|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hòa Phát sản xuất container: Những bài toán đã và sẽ phải giải

20:00 | 22/04/2021
Chia sẻ
Hòa Phát bước vào thị trường sản xuất container với lợi thế về nguồn nguyên liệu thép - yếu tố chiếm tới 60% giá thành sản xuất. Tuy nhiên, công ty này còn phải giải bài toán về đầu ra và sức ép từ Trung Quốc - thị trường đang chiếm tới 90% thị phần container trên toàn thế giới.

Nhu cầu container đang nóng nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm được

Những tháng đầu năm 2021, câu chuyện về logistics đặc biệt là việc thiếu container khiến không ít các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải đau đầu tìm lời giải. Không có container tức hàng không thể xuất đi mà nếu có thì chi phí thuê cũng tăng gấp 3 - 4 lần. 

Doanh nghiệp đứng trước hai lựa chọn. Một là vận chuyển bằng đường hàng không với chi phí đắt đỏ; hai là đền hợp đồng và rủi ro mất khách hàng. 

Nhiều người đặt câu hỏi: "Tại sao Việt Nam không tự sản xuất container". Câu hỏi tưởng chừng đơn giản bởi sản xuất một chiếc "thùng tôn" có gì mà khó nhưng nó lại là cả một câu chuyện phức tạp liên quan đến nguồn cung nguyên liệu, đầu ra sản phẩm, chi phí sản xuất...ở đằng sau.

Tại hội nghị tổng kết ngành thép 2020, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết: "Chúng tôi hỏi các doanh nghiệp cơ khí thì được biết loại thép dùng cho sản xuất container rất chuyên biệt và khó kiếm".

Ông Hải cho biết Việt Nam hiện có vài chục doanh nghiệp hoạt động liên quan đến container (không tính các doanh nghiệp làm dịch vụ), nhưng hầu hết chưa phải là doanh nghiệp sản xuất đúng nghĩa.

Có doanh nghiệp đã từng sản xuất container, nhưng do điều kiện khách quan nên phải thu hẹp sản xuất. Còn lại chủ yếu là những doanh nghiệp sửa chữa, cải tạo.

Các doanh nghiệp này mua vỏ container do các hãng tàu hoặc doanh nghiệp vận tải thanh lý sau 10-15 năm sử dụng, rồi cải tạo, sơn sửa thành các container văn phòng, container kho (không dùng để vận chuyển), nhà container.

Một số container sau cải tạo được đưa vào vận chuyển, nhưng chỉ dùng cho đường bộ, không đáp ứng được các yêu cầu để vận chuyển đường biển.

Lãnh đạo của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cải tạo container cho biết việc đóng mới container hoàn toàn nằm trong khả năng của Việt Nam nhưng có nhiều lý do để các đơn vị không mặn mà tham gia sản xuất.

Theo đó, đây là mặt hàng đặc thù và phải có đơn hàng số lượng lớn và đều đặn. Trong khi đó, số khách hàng lại không nhiều và cần vốn đầu tư lớn. 

Các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này hiện đều là quy mô nhỏ, không có vốn để đầu tư mở rộng sản xuất nên họ phải chấp nhận việc cải tạo, sửa chữa container.

Ông Hải chia sẻ thêm: "Các doanh nghiệp muốn sản xuất container thì quy mô, năng lực hiện còn quá nhỏ. Còn doanh nghiệp có khả năng thì chưa thấy đủ động lực tham gia".

Hòa Phát lấn sân sang thị trường sản xuất container, chi phí rẻ hơn Trung Quốc 5 - 7%

Như vậy, có hai nguyên nhân chính khiến việc sản xuất container tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất khó khăn ở Việt Nam là: Chi phí sản xuất chưa tối ưu do thiếu nguyên liệu và đầu ra sản phẩm.

Tập đoàn Hòa Phát mới đây đã tăng tin tuyển dụng nhân sự cho dự án sản xuất vỏ container. Cụ thể, Hòa Phát cần tuyển 4 vị trí là kỹ sư cơ khí, hàn; kỹ sư điện, điện điều khiển; kỹ sư hóa; và kỹ thuật viên sơn. Mỗi vị trí cần tuyển 10 người. Địa điểm làm việc ở Hải Phòng hoặc Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đây đều là hai địa phương giáp biển và có nhiều cảng lớn như cảng Lạch Huyện, Tân Cảng Hải Phòng, cảng Nam Hải Đình Vũ, cảng Đình Vũ, cảng Bà Rịa Vũng Tàu, cảng Cái Mép, … 

Chia sẻ về lý do, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho biết có hai yếu tố thuận lợi để công ty quyết định sản xuất container, một trong số đó là giải quyết được vấn đề quan trọng nhất là nguồn nguyên liệu. 

Theo đó, trên 60% giá thành sản xuất container là thép, trong khi đây là thép đặc biệt chứ không phải thép cuộn cán nóng bình thường. 

"Đây là thép kháng thời tiết vì nó chịu nắng mưa, nước mặn của biển mà Hòa Phát lại sản xuất được loại thép này. Nếu không sản xuất được loại thép này mà nhập khẩu về để làm container thì coi như thua", ông Long nói.

Yếu tố thuận lợi thứ hai là hiện nay, Trung Quốc đang thiếu lao động do đó, chi phí nhân công nước này đang tăng cao. 

"Lương công nhân cơ khí ở Thượng Hải đang là 50 triệu đồng/tháng còn Việt Nam là 15 triệu đồng/tháng. Tất nhiên, năng suất lao động của họ cao hơn Việt Nam nhưng cũng không cao đến mức gấp 3 lần giống như lương", ông Long nói. 

Ngoài ra, giá điện ở Việt Nam cũng rẻ hơn so với Trung Quốc góp phần giúp chi phí giảm. 

Chia sẻ với người viết, ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết chi phí sản xuất container của Hòa Phát có thể rẻ hơn so với Trung Quốc 5 - 7% nhờ tự chủ nguồn thép.

Hòa Phát phải giải bài toán gì khi bước vào sản xuất container? - Ảnh 1.

Ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát. (Ảnh: H.Mĩ)

Theo Ngân hàng Credit Suisse, biên lợi nhuận gộp của sản xuất container khoảng 11 - 18%, do đó, việc chi phí sản xuất container của Hòa Phát rẻ 5 - 7% so với Trung Quốc được xem là đáng kể.

"Chi phí thép để sản xuất container hơn 60 USD/tấn so với thép bình thường. Chúng tôi sử dụng thép Hòa Phát để sản xuất container giúp chi phí rẻ hơn so với các đối thủ Trung Quốc phải nhập nguyên liệu từ các nhà máy thép nội địa. 

Thậm chí, sau này chúng tôi sẽ xuất khẩu thép làm container của nhà máy Dung Quất 2 sang nhiều nước trong đó có cả Trung Quốc", ông Dương nói. 

Theo ông Long, bản chất sản xuất container là cơ khí trong khi đây là thế mạnh của Hòa Phát trong 30 năm qua. 

Thành phần còn lại để sản xuất container là ván gỗ và sơn. Trong số này, nguồn ván gỗ ở Việt Nam lại rất dồi dào và giá rẻ. 

Còn đối với sơn, ông Long cho biết Hòa Phát đã đàm phán với nhà cung cấp sơn cho các nhà máy sản xuất container ở Trung Quốc với giá tốt tương đương với đối thủ. 

Theo ước tính của Container-Xchange, ván gỗ chiếm khoảng 15%, sơn 10%, nhân công 5% chi phí sản xuất container. 

Nếu việc tiêu thụ thành công, trong kế hoạch dài hạn công suất sản xuất dự kiến của Hòa Phát là 500.000 teus (đơn vị tính cho một container tiêu chuẩn dài 20 feet)/năm và là đầu ra của 1 triệu tấn thép.

Còn trong ngắn hạn, Hòa Phát đặt mục tiêu sản xuất 180.000 - 200.000 teus/năm. Trong năm đầu tiên, dự kiến sản lượng khoảng 40.000 teus. 

Trên thực tế, Hòa Phát không phải là nhà máy sản xuất container đầu tiên của Việt Nam. Cuối năm 2007, Nhà máy sản xuất container Vinashin-TGC chính thức được khánh thành Công suất thiết kế giai đoạn I là 45.000 teus/năm.Tuy nhiên, nhà máy sau đó cũng ngừng hoạt động do lãnh đạo vướng lao lý.

Ngoài ra, theo ông Dương, nguyên nhân thất bại của những công ty đã từng làm container trước đó là chưa chủ động được nguyên liệu mà phải nhập khẩu Trung Quốc từ thép đến máy móc, thiết bị. 

Bài toán khó về đầu ra và sức ép lớn từ quy mô sản xuất của Trung Quốc

Việc chủ động được nguồn nguyên liệu thép giúp Hòa Phát tối ưu được chi phí đầu vào. Còn đối với đầu ra, ở thời điểm hiện tại khi cơn sốt container rỗng vẫn còn, thì nhu cầu đang rất lớn.

Tuy nhiên phải đến quý II/2022, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long mới cho ra sản phẩm đầu tiên. Khi đó, cơn sốt thiếu container có thể hạ nhiệt và tình hình logistics bình thường trở lại và câu chuyện tiếp theo mà Hòa Phát cần giải quyết sau bài toán chi phí là đầu ra.

"Chi phí thì chắc chắn rẻ hơn Trung Quốc. Vấn đề là có bán hay không", ông Long nói.

Chủ tịch Hòa Phát cho rằng đây là ngành rất đặc thù và mới đối với công ty nên cần phải xem xét kỹ lưỡng.

Về dài hạn, ông Trần Tuấn Dương cho biết Hòa Phát có ý định thành lập một công ty sở hữu và cho thuê container. 

"Trên thực tế, nhiều hãng vận tải lớn đang có ý định liên doanh với Hòa Phát tuy nhiên công ty không muốn", ông Dương nói. 

Chia sẻ với người viết về lý do Hòa Phát không muốn liên doanh với các công ty khác, ông Long cho biết: "Đây là truyền thống của Hòa Phát. Chúng tôi không muốn chia sẻ với người khác bởi làm container không phải quá khó để liên doanh. 

Chúng tôi cũng không thiếu vốn. Hơn nữa, thị trường cũng bị bó buộc nếu liên doanh. Nhiều khi liên doanh với hãng tàu này nhưng muốn bán container cho hãng tàu khác cũng khó"

Tuy nhiên, bản thân ông Dương muốn liên doanh với các đối tác khác bởi đầu ra sẽ ổn định.

"Nếu liên doanh với các hãng tàu thì đầu ra container rất tốt. Tôi muốn liên doanh nhưng anh Long lại không muốn", ông Dương chia sẻ.

Ngoài ra, mặc dù chi phí rẻ hơn nhưng Hóa Phát vẫn phải đối mặt với thực tế Trung Quốc vẫn đang là "bá chủ" thị trường sản xuất container khi thị phần chiếm tới 90% thị phần của thế giới. 

Đại gia CIMC của Trung Quốc có khả năng sản xuất 2 triệu teus mỗi năm. Hay với CXIC, công suất của công ty này cũng đạt gần 1 triệu teus/năm. Trong khi đó, công suất tối đa của Hòa Phát chỉ đạt 500.000 teus/năm.

Đức Quỳnh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.