|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai khẳng định hèm rượu không 'chữa' được dịch tả heo châu Phi

10:29 | 03/09/2019
Chia sẻ
Trong số 20 con heo được nuôi kiểm chứng, nhiều con đều bị sốt, bỏ ăn và chết dù đã được cho ăn hèm rượu, bổ sung vitamin, kết hợp đổ bã hèm nóng ra nền chuồng và hun khói bằng mùn cưa.

Liên quan đến thông tin tin bà Đỗ Thị Nhung, ở ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho heo bị nhiễm dịch tả heo châu Phi (ASF) ăn hèm rượu đã hết bệnh, nhiều ý kiến cho rằng, hèm rượu có thể chữa được dịch tả heo châu Phi, từ đó làm tăng hi vọng cho người chăn nuôi trong bối cảnh hiện vẫn chưa có vacxin phòng bệnh.

Tuy nhiên, trao đổi với người viết, ông Trần Văn Quang, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai khẳng định: "Việc dùng hèm rượu không có tác dụng để ngăn cản sự xâm nhiễm cũng như sự nhân lên của virus ASF. Hay nói cách khác, nó không có khả năng ngăn cản bệnh trên đàn heo nói chung, không chỉ riêng dịch tả heo châu Phi".

viber_image_2019-09-03_10-25-53

Đến nay vẫn chưa có vacxin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi. Nguồn: TTXVN.

Ông Quang cho biết cuối tháng 7 vừa qua, bà Đỗ Thị Nhung phát hiện đàn heo 15 con heo có dấu hiệu bệnh dịch tả heo châu Phi, ngay sau đó, ngành chức năng đến kiểm tra, ghi nhận đàn heo của bà Nhung có một con bị nóng sốt, bỏ ăn.

Đồng thời, lấy 3 mẫu huyết thanh (gộp vào 1 mẫu xét nghiệm) gửi Chi cục Thú y vùng IV xét nghiệm, kết quả dương tính với virus dịch tả heo châu Phi.

Khi cơ quan chức năng định tiến hành tiêu hủy 15 con heo này thì bà Nhung có đơn xin giữ lại nuôi với lí do: "Trong những ngày chờ kết quả xét nghiệm, bà có cho heo ăn bã hèm rượu, bổ sung vitamin, kết hợp đổ bã hèm nóng ra nền chuồng và hun khói bằng mùn cưa thì thấy đàn heo ăn uống trở lại và có dấu hiệu dần phục hồi", ông Quang nói.

Phòng Nông nghiệp huyện Thống Nhất và UBND xã Quang Trung đã đồng ý cho bà Nhung giữ lại đàn heo trên để tiếp tục theo dõi. 

Để kiểm chứng, ngày 19/8, cơ quan chức năng Đồng Nai đã thử nghiệm trên 20 con heo được lấy từ đàn heo nhiễm dịch tả heo châu Phi nhưng chưa có dấu hiệu lâm sàng của bệnh để bà Nhung cho ăn bã hèm rượu và chăm sóc như cách bà đã làm với 15 con trước đó.

Kết quả, có 7/20 con dương tính với virus dịch tả heo châu Phi. Đàn heo vẫn có con bị sốt, bỏ ăn và vẫn có heo chết. Với diễn tiến triệu chứng lâm sàn thì đàn heo này sẽ tiếp tục mắc bệnh và chết trong thời gian tới với các đặc điểm đặc trưng của dịch ASF.

"Chúng tôi đã tìm hiểu nhiều tài liệu và chưa có tài liệu nào ghi nhận hèm rượu có thể phòng chống bệnh trên heo.

Thực tiễn chúng tôi đã điều tra, khảo sát tại 13 hộ chăn nuôi của ba huyện gồm Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, nơi hộ dân có sử dụng hèm rượu cho heo ăn thì đều chết sạch hết", Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai nói.

92dfd2cbe1e506bb5ff4

Văn bản xác minh trường hợp sử dụng bả hèm phòng chống dịch tả heo châu Phi tại Đồng Nai. Nguồn: Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai.

Trong khi đó, đối với trường hợp đàn heo 15 con của bà Nhung, khi xét nghiệm lần 1 (ngày 23/7, xét nghiệm 1 mẫu gộp từ 3 mẫu lấy) phát hiện thấy virus ASF, nhưng những lần lấy mẫu xét nghiệm tiếp theo đều không phát hiện virus ASF, ông Quang cho hay:

"Theo tài liệu nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới 'Sức đề kháng tự nhiên của viris dịch tả heo châu Phi' nhận định với những đàn heo nhiễm virus ở cấp độ thấp thì có khả năng đề kháng với virus ASF và sau đó tự khỏi bệnh".

Theo đó ông Quang cho rằng đàn heo của bà Nhung nằm trong trường hợp này và một lần nữa ông khẳng định "Hèm rượu không có tác dụng ngăn chặn bệnh trên heo và dịch ASF".

Số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết trong hai tuần gần đây số ca bệnh và con bệnh có giảm nhưng bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp do mật độ rất lớn, số lượng trang trại nhiều.

"Nếu lơ là không tăng cường biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt trang trại không tăng cường biện pháp sinh học, phòng chống dịch bệnh tích cực thì dịch bệnh sẽ tiếp tục lây lan", Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai nhận định.

Tính đến ngày 29/8, toàn tỉnh Đồng Nai có 438 ấp, 3.560 hộ của 11/ 11 huyện, thành phố có dịch với tổng số heo tiêu hủy là 327.150 con.


Như Huỳnh