Chứng khoán Mỹ đi xuống khi căng thẳng với Trung Quốc leo thang
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 102 điểm, tương đương 0,4% và đóng cửa ở 24.474 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 0,8% và 1%.
Cổ phiếu của đại gia công nghệ Amazon giữa phiên lập đỉnh mới nhưng đóng cửa giảm 2,1%. Netflix giảm 2,6%, Alphabet và Apple cũng kết phiên trong sắc đỏ.
Cuối ngày 20/5, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài – chủ yếu là Trung Quốc – phải tuân thủ các qui định kế toán của Mỹ. Nếu không, doanh nghiệp sẽ bị hủy niêm yết hoặc không được phép đăng kí niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.
Các cổ phiếu Trung Quốc đang giao dịch tại Mỹ như Alibaba và JD.com giảm lần lượt 2,1% và 3,2% trong phiên 21/5.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng tweet chỉ trích thậm tệ phản ứng chống dịch COVID-19 của Trung Quốc, cho rằng "chính sự kém cỏi của Trung Quốc" đã làm hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới chết vì đại dịch.
Cùng ngày 21/5, ông Trump tiếp tục đăng tweet tố Trung Quốc tung thông tin giả ở Mỹ và châu Âu để đánh lừa dư luận. Tổng thống Mỹ còn cho rằng chính Chủ tịch Tập Cận Bình là người phải chịu trách nhiệm về những hành động sai trái của Trung Quốc.
Trong một diễn biến khác, Bộ Lao động Mỹ ngày 21/5 cho biết trong tuần kết thúc ngày 16/5 nước này có thêm 2,4 triệu người xin trợ cấp thất nghiệp. Trong vòng hai tháng kể từ khi nước Mỹ bắt đầu phong tỏa để chống dịch cho đến nay đã có tổng cộng hơn 38 triệu người xin trợ cấp mất việc làm, con số cao chưa từng thấy trong lịch sử.
Số người thất nghiệp và được nhận trợ cấp trong ít nhất hai tuần là 25,07 triệu, cũng là mức cao chưa từng thấy. Mặc dù vậy, số đơn xin trợ cấp những tuần gần đây đã giảm xuống so với trước đó.
Ông Michael Arone, Giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty tư vấn State Street Global Advisors nhận xét: "Số liệu thất nghiệp hôm nay vẫn cho thấy thị trường lao động sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Cộng thêm việc căng thẳng Mỹ - Trung leo thang và thị trường đã tăng mạnh đầu tuần này, việc các chỉ số đi xuống trong phiên hôm nay (21/5) là dễ hiểu".
Ông Paul Ashworth, Trưởng nhóm kinh tế Mỹ tại tổ chức nghiên cứu Capital Economics nói: "Việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa vẫn chưa khiến doanh nghiệp gọi người lao động trở lại làm việc. Có rất ít bằng chứng cho thấy hoạt động mở cửa trở lại nền kinh tế giúp số việc làm hồi phục nhanh chóng".
Tuy giảm sút trong phiên vừa qua, tính từ đầu tuần đến nay ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều tăng ít nhất 3%.