|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chỉ số 124 năm tuổi: Dow Jones đã già nhưng vẫn còn dẻo dai

08:52 | 26/05/2020
Chia sẻ
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones từng nhiều lần bị cho là đã lỗi thời và không còn phù hợp với thị trường chứng khoán hiện đại nhưng trong thời dịch hiện nay, Dow Jones tỏ ra vẫn có những ưu thế đặc biệt của mình.
Chỉ số 124 năm tuổi: Dow Jones đã già nhưng vẫn còn dẻo dai - Ảnh 1.

Chỉ số Dow Jones (DJIA) thừa công nghiệp nhưng thiếu công nghệ. Ảnh minh họa: Bloomberg.

Chỉ số chứng khoán của thế hệ ông cha

Tuần này, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (DJIA) kỉ niệm sinh nhật lần thứ 124. Được thành lập vào ngày 26/5/1896, Dow Jones có 30 cổ phiếu thành viên, tất cả đều thuộc nhóm "bluechip" danh tiếng trong nền kinh tế Mỹ. Trong khi các chỉ số khác được tính toán theo trọng số là vốn hóa, Dow Jones lại lấy trọng số là giá cổ phiếu.

Những đặc tính này từng làm dấy lên cuộc tranh luận về việc phải chăng chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã lỗi thời và không còn mang tính đại diện cho thị trường chứng khoán và nền kinh tế nói chung. Trong thế kỉ 21 và thời dịch COVID-19, những lo ngại về tính hợp lí của Dow Jones lại càng trở nên bức thiết.

Người già thường chậm bắt nhịp với công nghệ mới và chỉ số lâu đời như Dow Jones cũng đang tụt lại về công nghệ.

Bloomberg dẫn lời ông John Ham – Chuyên gia tư vấn tại New England Investment and Retirement nhận định: "Dow Jones đã lỗi thời từ nhiều năm nay nhưng vẫn được dùng rộng rãi vì nó quen thuộc với nhiều người. Xét về mức độ phù hợp với thị trường, Dow Jones là chỉ số của thế hệ ông cha chúng ta rồi".

Hiếm có khi nào mà các chỉ số lại biến động khác biệt nhau như hiện nay. Dịch COVID-19 bùng phát khiến cho các doanh nghiệp công nghệ đột nhiên được ưa chuộng hơn trước và nhóm cổ phiếu này cũng bứt phá.

Do có tỉ trọng công nghệ thấp, Dow Jones hiện nay vẫn thấp hơn 14% so với ngày đầu năm 2020; ở đáy của năm, Dow Jones giảm tới 35%. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq 100 đã tăng 7% so với đầu năm. Chỉ số S&P 500 hiện cũng chỉ giảm 9%.

Chỉ số 124 năm tuổi: Dow Jones đã già nhưng vẫn còn dẻo dai - Ảnh 2.

Dù vậy cũng phải chỉ ra rằng Dow Jones từng nhiều lần bị cho là lỗi thời nhưng sau đó lại vươn lên mạnh mẽ. Chưa kể việc các chỉ số chênh lệch nhau trong ngắn hạn là hiện tượng hết sức phổ biến. Trong dài hạn, các chỉ số thường theo nhau tương đối sát.

Ông Howard Silverblatt – Chuyên gia phân tích chỉ số tại S&P Dow Jones Indices nhận định: "Đúng là Dow Jones đã rất già rồi. Nếu bây giờ bạn xây dựng một chỉ số thì bạn sẽ tạo ra một chỉ số rất khác biệt. Nhưng Dow Jones đã vận hành tốt trong suốt 124 năm, hiện nay cũng vậy. Tuy số cổ phiếu thành viên rất nhỏ nhưng Dow Jones vẫn theo sát biến động của chỉ số lớn hơn như S&P 500".

Không theo kịp công nghệ mới

Tất nhiên không phải chỉ số nào tăng mạnh hơn là chỉ số đó tốt hơn. S&P 500 khởi sắc hơn so với Dow Jones trong năm 2020 không có nghĩa là S&P 500 hữu ích hơn Dow Jones.

Thay vào đó, sự chênh lệch giữa các chỉ số cho thấy lĩnh vực nào trong nền kinh tế đang ăn nên làm ra trong thời phong tỏa vì dịch bệnh, cụ thể với trường hợp này là các hãng dịch vụ trực tuyến và doanh nghiệp được tự động hóa như Amazon hay Netflix.

Sự chênh lệch giữa các chỉ số cũng ảnh hưởng tới những nhà đầu tư đổ tiền vào các quĩ chỉ số liên quan. Theo dữ liệu của công ty S&P Dow Jones Indices, hiện có khoảng 11.200 tỉ USD được neo theo biến động của chỉ số S&P 500, và khoảng 4.600 tỉ USD nằm trong các loại tài sản được quản lí thụ động theo chỉ số này.

Trong khi đó, có khoảng 31,5 tỉ USD được neo theo chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và 28,2 tỉ USD trong các loại tài sản được quản lí thụ động.

Do sự thống trị của lĩnh vực công nghệ, sự khác biệt giữa các chỉ số ngày càng trở nên rõ ràng. Theo dữ liệu của Bloomberg, chỉ số Nasdaq Composite (thiên về cổ phiếu công nghệ) tăng mạnh hơn chỉ số Dow Jones hơn 100 điểm cơ bản trong 17 phiên giao dịch trong chưa đầy 5 tháng đầu năm nay – nhiều hơn so với nguyên cả năm trong giai đoạn 2009-2019.

Đa số sự chênh lệch này đến từ những cổ phiếu không góp mặt trong Dow Jones. Một ví dụ điển hình là Amazon, từ đầu năm đến nay cổ phiếu đại gia công nghệ và bán lẻ này đã tăng 35% và đóng góp gần một nửa mức tăng của Nasdaq Composite. 

Tuy nhiên Amazon lại có giá cao tới 2.500 USD/cp nên chắc chắn sẽ không thể góp mặt trong một chỉ số tính trọng số theo giá như Dow Jones; tầm ảnh hưởng của Amazon sẽ quá lớn so với các cổ phiếu khác có giá đơn vị nhỏ hơn.

Các cổ phiếu khác phất lên trong thời gian người dân ở yên trong nhà như Nvidia, Netflix và PayPal cũng không phải là thành viên của Dow Jones. So với đầu năm, ba cổ phiếu này đều đã tăng ít nhất 30%.

Ông Ryan Detrick, Chuyên gia chiến lược thị trường tại LPL Financial nói: "Nếu chỉ theo dõi chỉ số Dow Jones, nhà đầu tư sẽ bỏ lỡ những nhóm cổ phiếu quan trọng trên thị trường".

Việc sử dụng trọng số là giá cổ phiếu khiến cho Dow Jones bỏ qua những doanh nghiệp thuộc hàng lớn nhất trên thế giới, ngoài cổ phiếu Amazon với giá 2.500 USD/cp như vừa nói ở trên còn phải kể đến Alphabet (công ty mẹ của Google) với giá hơn 1.400 USD/cp. Nếu được đưa vào Dow Jones thì các cổ phiếu công nghệ này sẽ chiếm tỉ trọng quá lớn.

Việc lựa chọn cổ phiếu thành viên Dow Jones được thực hiện bởi một ủy ban chứ không phải theo các tiêu chí định lượng cứng. Theo website của tổ chức cung cấp chỉ số, Dow Jones đặt mục tiêu duy trì "tính đại diện hợp lí của các ngành kinh tế" và ưu tiên những doanh nghiệp "có danh tiếng, tăng trưởng bền vững và được nhiều nhà đầu tư quan tâm".

Hệ quả là một công ty như hãng sản xuất máy bay Boeing có tầm ảnh hưởng tới Dow Jones mạnh hơn cả hãng công nghệ lớn thứ 4 nước Mỹ là Alphabet đối với chỉ số S&P 500.

Trong khi Alphabet tăng phi mã thì cổ phiếu Boeing lại lao dốc 60% so với đầu năm, điều này phần nào giải thích việc Dow Jones tụt lại so với các chỉ số khác.

Với tên gọi 'chỉ số trung bình công nghiệp', các cổ phiếu công nghiệp đóng góp tới 13% của Dow Jones, cao hơn 5 điểm % so với trọng số của ngành này trong S&P 500 và cao hơn 11 điểm % so với Nasdaq Composite.

Dow Jones - chỉ số của nền kinh tế thực

Trong thời COVID-19 khi lệnh phong tỏa được áp dụng, nhiều nhà máy sản xuất phải đóng cửa còn các nền tảng trực tuyến lại ngày càng trở nên phổ biến. Cổ phiếu công nghiệp do vậy tụt lại rất xa so với các nhóm ngành khác, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao.

Nhưng sự khác biệt này lại cho chúng ta một cách nhìn khác về các chỉ số: Dow Jones có lẽ là thước đo mang tính đại diện nhất cho nền kinh tế chung bởi vì nó không bị chi phối bởi các tập đoàn vốn hóa siêu khủng. 

Cổ phiếu Amazon và Netflix tăng phi mã chắc chắn không phản ánh đúng thực trạng 38 triệu lao động Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp trong 8 tuần cũng như sự sa sút trong chi tiêu tiêu dùng.

S&P 500 và Nasdaq Composite có thể được xây dựng theo phương pháp tối ưu cho thời kì kinh tế phong tỏa và người dân ở nhà, nhưng Dow Jones thì không.

Ông Nela Richardson, Chuyên gia chiến lược đầu tư tại Edward Jones nhận định: "Đại dịch COVID-19 đang khuếch đại mọi sự bất bình đẳng trong nền kinh tế. Sự chênh lệch giữa các chỉ số với phân bổ nhóm ngành khác nhau cũng được khuếch đại. Giai đoạn hồi phục hiện nay chỉ tập trung vào một vài doanh nghiệp. Đa phần các cổ phiếu vẫn chìm trong thị trường gấu".

Đức Quyền - Song Ngọc