinh tế công và tư nhân.
Bà Olivia White, Giám đốc Viện Toàn cầu của McKinsey, cho biết 5 công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ là Alphabet, Amazon, Apple, Meta và Microsoft đã đầu tư tổng cộng 400 tỷ USD trong năm 2023, một nửa trong số đó dành cho nghiên cứu và phát triển.
Lịch sử cho thấy các khoản đầu tư - đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ - là yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng năng suất. Khi đầu tư sụt giảm sau khủng hoảng tài chính năm 2008, tốc độ tăng trưởng năng suất của Mỹ cũng sa sút.
Những yếu tố khác thúc đẩy năng suất bao gồm sự thay đổi trong thị trường lao động và sự hình thành của các doanh nghiệp mới. Do nguồn cung lao động không theo kịp nhu cầu, các doanh nghiệp buộc phải tìm cách xoay xở với ít nhân viên hơn.
Ví dụ, Starbucks đã đầu tư mạnh tay vào số hóa chuỗi cung ứng và vận hành các cửa hàng cà phê từ năm 2019. Tháng 11 năm ngoái, Starbucks báo cáo những thay đổi này đã giúp năng suất lao động tăng trưởng 30%.
Tiềm năng của AI và công nghệ
Các khoản đầu tư từ khu vực công và tư, cùng với những công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), có thể giúp năng suất tăng trưởng hơn nữa.
Goldman Sachs dự đoán tác động của AI có thể giúp tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ đi lên thêm 2,3% vào năm 2034. Mới chỉ có khoảng 3,9% doanh nghiệp trên toàn nước Mỹ sử dụng AI để sản xuất hàng hóa và dịch vụ, theo khảo sát tháng 11 của Cục Điều tra Dân số Mỹ.
Nhưng 87% doanh nghiệp tư nhân do Delotte khảo sát kỳ vọng AI sẽ giúp họ cải thiện năng suất lao động trong ba năm tới.
Những sáng kiến khác cũng có thể cải thiện năng suất, bao gồm năng lượng xanh, robot và điện toán đám mây. Chuyên gia White của McKinsey bình luận: "Chúng ta có thể sẽ rất tập trung vào AI tạo sinh, nhưng chắc chắn nó không phải là công nghệ duy nhất giúp tăng năng suất trong tương lai”.