Chỉ định thầu dự án BT là đất màu cho tham nhũng
Đường Lê Văn Lương nối dài (Hà Nội), một trong nhiều dự án được đầu tư bằng hình thức đổi đất lấy hạ tầng - Ảnh: LÊ THANH |
Đó là những nhận định các ý kiến tại Hội thảo khoa học "Cơ chế đầu tư BT - Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện", do Kiểm toán Nhà nước tổ chức hôm 19-10, tại Hà Nội.
Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết đầu tư bằng hình thức BT, còn gọi là đổi đất lấy hạ tầng, được nhiều địa phương áp dụng cách đây hơn 20 năm.
Phương thức này Nhà nước không đầu tư vào dự án hạ tầng mà giao cho doanh nghiệp tham gia, đổi lại là địa phương trả cho nhà đầu tư bằng quỹ đất.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thanh toán bằng hình thức BT này cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng khi không đấu thầu cạnh tranh để chọn nhà đầu tư.
Bà Trương Hải Yến, Phó vụ trưởng vụ tổng hợp của Kiểm toán nhà nước, cho biết qua kiểm toán 22 dự án BT hầu hết các dự án này được giao đất trước khi hoàn thành công trình.
Chính vì vậy, theo bà Yến, đơn giá đất tại thời điểm giao đất thấp hơn nhiều so với đơn giá đất tại thời điểm bàn giao công trình gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, bà Yến cho rằng giá đất của các khu đất thanh toán cho các hợp đồng BT thường thấp hơn giá thị trường do không thông qua đấu giá.
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính khoảng 3.815 tỉ đồng đối với 21 dự án, tương đương 12,54% giá trị được kiểm toán.
Con số này, theo bà Yến, là rất lớn. Ông Lê Huy Trọng, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành 5, cho rằng chuyện 21 trong tổng số 22 dự án được chỉ định thầu là bất cập và lỏng lẻo của cơ chế.
Chính vì thế, ông Trong cho rằng các dự án BT chính là mãnh đất màu mỡ cho tham nhũng, vì thế trong thời gian tới cần phải tập trung kiểm toán dự án BT để ngăn chặn thất thoát, lợi ích nhóm ở đây".
Để ngăn chặn tình trạng thất thoát đất công, chuyên gia kế toán - kiểm toán Đặng Văn Thanh đề nghị cần phải có khuôn khổ pháp lý rõ ràng hơn ngăn chặn lợi ích nhóm giữa cơ quan quyền lực với doanh nghiệp thực hiện dự án BT.
Theo ông Thanh, chính quyền địa phương phải đặt hàng, xây dựng chủ trương đầu tư, tổ chức đấu giá, đấu thầu, đưa ra yêu cầu, đơn hàng cho dự án chứ không thể để nhà đầu tư giành thế chủ động như lâu nay.
Ông Phạm Quang Tú, Tổ chức Oxfam, cho rằng để ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng ở dự án BT, Nhà nước phải đấu giá khi giao, để giá đất sát với giá thị trường và chỉ đầu tư dự án BT ở những địa phương có khó khăn về tài chính.
Còn đối với địa phương có tiềm lực tài chính, theo ông Tú, nên đầu tư vào dự án, sau đó sẽ đấu giá quyền sử dụng đất ở xung quanh con đường mới mở. Có như vậy, tài sản nhà nước không bị thất thoát.
Càng nhiều dự án BT càng cạn kiệt đất Ông Nguyễn Hữu Hiểu, Phó Trưởng khoa, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước, cảnh báo rằngrủi ro cạn kiệt nguồn lực đất đai do nhiều dự án BT được triển khai. Thời gian qua, tại không ít địa phương đã phải đổi quyền sử dụng một lượng lớn đất (do giá trị đất không đủ cao) để có được một công trình không lớn cả về quy mô lẫn ý nghĩa tích cực đối với nền kinh tế. Chẳng hạn, theo ông Hiểu, dự án đường Lê Đức Thọ kéo dài (Hà Nội), với chiều dài chỉ 3,5km, được triển khai theo hình thức BT, nhưng chính quyền địa phương phải thanh toán quỹ đất khoảng 70ha cho nhà đầu tư. |