|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chảy máu ngoại tệ qua 'hợp đồng kinh tế': Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước ở đâu?

11:21 | 11/05/2018
Chia sẻ
Trong vụ “cờ bạc nghìn tỉ” liên quan tới Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương vừa bị khởi tố, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng triệu USD được chuyển ra nước ngoài dễ dàng theo con đường “hợp đồng kinh tế (HĐKT)”.
chay ma u ngoa i te qua hop dong kinh te trach nhiem cua ngan hang nha nuoc o dau Kho dự trữ ngoại tệ Việt Nam có thể lên tới bao nhiêu?
chay ma u ngoa i te qua hop dong kinh te trach nhiem cua ngan hang nha nuoc o dau Quy định cho vay bằng ngoại tệ: Cần tạo sự ổn định của văn bản pháp luật
chay ma u ngoa i te qua hop dong kinh te trach nhiem cua ngan hang nha nuoc o dau

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: A.C

Trong vụ “cờ bạc nghìn tỉ” liên quan tới Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương vừa bị khởi tố, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng triệu USD được chuyển ra nước ngoài dễ dàng theo con đường “hợp đồng kinh tế (HĐKT)”.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính thì đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, trong khi vẫn chưa có phương án hữu hiệu kiểm soát dòng tiền này.

Ngân hàng thương mại lúng túng, Ngân hàng nhà nước né tránh

Trao đổi với PV báo Lao Động, Giám đốc một NHTM cho biết, “Trước khi ngân hàng thực hiện lệnh chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, khách hàng cần phải xuất trình đủ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài và văn bản xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài của NHNN cấp cho nhà đầu tư”.

Cụ thể, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài sẽ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp. Có được “lá kim bài” này trong tay, nhà đầu tư phải đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài với NHNN.

Hiện nay quy định về đầu tư nước ngoài có trong Nghị định 83/2015/NĐ-CP. Trong đó quy định rõ trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài là chủ trì thẩm định dự án đầu tư nước ngoài đối với dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài, thực hiện việc cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài (khoản 2, điều 28, chương V).

Trách nhiệm của NHNN là chủ trì phối hợp với Bộ KHĐT và các cơ quan khác có liên quan trong việc xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định pháp luật, các cơ chế, chính sách về tín dụng, quản lý ngoại hối, kiểm soát các hành vi rửa tiền liên quan tới hoạt động đầu tư nước ngoài (khoản 1, Điều 29).

Trước đây, pháp luật có quy định về hạn mức chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài tại Quyết định 1437/2001/QĐ-NHNN quy định về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài, của người cư trú là công dân Việt Nam; sau đó là Nghị định 131/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý ngoại hối. Ngày 25.1.2006, NHNN ban hành thông tư 497, hướng dẫn NĐ 131. Theo đó các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố, cơ sở tín dụng có trách nhiệm quản lý chặt chẽ nguồn ngoại tệ chuyển đi nước ngoài...

Khi Pháp lệnh ngoại hối được sửa đổi, bổ sung và được hướng dẫn tại Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17.7.2014, các văn bản pháp luật nói trên hết hiệu lực thi hành.

Vì không có quy định, hướng dẫn nên các NHTM rất lúng túng và đã có kiến nghị về việc cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 70/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, trả lời vấn đề này, ngày 19.10.2017, NHNN có công văn 8516/NHNN-QLNH do ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối NHNN ký. Trong đó trích lại điều 7 khoản 2 Nghị định 70: “Chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài: Người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho các mục đích sau: a) Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; b) Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài; c) Trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài; d) Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài; đ) Chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; e) Chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài; g) Chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.

Điều đáng nói là đến nay NHNN cũng chưa đưa ra những quy định cụ thể nào (ví dụ: Quy định về mức tiền, điều kiện) cho vấn đề “công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài”. Vì thế các NHTM không biết bám vào đâu để thực hiện.

Bên cạnh đó, văn bản cũng “chuyền lại quả bóng” cho các NHTM và các tổ chức tín dụng khi dẫn điều 16 Nghị định 70: “Điều 16. Kiểm tra chứng từ: Tổ chức tín dụng được phép và tổ chức khác được phép hoạt động ngoại hối khi thực hiện các giao dịch ngoại hối cho khách hàng có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ và các chứng từ phù hợp với các giao dịch thực tế để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật”.

Vì thế công văn công văn 8516/NHNN-QLNH tưởng là hướng dẫn mà thực sự không có hướng dẫn gì cụ thể(!). Điều này càng khiến các NHTM lúng túng trong xử lý và cũng là kẽ hở để các đối tượng thực hiện rửa tiền, chuyển tiền ra nước ngoài ồ ạt mà không có chế tài kiểm soát.

PV báo Lao Động đã liên hệ với Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối của NHNN để trao đổi thêm về vấn đề này nhưng Vụ trưởng từ chối trả lời.

Thất thoát ngoại tệ: Trách nhiệm của NHNN ở đâu?

Luật Phòng, Chống rửa tiền quy định tại Khoản 2 Điều 22 đưa ra 8 dấu hiệu đáng ngờ cơ bản. Ngoài ra, Luật cũng đưa ra 12 dấu hiệu giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng; 8 dấu hiệu giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực bảo hiểm; 8 dấu hiệu đáng ngờ của một giao dịch trong lĩnh vực chứng khoán; 8 dấu hiệu đáng ngờ của một giao dịch trong lĩnh vực trò chơi có thưởng, casino; 4 dấu hiệu đáng ngờ của một giao dịch trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Theo LS Nguyễn Đức Toàn, quy trình quản lý Nhà nước đầu tư ra nước ngoài thì khi DN đầu tư ra nước ngoài phải có đề án và thành lập dự án tại nước ngoài và phải xin phép Ngân hàng Nhà nước về việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ quan quản lý Nhà nước nào quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động của các DN hoạt động ở nước ngoài như thế nào. Hiện quy định hậu kiểm này đã có nhưng thực chất chỉ trên giấy tờ và chưa có tính khả thi trên thực tế.

Chính vì thế, việc rửa tiền, chuyển tiền ra nước ngoài chỉ cần DN có giấy phép đầu tư ra nước ngoài và làm các thủ tục chuyển ngoại tệ ra nước ngoài và được NHNN địa phương chấp nhận về việc chuyển tiền thì được coi là hợp lệ (!?).

Theo GS-TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài - thì việc các DN đầu tư ra nước ngoài là việc tất yếu nhưng vấn đề quan trọng cần phải quản lý chặt đó là ngoại tệ vì phần lớn các DN đều khống chế việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. Trong điều kiện hiện tại của VN hiện việc này rất quan trọng do vậy Nhà nước thông qua NHNN kiểm soát vấn đề này. Bộ KHĐT chỉ là cơ quan thẩm định và cho phép. Do vậy, NHNN cần phải có cơ chế để hỗ trợ các DN và hạn chế được việc chuyển tiển không hợp lý ra nước ngoài.

Trách nhiệm chính trong việc doanh nghiệp lợi dụng chiêu bài “chuyển tiền ra nước ngoài bằng một hợp đồng kinh tế” là NHNN. Bộ KHĐT chỉ làm công tác xem xét hồ sơ, theo dõi, hướng dẫn các DN. Điều khó hiểu là trong sự bối rối của các NHTM thì NHNN chỉ đưa ra một nhận định mơ hồ là “trong trường hợp cần thiết sẽ xây dựng văn bản hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài cho các mục đích được phép”. Trong lúc chờ NHNN thấy cần thiết, hàng chục triệu USD, thậm chí nhiều hơn đã lợi dụng kẽ hở này để chảy ra nước ngoài, trong đó có những hoạt động bất hợp pháp như đánh bạc, rửa tiền…

Nhóm Phóng viên