|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ đi lên khi nền kinh tế đi xuống, tưởng tin vui nhưng lại hóa tin buồn

06:48 | 17/05/2020
Chia sẻ
Nhiều người cho rằng việc chứng khoán Mỹ tăng điểm trong thời gian gần đây là do các nhà đầu tư tự tin rằng nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng. Nhưng thực tế, các dấu hiệu trên thị trường lại cho thấy suy thoái sẽ còn kéo dài.
Chứng khoán Mỹ đi lên khi nền kinh tế đi xuống, tưởng tin vui nhưng lại hóa tin buồn - Ảnh 1.

Nhà đầu tư trên Sàn giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: CNN

Trong suốt cả tháng, cả thế giới đã thắc mắc vì sao các chỉ số chứng khoán chính lại có thể tăng cao đến vậy trong khi một cuộc Đại Khủng hoảng đang rất cận kề?

Câu trả lời thường xoay quanh các nhà đầu tư: họ đang trông chờ vào một cuộc phục hồi. Nhưng vẫn còn một cách lí giải khác cho hiện tượng có vẻ bất thường này: các nhà đầu tư đang dự đoán kinh tế sẽ đình trệ trong nhiều tháng trời.

Đây là một quan điểm khác biệt, khác hẳn với niềm tin thông thường rằng thị trường chứng khoán đi lên và đi xuống theo triển vọng tăng trưởng. Nhưng theo một số nhà quan sát thị trường, diễn biến tích cực của cổ phiếu các công ty công nghệ và dược phẩm có thể được nhìn nhận như bằng chứng cho thấy suy thoái sẽ kéo dài.

"Nếu các cổ phiếu đang bật tăng thuộc về nhóm các công ty không bị thiệt hại hoặc được hưởng lợi từ đại dịch thì đây là tín hiệu cho thấy chúng ta còn lâu thoát khỏi cuộc khủng hoảng này", ông Jason Thomas, nhà kinh tế trưởng của AssetMark cho biết.

"Những gì bạn muốn thấy là các công ty bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng COVID-19 bắt đầu ổn định trở lại, và rõ là còn lâu chúng ta mới được chứng kiến điều này".

Chứng khoán Mỹ đi lên khi nền kinh tế đi xuống, tưởng tin vui nhưng lại hóa tin buồn - Ảnh 1.

Nếu xét theo tỉ trọng vốn hóa, 58% các công ty thuộc S&P 500 có thể được xếp vào nhóm được hưởng lợi từ COVID-19, theo Ned Davis Research. Các nhà phân tích tại Ned Davis phân loại mỗi cổ phiếu trên chỉ số S&P 500 là "người chiến thắng", "kẻ thua cuộc" và "trung lập", tùy thuộc vào cách ảnh hưởng của COVID-19 lên hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.

Đến hết tháng 4, giá cổ phiếu nhóm "thua cuộc" – các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh phong tỏa hoặc sự ngưng trệ của hoạt động kinh tế - vẫn đang thấp hơn 33% so với mức đỉnh hồi tháng 2, gấp hơn 5 lần so với thiệt hại của nhóm "chiến thắng".

Khi nền kinh tế dần mở cửa, lẽ ra thị trường phải được dẫn dắt bởi các cổ phiếu có tính chu kì, thuộc ngành công nghiệp, tài chính, vật liệu, Ned Davis Research cho biết.

Tuy nhiên, điều này lại không xảy ra trong thực tế. Cổ phiếu các công ty có vốn hóa siêu lớn vẫn tiếp tục thống trị thị trường. Theo dữ liệu từ Bloomberg, kể từ mức đáy ngày 23/3, 5 công ty lớn nhất nước Mỹ - bao gồm Microsoft, Apple, Amazon, Alphabet và Facebook đã đóng góp hơn 25% cho thành quả của thị trường chứng khoán Mỹ.

Cổ phiếu Microsoft tăng 12% trong năm nay khi nhu cầu dành cho các dịch vụ kết nối bùng nổ do ngày càng nhiều nhân viên phải làm việc tại nhà. Nhu cầu xem phim tại gia nhảy vọt giúp giá cổ phiếu Netflix tăng 36%. Giá cổ phiếu Amazon cũng tăng gần 30%, trong bối cảnh thương mại điện tử và giao hàng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

"Hiện tượng này cho thấy rằng sự tăng trưởng kinh tế chỉ xuất hiện trong một số ít các lĩnh vực, nhờ vào việc phong tỏa vẫn đang tiếp diễn", ông Matt Maley, Giám đốc đầu tư tại Miller Tabak cho biết.

"Hiện tượng này cũng phản ánh nhà đầu tư đang lo sợ nền kinh tế tổng thể sẽ không phục hồi nhanh chóng như những gì họ dự đoán một tháng trước".

Đà tăng sẽ sớm chấm dứt?

Theo Bloomberg, trong khi giá cổ phiếu công nghệ trong chỉ số S&P 500 không tăng so với đầu năm thì cổ phiếu các công ty công nghiệp, tài chính và năng lượng vẫn đang lún sâu vào thị trường gấu, với mức giảm thấp nhất là 27%.

Ngoài ra, vẫn còn một nhóm các cổ phiếu khác trên thị trường vẫn đang chìm trong khủng hoảng.

Danh sách 10 cổ phiếu thuộc S&P 500 lao dốc mạnh nhất kể từ đầu năm đầy rẫy tên tuổi của các công ty hàng không và các công ty vận hành du thuyền. Đơn cử, từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu United Airlines – một trong 4 hãng bay lớn nhất nước Mỹ - đã bốc hơi 70%. Có vẻ người tiêu dùng sẽ ngần ngại đi du lịch hoặc tụ tập đông người trong một khoảng thời gian dài.

Trong quá khứ, các đợt phục hồi của thị trường chứng khoán mà chỉ tập trung chủ yếu vào một số ít lĩnh vực đều không kéo dài được lâu. 

Hãng nghiên cứu Sundial Capital Research đã quan sát mỗi lần chỉ số S&P 500 rơi xuống mức thấp kỉ lục trong 52 tuần, sau đó tăng điểm trong khoảng thời gian 35 ngày. Trong 8 giai đoạn mà 5 cổ phiếu đứng đầu đóng góp hơn 20% cho sự đi lên của thị trường, cả 8 giai đoạn đều là đợt phục hồi giả.

Chủ tịch Jason Goepfert của Sundial cho biết: "Khi cú bật tăng ban đầu từ mức đáy chủ yếu chỉ được thúc đẩy bởi một vài cổ phiếu, thì sẽ rất khó để thị trường chung kéo dài chuỗi tăng điểm".

Giang