|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hàng nghìn container chìm xuống đáy biển và loạt hệ lụy từ cuộc đua chuỗi cung ứng

17:08 | 27/04/2021
Chia sẻ
Áp lực đẩy nhanh tốc độ giao hàng khiến rủi ro vận tải tăng lên. Container chất chồng trên những con tàu khổng lồ đang rơi xuống biển với tốc độ đáng báo động, gây thiệt hại hàng triệu USD hàng hóa.
Hàng nghìn container rơi xuống biển, gây rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh 1.

Tàu container One Apus tại cảng Kobe ở Hyogo, Nhật Bản, tháng 12/2020. (Ảnh: Bloomberg).

Ngành vận tải biển đang chứng kiến mức tăng lớn nhất về số lượng container bị đánh rơi trong vòng 7 năm. Năm 2020 có hơn 3.000 container bị rớt xuống biển, trong 4 tháng đầu năm 2021, con số đã là 1.000. Những sự cố này đang làm giám đoạn chuỗi cung ứng của hàng trăm nhà sản xuất và bán lẻ Mỹ như Amazon và Tesla.

Hàng nghìn container rơi xuống biển, gây rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh 2.

Có hàng loạt lý do dẫn đến sự gia tăng đột ngột của các sự cố. Thời tiết ngày càng trở nên khó đoán, trong khi đó các con tàu lại ngày càng to lớn hơn, cho phép các container được xếp chồng lên nhau cao hơn bao giờ hết.

Tình hình trở nên trầm trọng hơn nhiều bởi sự gia tăng mạnh mẽ của thương mại điện tử sau khi nhu cầu tiêu dùng bùng nổ trong đại dịch, thúc đẩy các hãng tàu chở hàng hóa càng nhanh càng tốt.

Ông Clive Reed, nhà sáng lập Reed Marine Maritime Casualty Management Consultancy cho biết: "Cường độ di chuyển ngày càng lớn của các container đồng nghĩa với việc các tàu container chạy với công suất gần sát với mức tối đa hơn hẳn trước đây. Có áp lực thương mại buộc tàu hàng phải đến đúng giờ và thực hiện nhiều chuyến đi hơn".

Sau khi gió bão và sóng lớn ập vào con tàu One Apus vào tháng 11 năm ngoái và khiến hơn 1.800 container bị thất thoát, các cảnh quay cho thấy hàng nghìn chiếc hộp thép nằm ngổn ngang như miếng ghép Lego trên tàu, một số bị xé vụn thành nhiều mảnh.

Đây là sự cố tồi tệ nhất kể từ năm 2013, khi tàu MOL Comfort vỡ làm đôi và chìm xuống Ấn Độ Dương cùng với toàn bộ hàng hóa trong 4.293 container.

Hàng nghìn container rơi xuống biển, gây rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh 3.

Các container nằm ngổn ngang trên tàu container One Apus. (Ảnh: Bloomberg).

Tháng 1/2021, tàu Maersk Essen đánh mất hơn 750 container khi di chuyển từ Hạ Môn, Trung Quốc tới Los Angeles. Một tháng sau, 260 container rơi khỏi tàu Maersk Eindhoven khi nó bị mất điện lúc biển động lớn.

Theo các chuyên gia vận tải biển, yêu cầu về tốc độ đang dẫn tới các tình huống nguy hiểm, có thể gây ra thảm họa. Các mối nguy bao gồm công nhân bốc dỡ không xếp hàng đúng cách cho đến thuyền trưởng không né tránh bão để tiết kiệm thời gian và nhiên liệu. Một bước đi sai lầm có thể đẩy hàng hóa và thủy thủ đoàn vào tình thế hiểm nghèo.

Khả năng xảy ra tai nạn ngày càng tăng trong bối cảnh những người đi biển kiệt sức phải đối mặt tình thế ngày càng gian nan trong đại dịch. Allianz Global Corporate & Specialty ước tính rằng lỗi thuộc về con người góp phần tạo ra ít nhất 3/4 số vụ tai nạn và tử vong trong ngành vận tải biển.

Theo Bloomberg, hầu hết mọi sứ cố gần đây đều xảy ra trên Thái Bình Dương, khu vực có sự kết hợp đáng sợ giữa giao thông đông đúc và thời tiết tồi tệ nhất. Thái Bình Dương kết nối các nền kinh tế châu Á và người tiêu dùng Bắc Mỹ, và là tuyến đường sinh lợi nhất cho các công ty vận chuyển vào năm ngoái. 

Hành trình băng qua Thái Bình Dương từ xưa đã luôn khó khăn nhưng nay lại càng nguy hiểm bội phẩm do sự thay đổi thời tiết. Ông Todd Crawford, nhà khí tượng hàng đầu tại The Weather Company, cho biết sự gia tăng lưu lượng thuyền từ Trung Quốc đến Mỹ trong mùa đông 2020 lại trùng hợp với những đợt gió mạnh nhất trên Bắc Thái Bình Dương kể từ năm 1948, làm tăng khả năng biển động và sóng lớn.

Với 226 triệu container được vận chuyển mỗi năm, tổn thất 1.000 hay vài nghìn container có vẻ như muối bỏ bể. Tuy nhiên, nó lại chiếm đến 60% giá trị của tất cả các sự cố container, ông Jacob Damgaard, Giám đốc tại Britannia P&I cho biết.  

Từ đầu năm đến nay, ước tính tổng giá trị các container rơi xuống biển đã lên tới 54,5 triệu USD, theo dữ liệu của Bloomberg.

Hàng nghìn container rơi xuống biển, gây rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh 4.

Lưu ý: Ước tính tổn thất trung bình của mỗi container là 50.000 USD. Số liệu năm 2021 tính đến tháng 4.

Vấn đề về các con tàu khổng lồ cũng thu hút được sự chú ý khi tháng trước, siêu tàu Ever Given bị mắc cạn tại Kênh đào Suez. Ever Given chắn ngang tuyến đường thủy quan trọng trong gần một tuần và tác động của nó tới thương mại toàn cầu vẫn chưa chấm dứt.

Hàng nghìn container rơi xuống biển, gây rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh 5.

Tàu Ever Given tại Kênh đào Suez. (Ảnh: Bloomberg).

Nhiều chuyên gia cho rằng tình hình đã trở nên nguy hiểm hơn trước do áp lực lên chuỗi cung ứng kể từ khi đại dịch bắt đầu. Ông Jonathan Ranger, người đứng đầu bộ phận hàng hải khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại American International Group (AIG) cho biết hiện nay các thuyền trưởng bị buộc phải lựa chọn "đi xuyên qua bão" thay vì tránh né mối nguy.

Trải nghiệm kinh hoàng

Với các container xếp chồng lên nhau cao hơn bao giờ hết, tàu chở hàng có thể rất dễ mất thăng bằng trong một cơn bão – các con sóng liên tiếp ập đến khiến tàu chao đảo, các container khó có thể được cố định. Tình hình còn xấu hơn nếu các container nặng nhất được xếp ở trên cùng thay vì dưới đáy. Nhiều người trong ngành nói rằng sai sót này thường xuyên xảy ra do sai lệch về số liệu cân nặng trong vận đơn.

Thủy thủ đoàn bị ép phải làm việc quá sức cũng khiến rủi ro tăng lên. Ông Neil Wiggins, Giám đốc điều hành của Independent Vessel Operations Services, cho biết nhân lực giảm trong khi số lượng container trên tàu ngày càng tăng khiến thủy thủ đoàn khó mà kiểm tra các thiết bị cố định container một cách hiệu quả.

Sức khỏe và sự an toàn của thuyền viên cũng đang bị đe dọa. Việc các chồng container cao đến 12 chiếc đổ ầm xuống trong cơn bão dữ dội là một trong những trải nghiệm kinh hoàng nhất đối với thuyền trưởng và thủy thủ. Ông Philip Eastell, nhà sáng lập Container Shipping Supporting Seafarers cho biết nhiều thủy thủ mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý. 

Giang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.