Chi phí đầu vào tăng từ 1%, EVN có thể được điều chỉnh giá điện bán lẻ
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ ngành và địa phương về dự thảo cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Dự thảo nêu rõ chu kỳ tính toán và điều chỉnh giá điện được quy định thực hiện 1 lần/năm. Trước ngày 1/8 hằng năm, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá bán lẻ điện bình quân của năm căn cứ các số liệu và quy định thời điểm điều chỉnh giá điện cố định vào ngày 1/10 hằng năm.
Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) được quyền điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân đến mức dưới 5%.
Cụ thể, dự thảo đề nghị khi có biến động thông số đầu vào dẫn tới giá điện tính toán tăng từ 1% trở lên thì giá điện sẽ được xem xét điều chỉnh (thay vì mức 3% như quy định hiện hành).
Bộ Công Thương cho rằng biên độ để điều chỉnh hẹp lại từ 3% xuống 1% đảm bảo giá điện phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tác động tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, tránh trường hợp để treo chưa thanh toán các chi phí phát sinh thực tế, dẫn tới trường hợp giá điện tăng đột biến trong một lần điều chỉnh giá điện.
Trường hợp khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến phải điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 5% trở lên thì EVN phải lập hồ sơ báo cáo.
Sau khi Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và có ý kiến thì EVN được điều chỉnh tăng giá điện.
Với trường hợp chi phí đầu vào tăng từ 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành hoặc ngoài khung giá, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến cuối cùng về việc điều chỉnh giá điện để EVN thực hiện.
Ngược lại, nếu kết quả tính toán giá bán lẻ điện bình quân giảm ở bất kỳ mức nào thì EVN phải điều chỉnh giảm giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng, thời gian thực hiện điều chỉnh giảm giá điện từ ngày 1/10 của năm đó.