|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chi phí logistics giảm nhưng khó quay trở về mặt bằng giá cũ

11:16 | 19/05/2021
Chia sẻ
COVID-19 khiến chuỗi cung ứng sản phẩm gián đoạn, chi phí logistics nhảy múa trên thị trường ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cục Xuất nhập khẩu dự báo logistics sẽ thiết lập mặt bằng giá mới và lập lại “trật tự” chuỗi cung ứng.

Container bớt khan hiếm, giá cước vẫn khủng

Sau sự cố ở kênh đào Suez, câu chuyện về logistics đặc biệt là việc thiếu container, chi phí logistics cao khiến không ít các doanh nghiệp xuất nhập khẩu "đứng ngồi không yên".

Ngay từ tháng 11/2020, các doanh nghiệp xuất khẩu liên tục phản ánh không xuất khẩu được sang các thị trường chủ lực khi cước phí tăng gấp nhiều lần (từ 750-800 USD/container lên đến hơn 4.000 – 5.000 USD/container).

Thời điểm đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) phản ánh ngay cả khi giá tăng lên 10.000 USD/chuyến, gấp 10 lần so với trước, cũng không có đủ container và liên tục trì hoãn thời gian vận chuyển.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam lý giải tình hình xuất nhập khẩu khó khăn vì thiếu hụt container rỗng. Đại dịch COVID-19 tạo ra cuộc khủng hoảng container toàn cầu, nhất là khu vực Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ khi thiếu hụt container hai đầu.

Điển hình như Ấn Độ, dịch bệnh làm tê liệt hệ thống xếp dỡ hàng tại cảng, biển vì thiếu công nhân và ngân hàng giảm giờ làm việc.

"Hầu hết chủ tàu chọn giải pháp tăng cước để bù lỗ nặng, đội giá logistics lên cao. Ngoài ra, nhiều hãng tàu cũng mượn gió bẻ măng làm cho thị trường giá cước tăng vô kiềm tỏa, có chặng tăng 4-5 lần so với trước", ông Tương nói.

Đến nay, container rỗng đã dễ kiếm hơn so với thời điểm trước Tết nhưng giá cước vận tải vẫn ở mức cao vì các hãng tàu không chịu giảm, phát sinh nhiều chi phí do dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, cước thuê container đi Mỹ hiện đạt mức 7.000-8.000 USD/container, cước thuê container đi Mỹ hiện đạt mức 3.600-3.700 USD/container, tăng gấp đôi so với thời điểm chưa bùng phát dịch COVID-19.

Đội giá logistics, giảm tính cạnh tranh doanh nghiệp

Tình trạng "phí chồng phí" đã đẩy chi phí logistics tăng cao, tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thị trường thế giới.

Theo ông Phạm Tiến Hoài, Tổng giám đốc Hạnh Nguyên Logistics, chi phí logistics trong ngành nông sản Việt Nam hiện chiếm khoảng 30% giá thành sản phẩm, trong khi con số này tại Thái Lan chỉ 12,5% và con số bình quân toàn cầu là 14%.

"Chi phí cao đã làm mất lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia", ông Hoài dẫn chứng, theo Saigon Times.

Chi phí logistics, giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang phải gồng mình gánh nợ, thiệt hại nặng nề.

Theo ông Võ Huy Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Rau quả Bình Thuận không chỉ cho phí logistics tăng cao mà các tàu bè cũng bị ách tắc, lịch trình bị trì hoãn 15 ngày. Trong khi, các sản phẩm nông sản như thanh long, chuối, chôm chôm… không được phép trì hoãn vận chuyển quá 7 ngày.

"Chi phí vận tải tăng, thời gian vận chuyển chậm đã lấy đi 50% doanh thu của công ty. Để có thể sống sót qua đại dịch, chúng tôi buộc phải tăng giá sản phẩm, kéo theo số lượng khách hàng giảm. Tính cạnh tranh của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng 50-60%", ông Hoàng cho biết.

Logistics sẽ thiết lập mặt bằng giá mới

Trước những biến động của giá thuê container xuất khẩu, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh dự báo: "Giá cước đã giảm nhẹ song sẽ khó có thể quay về giá ban đầu. Chi phí logistics sẽ hình thành mặt bằng giá mới".

Thiếu container: Bài toán khó giữa nâng giá bán và chi phí logistics - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh cho biết giảm chi phí logistics là động lực thúc đẩy nông sản trong dịch COVID-19. (Ảnh: Hoàng Anh)

Theo ông Chinh, các địa phương, các Hiệp hội, ngành hàng cũng phải tính toán, chuẩn bị các phương án sản xuất, kinh doanh thích ứng với mặt bằng giá logistics mới.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi phương án sản xuất kinh doanh, đổi mới chính mình để chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.

Trao đổi với người viết, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu cho biết chi phí logistics tăng cao do COVID-19 là khó khăn chung của toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam.

Chánh Thu quan tâm đến thời gian vận chuyển hơn là chi phí bởi đặc thù của công ty là xuất khẩu nông sản tươi, thời gian bảo quản ngắn.

"Chánh Thu đã thay đổi phương án kinh doanh, 30% xuất khẩu nông sản tươi và 70% sản phẩm chế biến, đông lạnh. Kết quả là doanh thu vẫn tăng trưởng 40-50%", bà Vy cho biết.

Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký VLA cho biết Việt Nam cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng và phương thức vận tải (đường sắt, đường không khi có thể) thay vì chỉ chủ yếu dựa vào vận tải biển như hiện nay với hơn 90% hàng hóa xuất nhập khẩu được thông qua cảng biển.

"Các doanh nghiệp cần chủ động trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng, mua bảo hiểm và kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp logistics nhằm tìm phương thức vận chuyển với chi phí cạnh tranh", ông Tương nói.

Nghiên cứu của Cục Xuất nhập khẩu chỉ ra chi phí cho logistics trong lĩnh vực xuất khẩu chiếm 15-25%.

"Nếu như các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, giảm chi phí logistics từ 25% xuống còn 5% sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, bên cạnh việc hưởng lợi giảm thuế từ FTA.

Đây là khâu quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu trong điều kiện COVID-19", ông Chinh nhấn mạnh.

Hoàng Anh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.