|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cháy nhà máy Rạng Đông: Bài học quản lí rủi ro

20:29 | 05/09/2019
Chia sẻ
Còn quá sớm để có thể đánh giá hết mức độ nghiêm trọng và hệ quả của sự cố cháy kho chứa của nhà máy Rạng Đông. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể rút ra được một vài bài học rất đáng giá với quản lý khủng hoảng và ngăn chặn khủng hoảng cho những vụ việc tương tự.
Cháy nhà máy Rạng Đông: Bài học quản lí rủi ro - Ảnh 1.

Cháy tại nhà máy Rạng Đông. Ảnh: baovephapluat.vn

Từ quản lý rủi ro trước sự cố

Trên thực tế, không phải cho đến ngày hôm nay thì người ta mới bắt đầu cảnh báo nguy cơ từ những nhà máy giữa khu dân cư như Rạng Đông. Kể từ ngày Luật Đầu tư và pháp luật về môi trường tương đối hoàn thiện, việc xây dựng các cơ sở sản xuất quy mô vừa và lớn trong khu vực dân cư sinh sống không còn được cho phép nữa. 

Các khu công nghiệp mọc lên với những chuẩn mực về môi trường nghiêm ngặt.

Điều này không chỉ giúp cho việc quy hoạch đô thị và dân cư tốt hơn, mà còn giúp loại bỏ những rủi ro có thể xảy ra với dân cư do các sự cố công nghiệp.

Hiện nay, theo một thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng ở Hà Nội thì hầu hết các quận nội thành đều có các nhà máy, với rất nhiều trong số đó không đạt được những tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy(1).

Những nhà máy nằm lẫn với các khu vực dân cư đông đúc. Sự tồn tại của những nhà máy này là có lý do lịch sử, nhưng việc tiếp tục tồn tại của nó thì lại là lỗi của cơ chế.

Ví dụ, nhà máy Rạng Đông đã ở vị trí hiện tại từ năm 1961, là biểu tượng của thời kỳ đầu xây dựng ngành công nghiệp ở miền Bắc Việt Nam. Thời điểm đó, Luật Đầu tư chưa có, khái niệm “khu công nghiệp” còn quá xa lạ, và quy định về quy hoạch đô thị và công nghiệp thường để phục vụ cuộc chiến bảo vệ miền Bắc và thống nhất đất nước. 

Các quy định về bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường còn sơ sài. Chính vì thế, việc nhà máy Rạng Đông tồn tại giữa các trường đại học ở Hà Nội vào thời điểm đó không đem đến quá nhiều lo ngại cho những người làm quy hoạch. Không thể trách lý do tại sao nhà máy lại tồn tại như vậy.

Tuy nhiên, khi đất nước thống nhất và tốc độ đô thị tăng cao, thì việc để cho người dân đến sống xung quanh nhà máy lại là một vấn đề lẽ ra có thể lường trước và tránh được.

Ban đầu, có lẽ những cư dân sinh sống xung quanh chỉ là cán bộ, công nhân của nhà máy. Nhưng dần dần thì các khu đất này trở nên có giá trị kinh tế cao và cộng đồng dân cư bám rễ lâu dài. Nếu những nhà quy hoạch đã có thể lường trước rủi ro, họ hoàn toàn có thể ngăn chặn sự hình thành những khu dân cư như vậy xung quanh nhà máy Rạng Đông.

Khi các cộng đồng dân cư đã bén rễ, nó khiến việc quy hoạch lại trở nên cực kỳ khó khăn vì vấn đề gắn đến quyền lợi và văn hóa của cộng đồng đó. Như vậy, nhà quy hoạch còn không nhiều giải pháp, mà khả thi nhất là di dời các tài sản thuộc sở hữu công cộng, như nhà máy Rạng Đông (nay thì đã cổ phần hóa) hay các trường đại học.

Trên thực tế, kế hoạch di dời những khối tài sản này đã có từ lâu và vẫn đang được triển khai, nhưng như thừa nhận của một cán bộ thì vẫn chưa có “một quy trình rõ ràng” cho việc di dời này(2).

Bên cạnh đó, một số lợi ích kinh tế liên quan đến quỹ đất và vị trí bỗng trở nên đắc địa của nhà máy cũ cũng khiến những người lãnh đạo nhà máy không có quá nhiều động lực để thúc đẩy việc di dời. Do đó, tuy có các giải pháp mang tính tạm thời như chia tách các khu vực độc hại bên trong nhà máy, thì rủi ro không hề dứt điểm vì tai nạn diễn ra thì không theo định hướng nào cả.

Vụ việc nhà máy Rạng Đông, do đó, có thể xem là một tai nạn được báo trước và sớm muộn sẽ xảy ra. Việc duy nhất có thể làm bây giờ là đẩy nhanh tiến trình di dời và tháo gỡ hoàn toàn những ngòi nổ của “các quả bom lửa” này.

Cháy nhà máy Rạng Đông: Bài học quản lí rủi ro - Ảnh 2.

Đến ứng phó với dư luận sau rủi ro

Nhưng nếu ngay cả khi rủi ro đã xảy ra, thì việc ứng phó, đặc biệt là với dư luận, như thế nào là điều rất đáng quan tâm. Vụ việc ở Rạng Đông đang chỉ ra sự thiếu hụt của một quy trình ứng phó rủi ro chuẩn từ phía chính quyền.

Việc UBND phường Hạ Đình ra văn bản khuyến cáo người dân không ăn thực phẩm sản xuất trong bán kính 1 ki lô mét xung quanh khu vực xảy ra sự cố cháy, rồi lại bị UBND quận Thanh Xuân yêu cầu thu hồi văn bản này và kỷ luật, để rồi chính UBND quận Thanh Xuân lại ra một văn bản có nội dung mà Bộ Tài Nguyên và Môi trường phủ nhận và chính bộ này lại ra cảnh báo, tất cả diễn ra trong không quá 24 giờ, khiến dư luận rất hoang mang và tạo khoảng trống để những nguồn tin tức không tốt, không chính xác xuất hiện.

Hình ảnh "tâm điểm" của những ngày đầu xảy ra sự cố là hình ảnh một cán bộ cao cấp của đơn vị đánh giá sự cố đeo một mặt nạ phòng độc đi vào vùng mà UBND quận Thanh Xuân đã tuyên bố là "an toàn".

Hình ảnh như vậy không phải là một cách ứng phó với khủng hoảng rủi ro hiệu quả, và cực kỳ gây hại về mặt truyền thông.


Đối với người dân thì cần phải hiểu rằng trong quản lý công, người ta có thể có hai trường phái quản lý: quản lý dựa trên nỗi hoảng loạn, và quản lý dựa trên số liệu cụ thể. Quản lý dựa trên số liệu cụ thể đòi hỏi việc ra chính sách phải căn cứ trên số liệu, trên mô hình hóa, dự báo khả năng..., và thường mất rất nhiều thời gian.

Còn quản lý dựa trên nỗi hoảng loạn đòi hỏi người ra quyết định giả định tình huống xấu nhất và đưa ra cảnh báo ngay lập tức theo kiểu “thà nhầm còn hơn sót”. Có thể phỏng đoán rằng UBND phường Hạ Đình đã đưa ra văn bản theo tinh thần quản lý dựa trên hoảng loạn.

Thực tế khoa học thì việc đo đạc, ví dụ hàm lượng thủy ngân trong môi trường, là rất khó khăn và mất thời gian nên không thể đòi hỏi các nhà quản lý cho ra được kết quả ngay lập tức. Dù vậy, một số cơ quan quản lý chọn cách mô hình hóa thảm họa để đưa ra các cảnh báo.

Cho dù lựa chọn trường phái ra quyết định nào thì cái gốc của các chính sách phải trên nền tảng sự an toàn của người dân xung quanh khu vực xảy ra sự cố là trên hết, vì ngay cả khi các lợi ích kinh tế được đặt ra, thì việc để người dân khu vực xảy ra sự cố nhiễm bệnh cũng là một bài toán kinh tế thua lỗ.

Người viết giải thích ở đây để cho thấy rằng trong việc ứng phó sau rủi ro thì cách làm nào cũng đều có cái lý của nó cả và dư luận đôi khi cũng nên thông cảm trước sự khó khăn đó.

Nhưng tóm lại thì lựa chọn việc ứng phó theo kiểu nào cũng phải nhất quán từ trên xuống dưới. Hình ảnh “tâm điểm” của những ngày đầu xảy ra sự cố là hình ảnh một cán bộ cao cấp của đơn vị đánh giá sự cố đeo một mặt nạ phòng độc đi vào vùng mà UBND quận Thanh Xuân đã tuyên bố là “an toàn”. 

Hình ảnh như vậy không phải là một cách ứng phó với khủng hoảng rủi ro hiệu quả, và cực kỳ gây hại về mặt truyền thông.

Thiết nghĩ, những bài học từ sự cố Rạng Đông lần này cần được mổ xẻ, cân nhắc kỹ lưỡng để nếu không thể phòng ngừa được những sự cố tương tự trong tương lai thì chúng ta cũng sẽ có được cách ứng phó hợp lý hơn.


Lê Nguyễn Duy Hậu

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.