|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chi phí sản xuất iPhone 14 tăng cao kỷ lục

07:44 | 10/10/2022
Chia sẻ
Với việc chi phí sản xuất tăng và không tăng giá bán iPhone 14 Series ở một số thị trường, Apple dường như đang tự chịu phần chi phí tăng thêm thay vì để khách hàng gánh khoản phí này trong năm nay.

Tờ Asia Nikkei vừa qua đã cho biết chi phí sản xuất dòng sản phẩm mới của Apple là iPhone 14 đã tăng khoảng 20% ​​so với mẫu trước đó, qua đó đạt mức cao nhất lịch. Tóm tắt về các chức năng mới, iPhone 14 vẫn phản ánh chiến lược của Apple trong việc giới thiệu các thiết bị có hiệu suất cực cao như chip 4 nanomet độc quyền và các thành phần máy ảnh mới.

Gã khổng lồ ngành công nghệ của Mỹ đã không tăng giá cho dòng máy mới nhất của mình ở Mỹ và một số thị trường khác, song chi phí sản xuất cao hơn đồng nghĩa với việc biên lợi nhuận của công ty có thể bị thu hẹp.

Chuyên gia Minatake Kashio của Fomalhaut Techno Solutions, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Tokyo, đã giúp Nikkei kiểm tra ba mẫu máy mới được Apple ra mắt trong tháng 9. Ông cho biết: “Apple rõ ràng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng chiến lược gắn với các thiết bị hiệu suất cao để tạo sự khác biệt vì không thể cạnh tranh về các chức năng mới".

Fomalhaut ước tính rằng việc sản xuất iPhone 14 Pro Max tính theo bộ phận có giá 501 USD, tăng hơn 60 USD so với iPhone 13 Pro Max được bán ra vào năm ngoái. Giá linh kiện cho các mẫu Max cao cấp dao động trong khoảng từ 400 USD đến 450 USD kể từ khi chúng ra mắt vào năm 2018. Trong khi đó, mẫu máy mới nhất cho thấy chi phí sản xuất đã tăng hơn 60 USD. Theo những dữ liệu này, chi phí sản xuất iPhone 14 Pro Max là cao nhất về cả tổng số và biên độ dao động kể từ năm 2018.

Apple đã tăng giá cho dòng iPhone 14 tại Nhật Bản, với lý do đồng yên yếu hơn. Tại Mỹ, iPhone 14 Pro Max với dung lượng lưu trữ nhỏ nhất được bán với giá 1.099 USD, không thay đổi so với phiên bản 2018 tương ứng, XS Max. Công ty dường như quyết định tự chịu phần chi phí sản xuất tăng lên thay vì để khách hàng chịu các khoản phí này.

Chip A16 Bionic là một trong những nguyên nhân chính khiến chi phí sản xuất iPhone 14 tăng cao. (Ảnh: Asia Nikkei).

Chi phí sản xuất cao hơn chủ yếu là do chip A16 Bionic được sử dụng trong các mẫu iPhone 14 Pro và Pro Max. Con chip độc quyền này có giá 110 USD, gấp hơn 2,4 lần so với phiên bản A15 được sử dụng trong iPhone 13 Pro Max ra mắt năm ngoái. Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và Samsung Electronics của Hàn Quốc là những đơn vị duy nhất có thể sản xuất hàng loạt chip 4 nm.

iPhone 14 cũng có các thành phần máy ảnh mới bao gồm cảm biến hình ảnh CMOS của Tập đoàn Sony. Các loại cảm biến này lớn hơn 30% so với các cảm biến được trang bị trong các mẫu máy trước đó và có giá cao hơn khoảng 50%, ở mức 15 USD.

Ngay cả các cảm biến hình ảnh nhỏ hơn của Sony cũng được thiết kế để hoạt động tốt trong các tình huống thiếu sáng với độ nhiễu hình ảnh tương đối ít, giảm bớt sự cần thiết của công nghệ phần mềm sau khi chụp để tạo ra ảnh và video chất lượng hơn.

Những linh kiện này và các thành phần máy ảnh hiệu suất cao khác mang đến cho iPhone phương tiện để chụp những bức ảnh tươi sáng, sống động trong nhiều môi trường ánh sáng khác nhau.

Nhà sản xuất chip Mỹ Qualcomm từ lâu đã trở thành nhà cung cấp chip truyền thông chính cho iPhone. Mọi thứ dường như đang thay đổi. Gần đây, các loại chip mà Apple tự sản xuất đã xuất hiện trong phần lớn mẫu iPhone mà công ty phát hành. Apple đã mua lại bí quyết sản xuất chip cho điện thoại thông minh từ Intel vào năm 2019 và dự kiến ​​sẽ tăng cường sử dụng chip của riêng mình do tranh chấp sở hữu trí tuệ năm 2017 với Qualcomm, vụ việc sau đó đã được giải quyết vào năm 2019.

iPhone 14 cũng tích hợp chip quản lý năng lượng của riêng Apple sau khi công ty mua lại một phần của Dialog Semiconductor có trụ sở tại Vương quốc Anh vào năm 2018.

Mỹ vượt Hàn Quốc trở thành quốc gia chiếm tỷ trọng lớn nhất trong việc cung cấp linh kiện sản xuất iPhone 14 cho Apple. (Ảnh: Asia Nikkei).

Các linh kiện cho iPhone 14 chủ yếu đến từ các nhà cung cấp Mỹ, chiếm 32,4% chi phí linh kiện, tăng khoảng 10 điểm phần trăm so với các mẫu máy được ra mắt năm 2021. Hàn Quốc, nhà cung cấp số một trong năm ngoái, đã chứng kiến ​​thị phần của họ giảm hơn 5 điểm phần trăm xuống còn 24,8%. Sự gia tăng tỷ trọng các thành phần do Apple sản xuất đã góp phần làm tăng tỷ lệ mua sắm từ Mỹ.

Apple từng chuyển phần lớn sản xuất iPhone sang Trung Quốc. Hiện tại, công ty đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi sản xuất sang những nơi khác như Ấn Độ và Đông Nam Á trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang có chiều hướng gia tăng. Việc Apple xem xét lại chuỗi cung ứng các sản phẩm điện tử và linh kiện khác có thể thay đổi chiến lược mua sắm trong tương lai.

Apple đã giới thiệu chức năng SOS qua vệ tinh trong iPhone 14, song ban đầu kết nối này sẽ chỉ có sẵn cho người dùng ở Mỹ và Canada từ tháng 11. Chuyên gia Fomalhaut không tìm thấy thành phần nào trong iPhone 14 dành riêng cho chức năng này, có thể do tần số liên lạc qua vệ tinh liên quan đến phần mềm.

Anh Nguyễn