‘Chỉ số năng lực logistics giảm 16 bậc trong 2 năm, Việt Nam đang mất lợi thế cạnh tranh’
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Logistics phải có vai trò quan trọng trong cơ cấu lại nền kinh tế |
'Logistics hoàn toàn có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn' |
Tại Diễn đàn Logisstics Việt Nam 2017, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia – Ngân hàng Thế giới (WB) thông tin, hơn 20 năm qua Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) hơn bất kỳ nước nào trong khu vực và trở thành một trong những nền kinh tế hội nhập sâu rộng nhất trên thế giới.
Tỷ trọng kim ngạch thương mại trên GDP đạt hơn 170%; tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đạt bình quân 15% trong 5 năm qua (cao gần gấp 5 lần tăng trưởng toàn cầu). Việt Nam đang nổi lên thành một trung tâm sản xuất công nghiệp toàn cầu, thu hút đến 35 tỷ USD vốn FDI vào năm 2017.
Giám đốc Quốc gia WB cho biết, thứ hạng của Việt Nam theo chỉ số năng lực logistics (LPI) đã giảm từ hạng 48 vào năm 2014 xuống hạng 64 vào năm 2016. (Ảnh: VnEconomy) |
Nhưng dù tăng trưởng xuất khẩu đã tăng mạnh nhưng Việt Nam vẫn chỉ thực hiện những công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, kết quả xuất nhập khẩu (XNK) vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI (chiếm đến 70% tổng giá trị). Trong khi chi phí XNK của Việt Nam vẫn cao hơn mức bình quân của khối Asean. Chi phí logistics của Việt Nam chiếm 18% tỷ trọng GDP, cao gần gấp đôi các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu 14%.
“Thứ hạng của Việt Nam theo chỉ số năng lực logistics (LPI) đã giảm từ hạng 48 vào năm 2014 xuống hạng 64 vào năm 2016. Điều này chứng tỏ các nền kinh tế khác đang có sự thăng tiến nhanh hơn nhiều so với Việt Nam, đồng nghĩa với việc Việt Nam đang mất đi lợi thế cạnh tranh”, ông Dione nói.
Việt Nam cần giải pháp để nâng cao hiệu quả XNK để hướng đến mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Chính phủ cũng như khối tư nhân cần có lộ trình rõ ràng về cải cách nếu muốn nâng cao chất lượng dịch vụ logistisc.
Giám đốc Quốc gia của WB nêu ý kiến, trong nhiều lĩnh vực sẽ cần có những nhóm giải pháp để bổ sung cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng. Nội dung chĩnh của các nhóm giải pháp gồm: tăng cường kết nối; tăng cường tạo điều kiện thuận lợi thương mại; phối hợp, cộng tác liên ngành với doanh nghiệp và theo dõi, đo lường tiến độ cải cách.
Cũng nói về tình hình phát triển ngành logistics Việt Nam, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết: “Tổng chi phí logistisc của Việt Nam năm 2016 là 40,3 tỷ USD, tương đương 20% GDP. Doanh thu của 100 công ty logistics hàng đầu Việt Nam năm 2016 là 8,74 tỷ USD , tốc độ tăng trưởng đạt 15,6%. Số lượng doanh nghiệp logistics hiện khoảng 3.000 doanh nghiệp và hiện Hiệp hội VLA có 338 hội viên”.
Chủ tịch VLA nêu kế hoach đến 2025, Hiệp hội đặt mục tiêu hoạt động để ngành logistics đạt tốc độ tăng trưởng từ 15 – 20%, tỷ trọng đóng góp vào GDP đạt 8 – 10%, tỷ lệ thuê ngoài 50 – 60%, chi phí logistics/GDP dao động trong khoảng từ 16 – 20% và chỉ số LPI của Việt Nam sẽ thuộc top 50 của thế giới.
Hiệp hội vạch ra kế hoạch này dựa trên cơ sở từ nay đến năm 2025, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định, chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động logistics, trong khi cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ (Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát triển cao tốc Bắc – Nam từng giai đoạn, phát triển sân bay quốc tế Long Thành, năm 2018 cảng Lạch Huyện sẽ đi vào hoạt động và phát triển cao tốc Viên Chăn – Hà Nội, Nông Pênh – TP HCM...).